Gần 3.000 nạn nhân của vụ 11/9 được ghi danh tại khu tưởng niệm Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, nhưng không phải theo thứ tự bảng chữ cái thông thường, mà theo một cách đặc biệt hơn rất nhiều.
Khu tưởng niệm WTC, với Ground Zero là nơi có hai hồ nước phản chiếu, vốn là vị trí trước đây của hai tòa tháp WTC. Ảnh: AP |
Richard Ross đã ở trên chuyến bay mang số hiệu 11 của hãng hàng không American Airlines khi nó lao vào tòa tháp phía bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC), lúc 8h46 ngày 11/9/2001. Mũi của chiếc máy bay đâm vào tầng 96 của tòa tháp, nơi Stacey Sanders, bạn thân nhất của con gái ông, đang làm việc.
Ông Ross, khi đó là một tư vấn viên 58 tuổi và say mê những ca khúc của danh ca Frank Sinatra, vốn là người luôn chậm trễ trong mọi việc và hay bị lỡ các chuyến bay. Tuy nhiên, vào cái ngày định mệnh ấy, ông đã đọc nhầm chi tiết chuyến bay lúc 7h45 từ Boston (bang Massachusetts) đi Los Angeles (bang California), để rồi tới sân bay sớm và thừa nhiều thời gian.
Trong khi đó, với mong muốn tạo ấn tượng tốt ở nơi làm việc mới là một công ty dịch vụ chuyên nghiệp, cô Sanders, khi đó 25 tuổi, đi làm sớm và bắt đầu ngày mới với một dự án. Sander có mối quan hệ tốt với gia đình nhà Ross, cô rất thân thiết với nhà tư vấn 58 tuổi. Tuy nhiên, họ không chờ đợi để được gặp nhau trong một đoạn kết bi kịch đến vậy, trong ngày mà nước Mỹ bị tấn công.
Tuy nhiên, từ tuần tới, họ sẽ được "sống" cạnh nhau mãi mãi, giống như nhiều nạn nhân khác. Tại trung tâm của khu tưởng niệm vụ 11/9 ở Ground Zero, quanh hai hồ nước phản chiếu được đào tại chính vị trí của hai tòa tháp đôi WTC trước đây, sẽ có 16 tấm bảng bằng đồng khắc tên của 2.982 nạn nhân của vụ khủng bố 11/9/2001 và vụ đánh bom WTC năm 1993.
Mô phỏng một hồ nước phản chiếu tại Ground Zero và tấm bảng bằng đồng ghi tên các nạn nhân. Đồ họa: Interiordesign |
Nhưng những người thực hiện việc khắc tên không muốn các nạn nhân được sắp xếp theo thứ tự chữ cái khô khan và lạnh lẽo. Sẽ có khó khăn phát sinh, ví dụ như trường hợp có hai người mang tên Michael Francis Lynches chẳng hạn, nhưng sẽ thật là sai lầm khi tạo ra khoảng cách giữa những cái tên mà lẽ ra nên được đặt ở cạnh nhau, kiến trúc sư Michael Arad chia sẻ.
Thay vào đó, Arad và các cộng sự tỉ mỉ thiết lập một hệ thống của "những sự liền kề có ý nghĩa". Các nạn nhân được nhóm lại theo các tiêu chí như gia đình, đồng nghiệp, những gia đình ngồi cạnh nhau trên các chuyến bay, hay chỉ đơn giản là những người xa lạ nhưng đã từ giã cõi đời tay trong tay khi cố gắng thoát khỏi thảm kịch.
"Thật cảm động và ý nghĩa biết bao khi nghĩ rằng họ sẽ được ở cạnh nhau theo cách ấy", Telegraph dẫn lời Abigail Ross Goodman, cô con gái của nhà tư vấn Ross nói. Còn John Vigiano, người mất hai con trai, lính cứu hỏa John Jr. và cảnh sát Joseph, nói: "Điều đó có ý nghĩa rất lớn lao." Trong khi đó, Denise Kelly, người có anh trai Daniel, người chồng Ronald và đứa con nuôi 3 tuổi David trên chuyến bay số hiệu 11 của American Airlines, xúc động nói: "Đây là điều thực sự quan trọng đối với gia đình của chúng tôi."
Những người đảm nhận công việc sắp xếp gần 3.000 cái tên là kiến trúc sư Arad, nhà thiết kế Jake Barton và nhà phân tích dữ liệu Jer Thorp, người phát triển một hệ thống thuật toán máy tính được thiết kế riêng, có khả năng giải quyết những bộ bảng danh sách chi tiết một cách đầy cảm xúc
Một phối cảnh khác mô tả các bảng tên sau khi được sắp xếp hoàn chỉnh. Đồ họa: Blprnt |
"Đây là một công việc xưa nay chưa từng có", Thorp nói. "Tôi đã không dám chắc rằng nó có thể diễn ra trôi chảy, và thực tế là nhiều nhà khoa học máy tính từ chối tham gia." Sau khi giành chiến thắng trong cuộc thi để thiết kế khu tưởng niệm vào năm 2004, kiến trúc sư Arad nói: "Sắp xếp tên của các nạn nhân theo các mối quan hệ của họ thực sự là một công việc quá tham vọng."
Những nỗ lực bước đầu của Arad và các cộng sự giúp họ có được sự xắp sếp của khoảng 1.200 cái tên. "Chúng tôi mất một năm để xoay sở với những cái tên này", Arad kể. "Có một nguy cơ rõ ràng: điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi chỉ có thể sắp xếp được một nửa trong số 3.000 cái tên của các nạn nhân."
Với một hồ nước phản chiếu trong khu Ground Zero, hệ thống thuật toán máy tính của Thorp cho phép anh đưa các cái tên từ trái qua phải, từ trên xuống dưới, và theo dõi xem có bao nhiêu yêu cầu truy vấn mà họ đã giải quyết được. Trong trường hợp phương pháp này không thu được kết quả như mong muốn, các thành viên khác của nhóm sẽ tiến hành công việc ở hồ nước còn lại một cách thủ công.
"Chúng tôi in tên của các nạn nhân với cùng tỷ lệ lên những tấm thẻ, có kèm theo các thông tin khác của họ", Arad chia sẻ. "Nếu không có truy vấn nào được đáp ứng thỏa đáng, chúng tôi sẽ cố gắng xếp các nạn nhân theo tiêu chí đồng nghiệp hoặc họ hàng. Trong hàng tháng trời, chúng tôi đã có hàng trăm và hàng trăm chiếc thẻ trên những cuộn giấy dài được ghim lên tường. Đó là một phương pháp vừa theo kiểu công nghệ cao, lại vừa rất thủ công."
Nhưng rồi cuối cùng công sức của nhóm đã được đền đáp xứng đáng. "Chúng tôi đã có thể đáp ứng mọi truy vấn và tìm ra một trật tự phù hợp cho tất cả những cái tên", kiến trúc sư Arad hồ hởi nói.
Các nạn nhân được sắp xếp cạnh vợ hoặc chồng, sau đó được đặt trong những nhóm lớn hơn gồm: những người có mặt trên 4 chuyến bay hôm 11/9/2001, những người ở trong hai tòa tháp đôi, những người làm việc ở Lầu Năm Góc, các nhân viên cứu hộ khẩn cấp và cuối cùng là các nạn nhân của vụ đánh bom WTC vào năm 1993.
Jer Thorp và một bản vẽ trực quan hóa các dữ liệu. Ảnh: Mixingreality |
Nhưng đó chưa phải là đoạn kết cho công việc của Arad và các cộng sự. "Chúng tôi không thể chỉ đơn giản có những nhóm tên, với những đoạn ngắt quãng từ cao xuống thấp", nhà thiết kế Barton nói. "Mỗi cái tên cần được đặt trong một vị trí riêng biệt với những khoảng không xung quanh nó, vì công trình cũng cần phải có giá trị tạo hình. Những cái tên cần phải được dịch chuyển một lần nữa."
"Đó là một thử thách giàu cảm xúc", Arad nói. Trong khi đó, nhà phân tích dữ liệu Thorp cho biết: "Tôi không nghĩ rằng mọi người có thể từng chuẩn bị cho việc nhìn thấy tên của các nạn nhân được sắp xếp như vậy, kèm theo những câu chuyện về họ. Bản thân tôi cũng chưa từng tưởng tượng ra nổi."
Kết quả lao động vất vả của Arad và các cộng sự sẽ được ra mắt vào chủ nhật tới, ngày 11/9/2001, tròn 10 năm vụ khủng bố tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Đó là một món quà thực sự ý nghĩa dành tặng những nạn nhân đã bị cướp đi mạng sống trong ngày đen tối nhất của nước Mỹ.
Sự sắp xếp tỉ mỉ và công phu của họ còn giúp chỉ ra một chuỗi các mối quan hệ con người bị mất đi trong sự hỗn loạn 10 năm về trước. "Thoạt nhìn thì những cái tên có vẻ được đặt một cách ngẫu nhiên, nhưng kỳ thực thứ tự của chúng được xây dựng một cách cẩn thận", kiến trúc sư Arad nói. "Quy mô của công trình giúp người xem hình dung ra số lượng gần 3.000 nạn nhân lớn tới mức nào. Nhưng ngoài ra, khi bạn nhìn vào việc các nạn nhân được ở cạnh nhau, và nghe những câu chuyện về sự mất mát của từng cá nhân, rồi bạn sẽ bắt đầu hiểu điều gì là thực sự ý nghĩa đối với con người."
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.