Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công trình “đắp chiếu”, dân “khát” nước sạch

Hữu Hoài| 10/11/2014 06:19

(HNM) - Dân thiếu nước nhưng một số trạm cấp nước xây dựng dở dang

Trong khi hàng nghìn người dân thôn Trung Cao, xã Trung Hòa (Chương Mỹ) thiếu nước sinh hoạt triền miên vào mùa khô, khiến cuộc sống bị đảo lộn, thì lâu nay gia đình bà Trần Thị Biểu may mắn có đủ nước để sử dụng hằng ngày. Tuy nhiên nỗi lo về bệnh tật do sử dụng nước không hợp vệ sinh luôn đeo bám, ám ảnh. Bà Biểu cho biết, vào mùa khô, chỉ vài giếng đào tại những nơi thấp trũng ở thôn Trung Cao có nước, còn lại cạn trơ đáy. Thực tế vài năm trở lại đây, gia đình bà Biểu và nhiều hộ thôn Trung Cao điều kiện kinh tế khá đã chủ động xây bể lọc nước giếng để sử dụng nhưng chất lượng nguồn nước thế nào, có ảnh hưởng đến sức khỏe không thì không rõ. Theo quan sát của phóng viên, nguồn nước gia đình bà Biểu sử dụng có màu trắng đục, xô chậu cặn đóng từng lớp vàng hoe. Khó có thể tưởng tượng đây lại là nguồn nước mà gia đình bà Biểu và nhân dân lân cận thường xuyên sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày.

Bà Trần Thị Kháng, thôn Trung Cao cho biết, tự ý thức được sức khỏe bản thân, một số hộ gia đình phải mua nước đóng bình để nấu ăn hoặc sử dụng nước mưa trữ trong chum vại. Việc tắm gội dùng nước giếng khoan, giếng đào.

Không riêng Trung Hòa, tình trạng thiếu nước sạch diễn ra khá gay gắt ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Ông Đặng Viết Xuân, Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết, dân số của Chương Mỹ khoảng 313.400 người, trong đó có 20% được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, tỷ lệ quá thấp so với bình quân toàn thành phố.

Theo phương pháp đánh giá, chấm điểm các tiêu chí công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới TP Hà Nội, ngoài các tiêu chí đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, xã đạt chuẩn nông thôn mới phải có 90% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có từ 50% số hộ sử dụng nước sạch trở lên.

Trong những năm qua, Chương Mỹ đã quan tâm thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là thiếu vốn đầu tư nên nhiều công trình dở dang, không hoạt động khiến người dân bị thiệt thòi... Ông Đặng Viết Xuân cho biết, trên địa bàn chỉ có 2 trạm cấp nước An Phú, thị trấn Chúc Sơn và thôn Phương Hạnh, xã Tân Tiến hoạt động ổn định. Công trình cấp nước tập trung thôn Thái Hòa, xã Hợp Đồng có hoạt động nhưng chỉ phục vụ cho trường học, trạm y tế... Các mô hình quản lý, khai thác công trình cấp nước tập trung ở Chương Mỹ cũng bộc lộ nhiều tồn tại như nhân công quản lý, vận hành thiếu chuyên môn, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra tại chỗ, xử lý sự cố còn thiếu, không đồng bộ; giá nước chưa được tính đúng, tính đủ. Thu không đủ chi dẫn đến thiếu kinh phí để duy tu, bảo dưỡng khiến các công trình xuống cấp nhanh, chất lượng nước không bảo đảm, thậm chí có trạm phải dừng hoạt động như trạm cấp nước tập trung xã Hồng Phong.

Trước thực trạng trên, các sở, ngành liên quan tham mưu với thành phố cho phép triển khai một số dự án công trình cấp nước sạch tập trung ở huyện Chương Mỹ. Song, do thiếu vốn đầu tư, nên mọi dự án vẫn nằm trên giấy. Không những thế, còn có tình trạng chồng chéo quyết định đầu tư nên không dự án nào triển khai được. Cụ thể, tại Quyết định số 6524/QĐ-UBND ban hành ngày 30-10-2013, UBND thành phố cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư dự án cấp nước sạch liên xã Trung Hòa, Trường Yên (Chương Mỹ) bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Tuy nhiên, dự án bị trùng lắp với dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch huyện Chương Mỹ và khu vực lân cận sử dụng nguồn nước sạch sông Đà được thành phố phê duyệt tại Quyết định số 6304/QĐ-UBND ngày 21-10-2013 do Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai làm chủ đầu tư... Thành thử, dự án cấp nước sạch cho xã Trung Hòa và Trường Yên đến nay vẫn chưa thể triển khai.

Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các cam kết với thế giới về mục tiêu thiên niên kỷ. Một trong những hành động quan trọng thúc đẩy khả năng hoàn thành cam kết đó là nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Nếu không tăng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch thì chưa đạt được mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, bởi đây là một yếu tố đánh giá chất lượng cuộc sống người dân nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công trình “đắp chiếu”, dân “khát” nước sạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.