(HNM) - Thực tế cho thấy công tác phòng, chống lao đang gặp khó khăn.
Kinh phí, thuốc đều thiếu
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trong số các bệnh nhiễm trùng. Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 12 trong số 22 nước có tình hình dịch tễ lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Hằng năm, Việt Nam có khoảng 130.000 người mắc lao mới, 170.000 người mắc lao lưu hành, 3.500 người mắc lao đa kháng thuốc và đặc biệt là có đến 18.000 người tử vong do bệnh lao.
Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hà Nội. |
TS Nguyễn Đức Chính (Chương trình phòng chống lao quốc gia) cho rằng, khó khăn lớn nhất trong công tác phòng, chống lao hiện nay chính là nguồn kinh phí giảm mạnh. Nếu như năm 2013, nguồn kinh phí do ngân sách cấp cho hoạt động này là 114 tỷ đồng thì bước sang năm 2014, nguồn kinh phí giảm còn 63 tỷ đồng. Trong khi đó, nhu cầu mua thuốc chống lao cho khoảng 100.000 bệnh nhân lao được phát hiện và điều trị trong năm cần 117 tỷ đồng. Nếu không được đầu tư, thuốc chống lao hàng 1 (thuốc phát miễn phí cho bệnh nhân) sẽ hết vào tháng 6-2014 và kinh phí từ nguồn ngân sách năm 2014 dành cho việc mua thuốc chỉ đáp ứng được khoảng 3 tháng điều trị.
Đồng tình với ý kiến trên, đại diện ngành y tế Hà Giang cho rằng, công tác phòng, chống lao ở vùng sâu, vùng xa gặp thách thức lớn về nguồn nhân lực và tài chính. Năm 2013, kinh phí dành cho hoạt động phòng, chống lao tại địa phương này là 400 triệu đồng, tuy nhiên, năm nay, đã bị cắt giảm đáng kể, chỉ còn 100 triệu đồng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công tác điều trị cho bệnh nhân mà còn khiến công tác phát hiện sớm bệnh nhân lao trong cộng đồng trở nên khó khăn.
Theo các chuyên gia y tế, hiện nay, giá đơn thuốc chống lao theo phác đồ điều trị 8 tháng có sự hỗ trợ của Nhà nước chỉ vào khoảng 50USD (1,1 triệu đồng), nhưng nếu mua ngoài thì sẽ rất cao. Trong trường hợp bệnh nhân không được uống đầy đủ, đúng phác đồ thì khả năng lao kháng thuốc sẽ tăng cao, chi phí tiền thuốc tối thiểu là 2.000 USD (tương đương hơn 40 triệu đồng) cho đợt điều trị. Phần lớn người mắc bệnh lao thường rơi vào hộ nghèo, do đó số tiền nói trên là quá lớn so với khả năng chi trả của họ.
Bệnh nhân lao đang trẻ hóa
Kiểm soát bệnh lao là một trong các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng thế giới, đó là vào năm 2015 giảm 50% số mắc và tử vong do lao so với năm 2000. Tuy nhiên, để thực hiện thành công mục tiêu nêu trên, hiện có quá nhiều khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương cho rằng, với phương pháp truyền thống trước đây thì phải mất 2-4 tháng mới chẩn đoán được một bệnh nhân mắc lao. Hiện nước ta đã áp dụng thành công nhiều kỹ thuật chẩn đoán mới, như khi áp dụng kỹ thuật GeneXpert (soi đờm) thì chỉ trong 2 giờ là có thể trả lời câu hỏi có vi khuẩn lao hay không, nhiều hay ít, thậm chí là có kháng thuốc rifampicine hay không với độ chính xác rất cao. Tuy nhiên, hiện cả nước mới có 32 hệ thống GeneXpert đang hoạt động. Đây là điều đáng tiếc bởi theo ý kiến của nhiều đại biểu, một bệnh nhân lao không được phát hiện có khả năng lây bệnh cho 10-15 người và đáng lo ngại là bệnh nhân lao đang trẻ hóa, độ tuổi phổ biến 30-35.
Không chỉ gặp khó về kinh phí, chương trình phòng chống lao quốc gia gặp nhiều thách thức khác, đó là: Chất lượng quản lý bệnh nhân lao đa kháng thuốc, bệnh nhân đồng nhiễm lao với bệnh nhiễm trùng cơ hội khác, sự kỳ thị và định kiến của người dân, bệnh nhân tự ý bỏ điều trị hoặc không tuân thủ hướng dẫn điều trị của thầy thuốc. Bên cạnh đó, cộng đồng chưa tham gia tích cực vào hoạt động chống lao, ngay cả với người bệnh và người nhà bệnh nhân…
Theo báo cáo về tình hình phòng, chống lao tại Hà Nội giai đoạn 2010-2013, tỷ lệ bệnh nhân lao mới mắc các thể ở mức 145/100.000 dân, tương ứng 10.000 ca lao mới mắc/năm, tuy nhiên con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Hiện nay, khó khăn nằm ở chỗ ngành y tế chưa kiểm tra, giám sát được hoạt động khám chữa bệnh lao tại các cơ sở y tế tư nhân, công tác quản lý thuốc chống lao chưa chặt chẽ, nhân lực phòng, chống lao thiếu và yếu. Tỷ lệ bác sĩ hoạt động chống lao hiện nay là 1,58/100.000 dân, chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng nên nhiều người đã chuyển công tác. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.