(HNM) - Nhu cầu sử dụng điện tăng cao khi người dân ở nhà thực hiện cách ly xã hội, phòng dịch Covid-19 cùng với hiện tượng một số người dân tích trữ xăng dầu khi giá mặt hàng này giảm mạnh là những nỗi lo đối với công tác phòng cháy, chữa cháy ở khu dân cư trên địa bàn Hà Nội từ đầu năm 2020 đến nay. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân đi đôi với tăng cường các biện pháp xử lý, khắc phục vi phạm sẽ giúp việc phòng ngừa cháy nổ hiệu quả hơn.
Nguy cơ cháy trong mùa Covid-19
Tối 28-3, căn nhà 4 tầng tại phố Hồ Đắc Di (phường Nam Đồng, quận Đống Đa) bất ngờ bốc cháy, khiến toàn bộ khu vực tầng 4 và một phần tầng 3 căn nhà cháy rụi. Cũng trong đêm 28-3, một vụ cháy đã xảy ra tại tổ dân phố Bắc Lãm 8 (phường Phú Lương, quận Hà Đông), thiêu rụi nhiều tài sản trong 3 cửa hàng kinh doanh đồ điện, tạp hóa. Gần đây nhất, chiều 13-4, một vụ cháy đã xảy ra tại căn nhà 3 tầng nằm sâu trong làng Hậu (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy)… Theo điều tra ban đầu, nguyên nhân của các vụ cháy nêu trên đều xuất phát từ việc sử dụng điện không bảo đảm an toàn.
Thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) trong quý I-2020 cho thấy, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 563 vụ cháy, khiến 20 người chết, 34 người bị thương. Hỏa hoạn hầu hết xảy ra tại nhà dân nằm sâu trong khu dân cư, với 282 vụ (chiếm 50%). Nguyên nhân xảy ra cháy chủ yếu là do chập điện với 375 vụ, chiếm gần 70% số vụ, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài số vụ cháy nêu trên, trong quý I-2020, toàn thành phố cũng xảy ra 707 vụ chập điện trên cột, 899 sự cố chập điện trong nhà…
Về các vụ cháy có nguyên nhân từ việc sử dụng điện, Thiếu tá Vũ Đình Chiến, Đội phó Đội Công tác phòng cháy (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an thành phố Hà Nội) phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn tới gia tăng các vụ cháy do điện như: Người dân tự ý câu mắc dây dẫn điện, sử dụng thêm thiết bị tiêu thụ điện ngoài thiết kế gây quá tải, thiết bị điện chưa được bảo dưỡng, bảo trì thường xuyên… Tuy nhiên, lý do chủ yếu do việc sử dụng thiết bị điện tăng đột biến.
Chia sẻ về vấn đề này, anh Đỗ Ngọc Quang (trú ở phường Thành Công, quận Ba Đình) cho biết, do dịch Covid-19, vợ chồng anh phải làm việc tại nhà, các con nghỉ học từ Tết Nguyên đán đến giờ nên việc sử dụng điện tăng mạnh. “Mặc dù tôi đã thường xuyên lưu ý đến việc bảo trì, bảo dưỡng đường dây, thiết bị điện trong nhà nhưng cũng cảm thấy lo lắng bởi cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào”, anh Quang chia sẻ.
Bên cạnh nỗi lo cháy nổ do điện, cháy nổ do xăng dầu cũng là vấn đề đáng quan tâm trong tình hình giá xăng dầu giảm sâu thời gian qua. Lý giải việc mang can 20 lít đến mua xăng tại một cửa hàng xăng dầu tại quận Hà Đông, anh Nguyễn Văn Dương (trú ở xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì) cho biết, vì giá xăng giảm mạnh nên anh tranh thủ mua tích trữ để dùng dần, phòng khi giá tăng trở lại... Còn theo Trung tá Nguyễn Văn Tiệp, Phó trưởng Công an huyện Thanh Oai, mặc dù trên địa bàn không xảy ra tình trạng người dân ồ ạt mua xăng dầu tích trữ nhưng dù chỉ một vài người tích trữ trong nhà, bất cẩn, sơ ý gây cháy cũng có thể dẫn đến thảm họa cho cả khu dân cư.
Chủ động các biện pháp phòng ngừa
Để phòng ngừa cháy nổ ở khu dân cư, giải pháp chính vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân bằng nhiều hình thức, cũng như nâng cao khả năng ứng phó với sự cố ngay từ cơ sở.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu Nguyễn Quang Thắng chia sẻ, phường đã sử dụng loa di động kết hợp vừa tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 vừa tuyên truyền, khuyến cáo về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn. “Trọng tâm nội dung tuyên truyền là nhắc nhở người dân kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên tất cả các thiết bị điện, đóng van bình gas khi không sử dụng, không tích trữ xăng dầu trong nhà… để hạn chế thấp nhất rủi ro cháy nổ”, ông Nguyễn Quang Thắng thông tin.
Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn, vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy, đồng thời xây dựng, củng cố, duy trì 181 đội dân phòng, 790 đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở nên trong quý I-2020, trên địa bàn quận chỉ xảy ra 23 vụ cháy nhỏ, đều được lực lượng tại chỗ, người dân tự dập tắt ngay từ giai đoạn đầu, không để xảy ra thiệt hại về người và tài sản. Cũng theo Thượng tá Đỗ Anh Quyến, xác định công tác tuyên truyền trong thời gian cách ly xã hội phòng, chống dịch Covid-19 là phải đến tận khu chung cư, hộ gia đình, Công an quận đã tập trung vào việc tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy trên loa phát thanh của các phường và bằng hình ảnh ở các ki ốt thông tin tại các tòa nhà, chung cư cao tầng. Anh Nguyễn Hoàn (trú ở phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm) cho biết, gia đình và những cư dân chung cư nơi anh sống đều chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng cháy, chữa cháy, luôn cảnh giác với “bà hỏa” trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Để thực hiện tốt công tác phòng ngừa, việc thanh tra, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy cũng được Công an thành phố Hà Nội tăng cường. Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho biết, đơn vị đã yêu cầu lực lượng phòng cháy, chữa cháy các quận, huyện, thị xã, bên cạnh việc tham gia kiểm tra, giám sát thực hiện cách ly xã hội cũng phải tập trung rà soát các cơ sở, khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao để kịp thời có biện pháp xử lý, khắc phục, tăng cường hoạt động của đội dân phòng trên địa bàn... Cùng với đó, nhiệm vụ ứng trực 24/24 giờ, lên phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các khu cách ly phòng, chống dịch Covid-19 cũng được coi trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.