(HNM) - Trong thời gian chờ phương án trưng bày chính thức hoàn chỉnh, Bảo tàng Hà Nội (BTHN) đã tiến hành trưng bày tạm thời nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của công chúng. Vì lẽ đó, không ít lần dư luận cho rằng BTHN ít hoạt động, lãng phí, chưa hấp dẫn khách tham quan…
- Thời gian gần đây, một lần nữa, có những ý kiến cho rằng BTHN đã đi vào hoạt động gần 5 năm vẫn chưa hấp dẫn, ông nghĩ sao?
- Tôi xin khẳng định việc có nhiều luồng ý kiến về BTHN chứng tỏ công chúng luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho bảo tàng. Chúng tôi luôn lắng nghe, luôn phân tích các ý kiến để rút kinh nghiệm trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, mọi hoạt động đã và đang diễn ra tại BTHN mới chỉ là tạm thời vì phương án trưng bày theo đề án được duyệt đến nay chưa hoàn thiện. Để phục vụ khách tham quan, hằng năm BTHN tiến hành các trưng bày cố định hoặc theo chuyên đề. Từ đầu năm 2015 đến nay, BTHN đã tổ chức 4 cuộc trưng bày chuyên đề có nội dung đa dạng, phong phú, vừa hấp dẫn khách tham quan, vừa góp phần phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô và đất nước. Nhờ đó, trung bình mỗi năm BTHN đón tiếp khoảng 10 vạn lượt khách tới tham quan, tìm hiểu, học tập, nghiên cứu. Con số này được thống kê trên cơ sở các đoàn khách đăng ký qua bộ phận lễ tân của BTHN và lượng khách lẻ có thể quan sát mỗi ngày. Hơn nữa, để tiến hành trưng bày theo chuyên đề, bảo tàng cần có thời gian chuẩn bị trước đó vài tháng, thời gian thay thế không gian trưng bày cũng mất ít nhất 2 tuần, vì thế công chúng tham quan BTHN đúng dịp chuyển giao có cảm giác BTHN dường như ít hoạt động là điều dễ hiểu.
Ngoài những hoạt động bề nổi, BTHN đã sưu tầm, tiếp nhận được gần 3.000 hình ảnh, tài liệu, hiện vật giá trị thông qua các đợt vận động hiến tặng; sưu tầm, bảo quản, phục chế nhiều hiện vật phục vụ cho công tác trưng bày theo đề án... Đáng nói hơn, BTHN là một trong số ít bảo tàng đã mua được hiện vật theo quy định của Bộ VH,TT&DL.
- Vậy, công chúng đến BTHN hiện nay có cơ hội tìm hiểu những gì?
- Khi bước chân đến BTHN, công chúng thấy ngay không gian sân vườn khang trang, sạch đẹp, hài hòa với cảnh quan, kiến trúc xung quanh. Vào trong, hàng trăm hình ảnh, tư liệu, hiện vật hấp dẫn tại triển lãm chuyên đề "70 năm xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh" nằm ngay chính giữa tầng 1 sẽ giúp công chúng hiểu hơn về tư tưởng "lấy dân làm gốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những khó khăn, gian khổ và thành quả đất nước ta giành được từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay. Từ vị trí chính giữa nhìn sang phía bên phải, công chúng sẽ thấy triển lãm "Cổ vật tiêu biểu", gồm hơn 50 hiện vật mang giá trị lịch sử, văn hóa đặc trưng qua các thời kỳ như: Chuông đồng Thanh Mai (thế kỷ VIII), trống Cổ Loa (văn hóa Đông Sơn), ấm gốm (thế kỷ XIII-XIV), bình gốm (thế kỷ XV)… Phía sau các triển lãm là phòng chiếu phim mới đưa vào sử dụng. Tầng 2 đang thi công trưng bày theo đề cương phê duyệt, dự kiến tháng 3-2016 sẽ hoàn thành và đón khách. Tầng 3 và 4 là không gian trưng bày cổ vật, hiện vật đồ đồng, hiện vật nước ngoài, triển lãm ảnh Hà Nội xưa và nay…
- Ông có thể cho biết trong điều kiện tiếp tục trưng bày tạm thời, BTHN sẽ làm gì để phục vụ công chúng tốt hơn?
- Trước mắt, chúng tôi sẽ bổ sung, thay thế hiện vật thường xuyên cho triển lãm "Cổ vật tiêu biểu"; đồng thời thông tin rõ hơn về từng cổ vật bằng ít nhất 2 thứ tiếng là tiếng Việt và tiếng Anh. Khách tham quan muốn tìm hiểu về hiện vật nào chỉ cần rút phích thông tin về hiện vật đó rồi đối chiếu với hiện vật đang trưng bày là có thể có thông tin chi tiết. Một số triển lãm chuyên đề hết thời gian trưng bày sẽ được thay bằng các chuyên đề mới. Ngoài ra, BTHN tiếp tục sưu tầm, trao đổi, bảo quản, phục chế và mua thêm hiện vật theo quy định nhằm phục vụ cho các trưng bày theo đề án chính thức…
- Ngoài phần trưng bày, có ý kiến nhận xét kiến trúc BTHN giống Bảo tàng nghệ thuật đương đại Trung Quốc, quan điểm của ông thế nào?
- Theo cá nhân tôi, mô típ kiến trúc hình kim tự tháp ngược khá phổ biến, không của riêng ai, từ mô típ này các kiến trúc sư đã thiết kế rất nhiều công trình nổi tiếng trên thế giới. Riêng về BTHN, mọi quy trình thiết kế, thi công đều có sự thẩm định kỹ càng, sự kiểm soát chặt chẽ của nhiều cơ quan, ban, ngành từ TƯ đến địa phương nên rất khách quan. Nhìn vào tổng thể công trình này, mỗi người có một cảm nhận khác nhau nhưng rõ ràng nó rất phù hợp với quần thể kiến trúc xung quanh, đó mới là điều quan trọng nhất!
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.