(HNM) - 5 năm qua, Hà Nội có tiến bộ trong phòng, chống ma túy, nhưng tệ nạn này vẫn đang là hiểm họa khó kiểm soát.
Diễn biến phức tạp
5 năm thực hiện Chỉ thị 21, Hà Nội đã đạt nhiều tiến bộ về phòng, chống và kiểm soát ma túy. Trên địa bàn Hà Nội, hiện có 20.185 người nghiện ma túy, so với 5 năm trước, đã giảm trên 3.000 người. Tháng 8-2008, năm đầu tiên triển khai thực hiện Chỉ thị 21 của Bộ Chính trị, toàn thành phố có 21 tụ điểm, 55 điểm phức tạp về tệ nạn ma túy và 202 đối tượng trọng điểm cần tập trung đấu tranh. 5 năm sau, các lực lượng chức năng thành phố đã đấu tranh giảm được số tụ điểm xuống còn 3, số điểm phức tạp về ma túy chỉ còn 13 và số đối tượng trọng điểm cần đấu tranh còn 75. Trong 5 năm qua, lực lượng CATP đã khám phá, xử lý hình sự trên 13.600 vụ với trên 16.000 đối tượng phạm tội về ma túy. Công tác cai nghiện cũng có những chuyển biến tích cực. Các trung tâm cả Nhà nước và tư nhân trên địa bàn đã thực hiện cai nghiện cho trên 24.000 lượt đối tượng. Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên áp dụng mô hình cai nghiện bằng methadone. Hiện nay, toàn thành phố có 6 cơ sở đang điều trị ổn định cho 1.326 người nghiện.
Một buổi tuyên truyền “Nói không với ma túy” dành cho thanh, thiếu niên. Ảnh: Trung Kiên |
Mặc dù công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy đạt được kết quả tích cực, tuy nhiên, tình hình tội phạm về ma túy và tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Hoạt động bán lẻ ma túy tiếp tục diễn ra, nhất là ở một số địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự và tệ nạn xã hội. CATP khẳng định, hoạt động vận chuyển ma túy với số lượng lớn từ các tỉnh trọng điểm về và đi qua Hà Nội có chiều hướng tăng. Phương thức, thủ đoạn cất giấu vận chuyển ma túy ngày càng tinh vi. Hoạt động vận chuyển, mua bán tổ chức sử dụng và sử dụng ma túy tổng hợp trên địa bàn ngày càng đa dạng, phức tạp, xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp mới gây ảo giác, có độ độc hại cao. Từ năm 2010, trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện tội phạm sản xuất, điều chế ma túy tổng hợp. Việc trồng cây có chất ma túy cũng đã được phát hiện. Tháng 5 vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện 350 cây cần sa được trồng tại huyện Phúc Thọ và Đông Anh...
Đòi hỏi sức mạnh tổng hợp
Một vấn đề đặt ra là trong 5 năm qua, ở không ít nơi và trong nhiều thời điểm, lực lượng CA vẫn đơn độc trong cuộc chiến với tệ nạn ma túy. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái nhận định: Nói "khoán trắng" thì hơi quá, nhưng tình trạng cấp ủy, chính quyền còn thờ ơ trong việc hỗ trợ lực lượng CA, thiếu tích cực trong thực hiện Chỉ thị 21 là có.
Bài học hàng đầu trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 21 là bên cạnh nòng cốt là lực lượng CA, sự vào cuộc của các ngành, các cấp và nhân dân có vai trò quyết định. Lấy ví dụ từ trường hợp phường Phúc Xá (quận Ba Đình): Năm 2008-2009, Phúc Xá là tụ điểm phức tạp về ma túy, đến nay, toàn phường chỉ còn một điểm phức tạp về ma túy là khu dân cư số 6; giảm 54 người nghiện ma túy, còn 162 người. Đây là kết quả 5 năm kiên trì phòng, chống và kiểm soát ma túy với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị phường do Đảng ủy phường lãnh đạo. Kế hoạch phòng, chống ma túy của phường phân công cụ thể cho từng cơ quan, phòng, ban, tổ chức, đoàn thể.
Từng là huyện có tụ điểm, điểm ma túy phức tạp, Thanh Trì cũng đã có nhiều tiến bộ khi đấu tranh và kiểm soát được tình hình. Đến nay, hoạt động mua bán, sử dụng ma túy một cách công khai đã không còn xuất hiện. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trần Văn Khương khẳng định: "Sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp có vai trò quyết định". 18 tụ điểm và 42 điểm phức tạp về ma túy trên địa bàn Hà Nội được triệt xóa trong 5 năm qua đều có chung một cách làm như trên. Ở những nơi đó, lực lượng CA được hỗ trợ tối đa và phát huy được vai trò nòng cốt thực sự.
Năm 2020, giải quyết cơ bản tụ điểm phức tạp về ma túy Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 21 của Bộ Chính trị, Thành ủy Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, giải quyết cơ bản các tụ điểm, điểm phức tạp về tệ nạn ma túy; đồng thời, giảm ít nhất từ 20 đến 30% số người nghiện ma túy trong danh sách quản lý so với năm 2010; phấn đấu đạt từ 20 đến 30% số xã, phường, 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của Hà Nội "không có tệ nạn ma túy". 100% số người nghiện ma túy được phát hiện và quản lý; 60-70% số người nghiện ma túy được điều trị, cai nghiện và dạy nghề; giảm từ 5 đến 10% tỷ lệ tái nghiện. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.