(HNMO) - Trong 30 năm đổi mới, những thành tựu về mọi mặt của đất nước không tách rời năng lực cầm quyền của Đảng trong xu thế phát triển của thời đại.
(HNMO) - Trong 30 năm đổi mới, những thành tựu về mọi mặt của đất nước không tách rời năng lực cầm quyền của Đảng trong xu thế phát triển của thời đại. Từ đổi mới tư duy, vị thế, vai trò của lý luận trong tiến trình cách mạng Việt Nam được khẳng định và đạt được những kết quả đáng kể và có bước tiến mới. Chính vì vậy, công tác lý luận về xây dựng Đảng cần gắn liền với thực tiễn cuộc sống
Tuy vậy, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công tác xây dựng Đảng đứng trước những khó khăn lớn về mặt lý luận vì chưa có tiền lệ trong lịch sử. Vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân, phát triển đảng viên từ các chủ doanh nghiệp tư nhân, thi tuyển cán bộ lãnh đạo quản lý, nhất thể hoá các chức danh lãnh đạo đảng, chính quyền, luận giải bản chất giai cấp công nhân, phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện cầm quyền… đang là những vấn đề lý luận phức tạp, những câu hỏi lớn cần được giải đáp thuyết phục hơn bằng căn cứ khoa học.
Các nguyên tắc trong từng lĩnh vực công tác xây dựng Đảng cũng cần được nghiên cứu, tổng kết. Tại sao các nguyên tắc rất đúng đắn lại chậm đi vào cuộc sống? Quy chế, quy định nào cản trở sự thực thi của các nguyên tắc xây dựng Đảng? Đảng cầm quyền lãnh đạo xã hội, không chỉ nghiên cứu những quy luật cầm quyền, phương thức cầm quyền, mà còn nghiên cứu quy luật, nguyên tắc để nâng cao năng lực cầm quyền của bản thân Đảng.
Do vậy, những vấn đề lý luận về xây dựng Đảng hiện nay đang rất cần phải gắn bó chặt chẽ với thực tiễn, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn và lý luận đó chỉ có thể tồn tại và phát triển một khi nó đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống thực tiễn.
Tư duy lý luận hiện nay vẫn còn những bất cập. Vẫn còn một số biểu hiện giáo điều, sách vở, kinh nghiệm chủ nghĩa nên đôi khi chưa thực sự làm tốt chức năng định hướng cho hoạt động thực tiễn, cung cấp luận cứ khoa học cho đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Chất lượng một số sản phẩm nghiên cứu khoa học xây dựng Đảng chưa cao, thiếu tầm tổng kết thực tiễn hoặc tổng kết thực tiễn thường theo chủ nghĩa kinh nghiệm, theo quan niệm có sẵn. Sự trùng lặp ở một số đề tài, tình trạng nể nang, thậm chí còn tuỳ tiện trong đánh giá kết quả ở không ít các công trình nghiên cứu khoa học đã phần nào làm giảm chất lượng các sản phẩm nghiên cứu lý luận về xây dựng Đảng.
Hiện nay và trong những năm tới, công tác lý luận của Đảng tập trung trước hết vào việc tổng kết lý luận và thực tiễn trong gần 30 năm đổi mới, khẳng định những chân lý khoa học của Học thuyết cách mạng Mácxít, giải đáp những vấn đề đang đặt ra và làm luận cứ quan trọng đặc biệt cho việc hoạch định đường lối đổi mới của Đảng những năm tiếp theo. Đảng ta xác định nhiệm vụ của công tác lý luận là: “Làm sáng tỏ một số vấn đề về đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới, không ngừng phát triển lý luận, để ra đường lối và chủ trương đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; khắc phục một số mặt lạc hậu, yếu kém của công tác nghiên cứu lý luận.”
Nông thôn mới |
Chính vì vậy, để góp phần đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận nói chung và lý luận xây dựng Đảng, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây: Thứ nhất, cần tạo được sự thống nhất nhận thức và quyết tâm cao trong chỉ đạo của các cấp uỷ đảng về nghiên cứu lý luận giai đoạn hiện nay.
Một trong những vấn đề cấp bách mà Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI nêu ra là sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên về tư tưởng, chính trị. Sự suy thoái đó do nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân là những yếu kém của lý luận dẫn tới sự thiếu nhất quán về quan điểm, nhận thức khi những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với con đường cách mạng chưa được làm sáng tỏ, những giải pháp cụ thể cho đường lối, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội chưa đủ sức thuyết phục đối với họ. Đó cũng là nhân tố tạo nên nguy cơ cực kỳ nguy hiểm cho sự nghiệp cách mạng - quá trình “tự diễn biến”, ‘tự chuyển hoá” hiện nay.
Vì vậy, trong toàn Đảng phải có sự thống nhất cao về vai trò của công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, không thể coi đó là việc riêng của các cơ quan Trung ương Đảng và của các nhà khoa học. Các cấp uỷ đảng phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn bằng kế hoạch, chương trình công tác và phân công tổ chức, cá nhân thực hiện, tránh hiện tượng “khoán trắng” cho cơ quan tham mưu về công tác tư tưởng.
Việc tổng kết thực tiễn phải là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, phát huy sức mạnh trí tuệ của cả xã hội. Trong điều kiện Đảng cầm quyền thì sự phát triển của quốc gia dân tộc và sinh mệnh chính trị của đất nước trao cho Đảng và phụ thuộc một cách quyết định ở đường lối chính trị đúng đắn của Đảng. Mọi quyết sách của Đảng phải thể hiện được ý nguyện của nhân dân, và do đó phải có sự tham góp tích cực và có trách nhiệm của toàn dân. Phải thấm nhuần quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của lý luận và phát triển lý luận một cách thường xuyên - nếu không muốn nó trở nên lạc hậu với thực tiễn.
Thứ hai, tạo môi trường dân chủ trong thảo luận, tranh luận khoa học, khuyến khích sự tìm tòi sáng tạo của tập thể, cá nhân trong nghiên cứu lý luận chính trị. Bản thân lý luận rất cần sự sáng tạo, ý chí và năng lực tìm kiếm những cái mới, tiến bộ, phù hợp, hiệu quả của những đề xuất cho việc hoàn thiện, phát triển đường lối của Đảng cầm quyền. Có những lúc, do chưa thực sự phát huy dân chủ trong nghiên cứu lý luận đã dẫn đến sự lạc hậu về mặt lý luận. Hướng nghiên cứu truyền thống, kinh viện, giáo điều kéo dài, không thể tạo được bước đột phá lớn về mặt lý luận. Vì là cái mới, cái sáng tạo nên chắc chắn sẽ có thể và phải khác với cái hiện tại nên đôi khi dễ bị quy chụp là “mất lập trường”, là “chệch hướng”, là “viển vông”. Bài học lớn đã được thực tế đúc kết là trong khi chưa đủ điều kiện cơ sở khoa học thực tiễn, cũng phải rất thận trọng khi kết luận những vấn đề nghiên cứu lý luận cụ thể, tránh quy chụp, vì như vậy, sẽ bóp nghẹt sự sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.
Thứ ba, phải đổi mới nội dung, phương thức tổng kết thực tiễn. Những vấn đề lý luận chính trị đều cực kỳ nhạy cảm, phải làm từng bước, vững chắc, phải tạo được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Do vậy, phải tiến hành thực hiện thí điểm để tổng kết thực tiễn rồi mới có thể nhân diện rộng. Đó là yêu cầu rất cao của công tác tổng kết, sự đòi hỏi khắt khe của những kết luận qua thực tiễn để khái quát thành lý luận.
Trong bối cảnh con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta còn rất mới, chưa có tiền lệ, thì cốt lõi nhất là phải bám sát thực tiễn, phát hiện từ trong thực tiễn những nhân tố mới để từ đó mạnh dạn khái quát thành lý luận. Trên thực tế, việc đề xuất thí điểm và theo dõi tổng kết thường chỉ là một chủ thể nên khó tránh khỏi ý chí chủ quan, khi đánh giá thường nhấn mạnh thành công, bỏ qua những khiếm khuyết. Các nhà khoa học có tham gia phản biện thì cũng ít được có điều kiện theo dõi giám sát ngay từ đầu nên góp ý ưu khuyết điểm chung chung. Trong những trường hợp như vậy, khi triển khai rộng sẽ gặp không ít khó khăn, tốn kém, đối tượng thụ hưởng chính sách không đồng thuận, thậm chí có chính sách bị phá sản.
Thứ tư, xây dựng, củng cố tổ chức, tập hợp đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận, có cơ chế, chính sách đầu tư cho nghiên cứu lý luận. Tập trung xác định, xây dựng, củng cố tổ chức nghiên cứu khoa học lý luận ổn định, có quy hoạch, lộ trình phát triển theo hướng chuyên nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đội ngũ làm công tác lý luận hiện nay thiếu về số lượng, đặc biệt thiếu những chuyên gia đầu đàn có khả năng tổng kết và phát hiện những vấn đề về mặt lý luận. Cần coi trọng công tác đào tạo cán bộ lý luận, nhất là đối với cán bộ trẻ có triển vọng ở các trường, trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước. Đồng thời cần tiếp tục và quyết liệt triển khai chính sách biệt phái, luân chuyển, chính sách cho nhà khoa học đầu đàn trong việc truyền nghề, cơ chế đãi ngộ, tôn vinh và các điều kiện vật chất trang bị cho các cơ sở nghiên cứu... Do vậy, cần sớm xây dựng đồng bộ một hệ thống các chính sách theo hướng thu hút được những người có kiến thức, kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn - những chuyên gia đầu đàn trên từng lĩnh vực để họ toàn tâm, toàn ý, gắn bó trọn đời cho khoa học.
Cần có những giải pháp đủ mạnh nhằm sớm khắc phục tình trạng hiện nay là kinh phí đầu tư cho nghiên cứu lý luận đang chiếm một tỷ lệ rất thấp, đầu tư manh mún và cơ chế quản lý lạc hậu, bất cập, thiếu tính khả thi dẫn đến kém hiệu lực, hiệu quả, lãng phí lớn, gây bức xúc không chỉ cho xã hội và ngay cả đối với những nhà khoa học chân chính.
-------------------------------
Tuyên truyền Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII trên các phương tiện thông tin đại chúng
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.