(HNM) - Ít có năm nào CPI rơi vào tình trạng như năm nay - chỉ tăng ở mức thấp hoặc giảm (tính theo tháng)… Vì sao lại có thực tế này?
Thực tế trên là kết quả của nhiều tháng CPI chỉ tăng ở mức thấp hoặc giảm. Đơn cử, CPI tháng 9 đã giảm 0,21% so với tháng trước và là tháng suy giảm hiếm hoi so với cùng kỳ trong suốt 10 năm gần đây. Nguyên nhân chính là giá xăng dầu giảm khá mạnh, khiến cho nhóm giao thông giảm 3,17%, từ đó góp phần làm CPI tháng 9 giảm mất 0,28% điểm. Bên cạnh đó, giá gas trong nước cũng qua 4 lần điều chỉnh giảm liên tiếp, với tổng mức giảm là 37.500 đồng/bình 12kg. Việc giảm giá nhiên liệu nói chung đã "hạ nhiệt" thị trường.
Gas là mặt hàng có xu hướng giảm giá mạnh trong thời gian qua. Ảnh: Bá Hoạt |
Tổng cục Thống kê nhận định, 9 tháng qua nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm dồi dào, ổn định cũng là yếu tố tích cực, tác động trực tiếp đến đời sống xã hội và góp phần kìm hãm không cho CPI tăng như thường diễn biến trong thời gian trước đây. Đáng lưu ý là, tâm lý tiết giảm chi tiêu, chỉ ưu tiên chi dùng đối với những gì không thể thiếu đang ngày càng lan rộng. Phần lớn hộ gia đình đều chủ động tiết kiệm đề phòng khó khăn có thể xảy ra trong điều kiện thu nhập không được cải thiện. CPI tăng rất thấp còn do tác động của các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô, đơn cử như việc điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đáng chú ý, giá một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường thế giới khá ổn định, thậm chí có xu hướng giảm mạnh như giá xăng dầu, gas, sắt thép…
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, dự báo năm 2016 tốc độ lạm phát vẫn được khống chế ở mức dưới 5%. Xét từ khía cạnh khác, các chuyên gia cũng khẳng định rằng, khả năng tăng trưởng GDP không nhất thiết đồng nhất, tỷ lệ thuận với tốc độ tăng CPI. Vấn đề đặt ra là cần có chủ trương, định hướng và giải pháp dứt khoát, phù hợp để bảo đảm mức tăng CPI càng thấp càng tốt đồng thời hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong một diễn biến mới, các cơ quan chức năng cho biết, mặc dù CPI tăng thấp nhưng tốc độ tăng trưởng GDP lại tăng cao và có thể cao hơn hẳn mức dự báo từ đầu năm, ở mức 6,2% - 6,5% như thông tin công bố gần đây của một số tổ chức quốc tế.
Dự báo về CPI trong thời gian tới, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, khả năng CPI tăng thấp vẫn sẽ tiếp diễn, với sự cộng hưởng các yếu tố trong nước và giá xăng dầu trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, tình hình sản xuất và sản lượng lương thực, chăn nuôi, thực phẩm chế biến vẫn trong xu hướng ổn định cung - cầu dẫn đến bão hòa.
Điều quan trọng nhất là, việc CPI tăng thấp diễn ra liên tục qua các tháng đang trở thành điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN tiết giảm chi phí nhiên liệu, vật liệu đầu vào phục vụ hoạt động sản xuất, từ đó giúp hạ giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thương trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.