(HNM) - Vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới là yếu tố quan trọng quyết định đến thành công.
Tháng 6-2013, qua rà soát từ các thôn, xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì) đã có 14/19 tiêu chí đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, 5 tiêu chí quan trọng, liên quan chủ yếu đến đời sống và sản xuất của người dân là giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường lại chưa đạt. Theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh Nguyễn Thị Thu Hồng, người dân và chính quyền xã đều hiểu rõ những tiêu chí này đóng vai trò quan trọng trong quá trình thay đổi diện mạo nông thôn nhưng không thể thực hiện "một sớm một chiều", mà phải có quá trình vận động, đánh giá thực trạng để đạt được sự đồng thuận cao trong nhân dân và sự ủng hộ về kinh phí của các cấp. Với quan điểm này, trong phát triển giao thông, ngay từ đầu năm 2013, UBND xã Vĩnh Quỳnh đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương xã hội hóa kinh phí nâng cấp đường làng ngõ xóm. Xã đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thanh Trì tổ chức hai buổi tuyên truyền về công tác xây dựng NTM, dồn điền đổi thửa; chỉ đạo Ban văn hóa, Đài truyền thanh xây dựng chuyên mục tuyên truyền NTM, thời lượng phát 15 phút/ngày. Từ đây, người dân Vĩnh Quỳnh đã hiểu và tự giác thực hiện, đạt hiệu quả thiết thực. Từ đầu năm đến nay, xã đã huy động được gần 1,5 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách đầu tư vào xây dựng NTM (lũy kế đến nay là 4,13 tỷ đồng). Đặc biệt, nhân dân cụm 11, thôn Vĩnh Ninh đã đóng góp xây dựng được 360m đường với mặt cắt rộng từ 3 đến 6m với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng. Ngoài ra, có 11 gia đình và cá nhân đã ủng hộ tu sửa nghĩa trang liệt sĩ xã với số tiền 140 triệu đồng; 3 gia đình hiến 54m2 đất mở rộng đường làng, ngõ xóm...
Công tác tuyên truyền, vận động người dân đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng NTM. Ảnh: Đỗ Chí |
Thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, ngoài việc đóng góp tiền, ngày công, hiến đất làm đường, việc người dân là hạt nhân trong giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa, giữ gìn, bảo vệ môi trường cũng đóng vai trò quan trọng để thay đổi diện mạo nông thôn. Xã Đông Ngạc (huyện Từ Liêm) đã cán đích NTM với các tiêu chí đạt chất lượng cao, bảo đảm tính bền vững, trong đó thu nhập bình quân đầu người đứng ở nhóm cao nhất khu vực nông thôn (khoảng 36 triệu đồng/năm). Song song với đó, người dân Đông Ngạc đang đóng vai trò chính trong việc lưu giữ khoảng 50 ngôi nhà cổ cùng hàng chục ngôi nhà thờ họ có tuổi đời hàng trăm năm; ngôi đình Vẽ 500 tuổi... Chủ tịch UBND xã Đông Ngạc Nguyễn Văn Chiến cho rằng, người dân Đông Ngạc đã, đang phát huy rất tốt nền tảng hiếu học lâu đời và nét văn hóa truyền thống vật chất, tinh thần gắn với quá trình xây dựng NTM, xây dựng đời sống mới hôm nay.
Mấu chốt vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền
Trong quá trình xây dựng các tiêu chí NTM, nhiều xã đã vận dụng rất tốt các hình thức tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ hơn vai trò, vị trí của công tác này. Bí thư Đảng ủy xã Xuân Nộn (huyện Đông Anh) Nguyễn Doãn Thảo cho rằng, bài học kinh nghiệm sâu sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo là phải đặt tuyên truyền lên vị trí hàng đầu để mỗi người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa. Công tác tuyên truyền, vận động cần có chiều sâu, từ các chi bộ, từ các ngành, đoàn thể và quan trọng nhất là phải xuất phát từ chính lợi ích người dân. Quá trình triển khai xây dựng NTM, Xuân Nộn cũng gặp không ít khó khăn về kinh phí nhưng xã đã từng bước vượt qua, từ chỗ chỉ đạt 2 tiêu chí, đến nay đã có 18 tiêu chí đạt, cơ bản đạt, còn tiêu chí thu nhập chưa đạt (mới ở mức 18,6 triệu đồng/người/năm). Trong khi đó, tại 3 xã miền núi của huyện Thạch Thất là Yên Trung, Yên Bình và Tiến Xuân cũng có xuất phát điểm rất thấp nhưng với sự nỗ lực cao của chính quyền và từ chính người dân nên công tác xây dựng NTM đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn cho biết, huyện nhận thức rất rõ công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đóng vai trò quyết định đến việc thành công trong vận động nhân dân bảo đảm an ninh trật tự, tham gia phát triển kinh tế, xây dựng quê hương nên một trong những công trình được đầu tư đầu tiên ngay sau khi 3 xã sáp nhập về với huyện là hệ thống đài truyền thanh. 5 năm qua, kinh tế các xã này đã có bước phát triển khá, giá trị sản xuất kinh tế trên một héc ta canh tác tăng gần 60% so với năm 2008. Các tiêu chí xây dựng NTM tăng so với năm 2010: Xã Tiến Xuân hoàn thành 12 tiêu chí, tăng 6 tiêu chí; xã Yên Bình hoàn thành 11 tiêu chí, tăng 5 tiêu chí; xã Yên Trung hoàn thành 10 tiêu chí, tăng 5 tiêu chí.
Thực tế, công tác xây dựng tiêu chí NTM ở nhiều xã hiện nay đang gặp một số khó khăn như thiếu kinh phí, chậm dồn điền đổi thửa... mà để khắc phục, hơn bao giờ hết, công tác tuyên truyền, vận động người dân vẫn phải được các địa phương quan tâm, đặt lên hàng đầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.