(HNM) - Theo thống kê của ngành Công Thương Hà Nội, trung bình mỗi năm, thị trường Thủ đô tiêu thụ khoảng 890.000 tấn gạo, 139.000 tấn thịt lợn, 42.000 tấn thịt gà, 900.000 tấn rau các loại… và nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch ngày càng tăng. Thế nhưng, việc mở rộng hệ thống cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố vẫn là “bài toán” nan giải. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã… bỏ vốn đầu tư vào loại hình kinh doanh này nhưng sau một thời gian ngắn phải đóng cửa, dừng hoạt động vì thua lỗ.
Xung quanh câu chuyện này, trước hết có thể khẳng định: Hệ thống cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Các nhà sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hoàn thiện những “mảnh ghép” thị trường của chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Người tiêu dùng, đặc biệt ở các khu vực đô thị có thể tiếp cận thuận lợi hơn với nông sản, thực phẩm “sạch”… Tuy nhiên, các chủ cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn có thể mở rộng được hoạt động hay không còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề.
Kinh phí thuê mặt bằng, đầu tư trang thiết bị bảo quản sản phẩm không nhỏ; giá nông sản nhập vào từ trang trại nuôi trồng theo quy chuẩn cao hơn mặt bằng chung của thị trường… do vậy, dễ hiểu khi giá bán tại các cửa hàng cao hơn sản phẩm cùng loại ở chợ dân sinh. Trong khi đó, phân khúc khách hàng mong muốn tiếp cận được thực phẩm sạch không phải là ít. Vấn đề là phải lấy được niềm tin của người tiêu dùng. Một khi các cửa hàng loại này còn bán thức ăn qua chế biến không bảo đảm chất lượng, hoặc rau quả không rõ nguồn gốc xuất xứ lẫn với sản phẩm an toàn… thì rất khó thu hút các “thượng đế”.
Vì vậy, để mở rộng hệ thống cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là phải có được niềm tin của khách hàng.
Không chỉ đặt “chữ tín” lên hàng đầu trong tư duy thị trường, các chủ cửa hàng cần chú trọng từ việc lựa chọn địa điểm kinh doanh phù hợp, nơi nhiều người dân có nhu cầu và khả năng chi trả cho việc tiêu dùng sản phẩm sạch; lên kế hoạch cụ thể với từng giai đoạn phát triển; khảo sát, tạo nguồn cung sản phẩm đa dạng, chất lượng cao… đến đầu tư trang thiết bị đúng quy chuẩn; hình thành đội ngũ bán hàng am hiểu về thực phẩm, có khả năng tư vấn cho người tiêu dùng…
Và, để hỗ trợ phát triển hệ thống cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn, cơ quan chức năng của thành phố cũng như các địa phương cần tích cực tổ chức phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, nhất là với mặt hàng chế biến tại cửa hàng; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật.
Mặt khác, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần phối hợp với các ngành, các cơ quan chức năng tham mưu với thành phố ban hành cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc thực hiện các quy định về thủ tục hành chính và tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng hệ thống cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn; tăng cường kết nối giữa cơ sở kinh doanh và người sản xuất. Từ đó góp phần thúc đẩy các hoạt động sản xuất, lưu thông để ngày càng có nhiều người dân Thủ đô tiêu dùng nông sản, thực phẩm sạch.
Chất lượng sản phẩm - “chữ tín” trong kinh doanh là cốt lõi đối với việc mở rộng hệ thống cửa hàng nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.