(HNMO)- “Công viên nông nghiệp” được coi là hướng phát triển mới đối với nông nghiệp Việt
Tương lai của nông nghiệp nước ta?
Theoông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, nông nghiệp và nông thôn Việt Nam đang đứng trước nhiều vấn đề nan giải. Mỗi năm, nông nghiệp phải nhường 70.000ha đất canh tác cho phát triển công nghiệp hóa, trong khi tỷ lệ người nghèo ở nông thôn cao gấp 6 lần so với ở đô thị. Cùng với đó, do biến đổi khí hậu toàn cầu diễn biến phức tạp, nên sản xuất nông nghiệp ngày càng phải hứng chịu nhiều rủi ro.
Trong khi đó, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi có sự minh bạch trong chuỗi thực phẩm “từ nông trại đến đến bàn ăn”. Do vậy, để giải quyết các trở ngại và đáp ứng nhu cầu về thực phẩm, phải thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp lạc hậu đã và đang tồn tại ở nước ta từ nhiều đời nay.Ông Sơn cho rằng, phát triển quy hoạch, vận hành và thu hút liên kết sản xuất đầu tư để hình thành nên các khu công viên nông nghiệp (AgroPark) là hết sức cần thiết.
Sản xuất nông nghiệp ngày càng phải hứng chịu nhiều rủi ro |
Ông InZuka, Tập đoàn Nikken Seiki (Nhật Bản), Phó chủ nhiệm Dự án Khu AgroPark Yên Bình cho biết, Nikken Seiki đã được phép quy hoạch xây dựng thành phố nông nghiệp Yên Bình tại tỉnh Thái Nguyên trên diện tích 7.900ha đất, phần lớn là đất nông nghiệp, với dân số 73.000 người đang sinh sống. Đây sẽ là mô hình thành phố xanh, sản xuất nông nghiệp đẳng cấp quốc tế, với sự kết hợp hài hòa giữa nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Dự án sẽ thu hút 16.300 lao động để trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của miền Bắc. AgroPark Yên Bình giữ vai trò quan trọng như là trung tâm thu mua và xuất nhập khẩu nông sản; nghiên cứu phát triển kỹ thuật cao; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong và ngoài nước; xây dựng thương mại nông nghiệp; phát triển sản phẩm hàng hóa nông sản để thu hút các doanh nghiệp và khâu chế biến; đào tạo nhân lực cho ngành nông nghiệp.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Đặng Viết Thuần phân tích, thành phố nông nghiệp Yên Bình nằm trong vành đai xanh của vùng Thủ đô, với rất nhiều thuận lợi về giao thông, thương mại như khoảng cách đến sân bay Nội Bài chỉ 20km; gần đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai; tiếp giáp với thị trường tiêu thụ sản phẩm là Hà Nội rộng lớn. Cũng theo ông Thuần, trước khi quy hoạch dự án, đây là vùng thuần nông chỉ chuyên trồng lúa, với rất nhiều lao động nhàn rỗi. Khi dự án thành công, đây sẽ là nơi cung cấp thực phẩm sạch cho Hà Nội và các khu công nghiệp ở miền Bắc.
Ông Thuần nhấn mạnh: “Mô hình AgroPark Yên Bình sẽ là tương lai của nông nghiệp Việt Nam, sẽ tạo ra được hàng hóa nông sản thân thiện với con người và thân thiện với thiên nhiên. Tại đây sẽ cho phép tạo ra được khối lượng sản phẩm lớn trên diện tích canh tác hẹp, giải quyết công ăn việc làm cho lao động dôi dư”.
Cần tính toán kỹ, tránh vội vã
Giáo sư Peter Smeets, Trường đại học Wageningen- Hà Lan, chuyên gia về nghiên cứu và phát triển công viên nông nghiệp ở nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ cho rằng, sản xuất nông nghiệp trên thế giới đang trong quá trình chuyển đổi sang hướng nông nghiệp đô thị. Trong thời gian tới, sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn trong vùng sản xuất nông nghiệp đô thị hoàn toàn biến mất. AgroPark đang trở thành hệ sản xuất nông nghiệp thông minh, cho phép lồng ghép và tích hợp theo định hướng tiêu dùng với nhiều hoạt động nông nghiệp khác nhau, tạo nên hệ thống cải tiến liên hoàn trong sản xuất, chế biến và vật tư nông nghiệp đô thị.
Thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp lạc hậu là cần thiết |
Tuy nhiên, theo GS. Peter Smeets, AgroPark phải có được 3 hệ thống thiết yếu là trung tâm phục vụ cho thị trường đô thị theo nhu cầu tiêu dùng; khu sản xuất và chế biến nông sản; trạm trung chuyển hàng hóa nông sản. AgroPark phải được xây dựng trên nguyên tắc của phát triển bền vững: giảm chất thải và sử dụng hợp lý nguồn nước; canh tác và chế biến quy mô lớn theo hướng công nghiệp; giảm nguy cơ dịch bệnh cho vật nuôi, cây trồng; không phụ thuộc vào mùa vụ và đất đai; giảm thiểu đáng kể chi phí sản xuất.
Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, việc phát triển các công viên nông nghiệp mà thành phố Yên Bình, Thái Nguyên là mô hình điểm rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi diện tích đất nông nghiệp ngày mộtthu hẹp. Song, cần phải có những bước đi phù hợp giữa thực tế và ý tưởng, không nên vội vã, thiếu tính toán. Bởi vào năm 2004, Hà Nội cũng đã từng phê duyệt chủ trương phát triển khu công viên hoa Tây Tựu, nhưng đã không thể triển khai thành hiện thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.