(HNM) - Các công trình chống ngập đang được xem là giải pháp duy nhất để ngăn chặn tình trạng ngập nước đối với TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hiện tại tiến độ của nhiều công trình triển khai rất ì ạch do vướng mắc về thủ tục hành chính, trình tự trong thẩm định, phê duyệt và cấp phép thi công…
Dự án "đắp chiếu"
Qua tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ nhiều công trình chống ngập triển khai ì ạch là do chưa có kinh phí, vướng giải phóng mặt bằng, các đơn vị đùn đẩy trách nhiệm quản lý. Trong số đó phải kể đến dự án xây dựng tuyến đê bao bờ tả sông Sài Gòn, từ rạch Cầu Ngang đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phê duyệt từ tháng 7-2011, song đến nay dự án này vẫn chưa được giao vốn. Dự án cống kiểm soát triều sông Kinh, Tân Thuận, sông Phú Xuân cũng vẫn nằm trên giấy, do kế hoạch vốn năm 2012 chưa được duyệt dù quý I đã trôi qua. Dự án xây dựng tuyến đê bao bờ hữu sông Sài Gòn, đoạn từ Vàm Thuận đến sông Kinh cũng vướng thủ tục cấp phép tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT). Các dự án xây dựng đê bao chống ngập thì đang trong giai đoạn chuyển hồ sơ trình UBND TP chấp nhận chủ trương để thực hiện các bước tiếp theo. Bên cạnh đó, do các tuyến đê bao dài, nằm trên nhiều quận, huyện khác nhau, do nhiều cơ quan khác nhau quản lý, nên việc lập hồ sơ xin cấp phép thi công gặp nhiều khó khăn, khiến tiến độ cấp phép bị chậm.
Tình trạng ngập lụt vẫn thường xuyên xảy ra tại TP Hồ Chí Minh. |
Ông Nguyễn Phước Thảo, Giám đốc Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP Hồ Chí Minh cho biết: "Chỉ riêng việc xác định mép bờ cao, hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch đã mất 6 năm, nhưng hiện vẫn chưa thực hiện xong, dẫn đến thiếu cơ sở để xử lý các trường hợp lấn chiếm, san lấp kênh rạch trái phép, làm giảm năng lực thoát nước và tiêu nước. Mặc dù việc xác định mép bờ cao giao cho Sở Giao thông vận tải (GTVT) triển khai, nhưng sở này lại giao ngược lại cho Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP làm, sau đó lại trình Sở thông qua nên hai bên cứ nhùng nhằng mãi…".
Không đùn đẩy trách nhiệm
Chương trình giảm ngập nước của TP được giao cho nhiều sở, ngành phối hợp thực hiện, như Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước, Sở NN&PTNT, KH-ĐT, Tài chính, GTVT, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc… Do có quá nhiều đơn vị cùng triển khai khiến một số dự án bị quản lý chồng chéo, thậm chí còn có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm… càng làm chậm tiến độ. Liên quan đến việc xác định mép bờ cao, Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Thế Kỷ lý giải: "Sở GTVT là cơ quan hành chính sự nghiệp nên không có quyền làm chủ đầu tư. Vì vậy, Sở đã làm 2 văn bản, trong đó đề cập đến việc xác định mép bờ cao, trình UBND TP, kiến nghị xem xét giao Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP thực hiện".
Mặc dù chương trình giảm ngập nước tại TP Hồ Chí Minh đã đạt được một số kết quả nhất định, xóa nhiều điểm ngập, nhưng trước mắt khối lượng công việc vẫn còn nhiều và để các công trình được hoàn thiện, đưa vào vận hành còn gặp không ít khó khăn. Nhiều dự án đã hoàn tất hồ sơ khảo sát, phương án thi công, nhưng bị "om" hàng tháng, có khi cả năm trời chờ được phê duyệt.
Ngoài chịu đựng triều cường hay nước biển dâng dẫn đến bị ngập, TP Hồ Chí Minh còn có nguy cơ đối mặt với những trận bão lớn trên lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai vào cuối mùa mưa, trùng với mùa lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Khi hồ chứa nước thượng nguồn đầy, vũ lượng cao đột biến, nếu không có phương án dự phòng tiêu thoát tốt thì TP sẽ ngập nặng. Do vậy, để giảm thiểu những thiệt hại do ngập, TP Hồ Chí Minh cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chống ngập, đặc biệt là trong mùa mưa năm nay. Vì vậy, ngoài rút ngắn thời gian thủ tục hành chính, các cơ quan chức năng cần xem xét, thống nhất một đầu mối quản lý và chịu trách nhiệm trước UBND TP, không thể đùn đẩy trách nhiệm như trước nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.