Cầu vượt bằng thép qua các nút giao, bãi đỗ xe ngầm nổi, thông nút cổ chai cuối phố Văn Cao hay Thái Hà... được kỳ vọng sẽ giải quyết phần nào vấn nạn ùn tắc giao thông Hà Nội.
Hàng loạt cầu vượt tạm sẽ được xây dựng trong năm 2012. Ảnh: VNE |
Dự kiến trước Tết Nhâm Thìn, ngành giao thông sẽ khởi công xây một số cầu vượt cho xe con và xe máy tại một số nút giao có mật độ phương tiện đi lại cao như Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng, Chùa Bộc - Sơn Tây, đường Láng - Lê Văn Lương, đường Láng - Trần Duy Hưng... Thời gian thi công chỉ trong 4 tháng, các cầu vượt tạm sẽ giải quyết nạn ùn tắc tại các nút giao trọng điểm này.
Theo tư vấn của nhóm tác giả tại ĐH Giao thông Vận tải, cầu vượt có kết cấu nhẹ bằng dầm thép, móng cọc bê tông cốt thép đúc sẵn hoặc móng cọc vít thi công ép xoắn, trụ thép hoặc trụ đổ bê tông bên trong. Mỗi cầu sẽ thiết kế đủ rộng cho 4 làn xe con (12 m), chi phí khoảng 150 tỷ đồng.
Nhu cầu đỗ xe tăng mạnh khi lượng phương tiện gia tăng, năm 2012, Hà Nội sẽ xây dựng 9 bãi đỗ xe cao tầng tại các khu vực như Phùng Hưng, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Ngọc Khánh... Các bãi đỗ xe cao tầng này được sử dụng công nghệ xếp đỗ tiên tiến, giải tỏa nhanh lượng xe ra vào bãi. Thi công chỉ trong vài tháng, các bãi đỗ này được kỳ vọng sẽ giải quyết điểm đỗ xe của thủ đô.
Hà Nội cũng đã có quy hoạch xây dựng thêm 50 bãi đỗ xe mới ngầm và nổi tại nhiều khu vực trong nội đô đến năm 2015. Nhiều dự án đã và sẽ khởi công như bãi đỗ xe Gia Linh (Hoàng Mai), bãi đỗ xe Cổ Nhuế - Chèm (Từ Liêm), bãi đỗ xe và khu đô thị mới thành phố giao lưu (Từ Liêm), bãi đỗ xe công nghệ cao kết hợp không gian xanh (Cầu Giấy), bãi đỗ xe tĩnh Đầm Trấu (Hai Bà Trưng)…
Ngoài ra, lãnh đạo Hà Nội còn kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư các dự án phát triển nhà, khu đô thị phải bố trí bãi đỗ xe đáp ứng đủ nhu cầu của dự án và dành 20-30% diện tích cho đỗ xe công cộng.
Năm tới, Hà Nội sẽ hoàn thành dứt điểm các trục đường Văn Cao - Hồ Tây, Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng, quốc lộ 32, đường Ngô Gia Tự. Đây là các tuyến có mật độ lưu thông lớn song tiến độ thi công ì ạch qua nhiều năm.
Trên đường Hoàng Hoa Thám thuộc tuyến Văn Cao - Hồ Tây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều mảnh gạch và gốm cổ thời Lý - Trần - Lê. Việc tạm dừng thi công để khảo cứu cũng như tốc độ giải phóng mặt bằng chậm chạp khiến đoạn tuyến này chậm tiến độ hơn 1 năm. Sau khi hoàn thành, đường Trần Duy Hưng sẽ được nối thông với Hồ Tây, đây được coi là tuyến đường đẹp nhất của thủ đô Hà Nội.
Tuyến Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng được coi là công trình tốc độ "rùa" kỷ lục, khi xây dựng gần 2km đường trong thời gian 10 năm. Bắt đầu thi công từ năm 2001, kế hoạch hoàn thành năm 2006, song đến nay, dự án vẫn chưa hoàn tất. Thời gian qua, dự án ì ạch không chỉ gây khó khăn cho việc đi lại của người dân mà còn gây úng ngập cho quận Đống Đa vì mương Thái Thịnh bị chặn dòng chảy.
"Con đường đau khổ" quốc lộ 32 đoạn Cầu Diễn - Nhổn đã nhiều lần lỗi hẹn hoàn thành, đang được đơn vị xây dựng khẩn trương thi công hoàn tất trước Tết Nhâm Thìn. Đây được coi là tuyến huyết mạch phía tây, nối liền nội đô với các huyện thuộc Hà Tây cũ, xóa dần khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng. Việc chậm tiến độ của quốc lộ 32 đã gây bức xúc trong dư luận, từng được các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải tại nghị trường Quốc hội.
Đường Ngô Gia Tự (đoạn cầu Chui - cầu Đuống) - tuyến cửa ngõ phía bắc Hà Nội với chiều rộng 48m với 8 làn xe 2 chiều cũng đang được gấp rút thi công để hoàn thành trong năm 2012. Dự án này hoàn thành sẽ chấm dứt tình trạng quy hoạch treo gần 20.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.