Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công tác dự báo bão vừa qua chưa chính xác, gây bất ngờ

Theo Bảo Ngọc/VOV| 08/08/2016 20:37

Phó Thủ tướng yêu cầu tạo điều kiện nâng cao năng lực Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và các cơ quan cảnh báo có liên quan.

Chiều nay (8/8), tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 1 và bão số 2, với sự tham gia của đại diện 15 tỉnh ven biển, miền núi phía Bắc. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị rút kinh nghiệm công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 1 và bão số 2.


Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, bão số 1 và số 2 đã làm 20 người chết và mất tích, 82 người bị thương, làm sập đổ, tốc mái, hư hỏng và ngập nước gần 90.000 ngôi nhà, trên 226.000 ha lúa bị ngập, trên 587.000 con gia súc gia cầm bị chết, cuốn trôi, trên 31.000 cột điện bị gãy, đổ…

Ngoài ra, nhiều diện tích đất nông nghiệp, thủy sản, đường sá, hệ thống đê đập thủy lợi bị hư hỏng. Tổng thiệt hại ước tính trên 6.600 tỷ đồng. Đây là những thiệt hại lớn, tác động mạnh đến đời sống, sản xuất của người dân cũng như việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Trong khi đó, công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão còn bộc lộ một số khó khăn, tồn tại cần phải rút kinh nghiệm như: Công tác dự báo bão vừa qua còn chưa chính xác, gây bất ngờ, bị động trong ứng phó cho người dân và cả các cấp chính quyền. Việc thông tin về diễn biến của bão theo yêu cầu của các địa phương cần tăng cường hơn nữa để tạo hiệu ứng khẩn trương, tích cực trong đối phó với bão.

Thiệt hại về hệ thống điện lực, cơ sở hạ tầng trong bão số 1 là rất lớn, do vậy cần xem xét lại tiêu chuẩn thiết kế về an toàn các công trình trước thiên tai. Một số công trình phòng chống thiên tai như đê điều, kè, cống đã xuống cấp, song thiếu kinh phí để đầu tư, nâng cấp, dẫn đến thiệt hại tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình. Do vậy, cần ưu tiên nguồn lực để xử lý khi mới phát sinh sự cố. Cần tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực, kiến thức phòng chống thiên tai cho cộng đồng.

Rút kinh nghiệm sau bão số 2, các tỉnh miền núi phía Bắc cần triển khai quyết liệt việc sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét, tăng cường kinh phí để di dời; xây dựng rà soát phương án ứng phó với lũ quét, sạt lở đất; cần cắm biển cảnh báo hướng dẫn tại các khu vực nguy hiểm.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, công tác dự tính, dự báo đòi hỏi phải nâng cao hơn, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho dự báo phải hết sức chú ý. Hợp tác quốc tế để đối phó với những kịch bản biến đổi khí hậu, đối phó với thiên tai để chúng ta có thể đưa ra những dự báo khá sát với tình hình thực tiễn làm tham mưu cho công tác phòng chống lụt bão.

“Phương châm 4 tại chỗ chúng ta phải rà soát tổng thể lại, tất cả các thiết chế hạ tầng phải thiết kế lại làm sao thích ứng được với điều kiện biến đổi khí hậu cũng như yếu tố cực đoan của thời tiết, đặc biệt là công trình điện. Các phương án dự phòng tại chỗ kể cả phục hồi sản xuất phải rà soát để đảm bảo tốt hơn. Công tác tuyên truyền phải sâu rộng để nhân dân liên tục đề cao cảnh giác trước tình hình thời tiết cực đoan như hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương tiếp tục tập trung rà soát kế hoạch, giải pháp để ứng phó với tình trạng cực đoan và bất thường của thời tiết; cập nhật, theo dõi tình hình diễn biến thời tiết trong thời gian tới; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng sẵn sàng ứng phó với thời tiết bất thường; tính toán nguồn nước đảm bảo sinh hoạt và sản xuất.

Cùng với đó, tăng cường các đợt diễn tập cứu hộ, cứu nạn; rà soát lồng ghép các giải pháp ứng phó thiên tai vào quy hoạch phát triển của ngành, địa phương; thực hiện nghiêm túc chỉ đạo việc tích nước hợp lý đối với các hồ chứa thủy lợi. Thực hiện công tác sắp xếp dân cư, thường xuyên rà soát, phát hiện các vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để cảnh báo, di dân. Khẩn trương hoàn thành việc đánh giá phân vùng rủi ro, lập bản đồ cảnh báo thiên tai làm cơ sở để các đơn vị, ban, ngành, địa phương thực hiện.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan trên cơ sở nhu cầu của địa phương, cung cấp đủ các trang, thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn. Có giải pháp tránh thiệt hại cũng như hỗ trợ một cách kịp thời về sản xuất nông nghiệp khi bị ảnh hưởng của bão:

Phó Thủ tướng chỉ đạo trước hết các Bộ, ngành, các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai cần tiếp tục phải tập trung khắc phục hậu quả. Tập trung tìm kiếm được những người còn mất tích. Hỗ trợ, thăm hỏi những gia đình nạn nhân, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của bão, khôi phục lại hệ thống hạ tầng của chúng ta bị hư hỏng.

Yêu cầu Bộ Tài nguyên Môi trường chỉ đạo các cơ quan tạo điều kiện để nâng cao năng lực của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và các cơ quan cảnh báo có liên quan.

Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn phải tiến hành kiểm tra lại công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của các địa phương.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương, từ nay đến cuối năm, khả năng mưa bão, áp thấp nhiệt đới sẽ kết thúc muộn ở nước ta, gió mùa đông bắc hoạt động sớm, mưa lũ xuất hiện với tần suất và cường độ cao hơn năm 2015, đặc biệt ở khu vực miền Trung.

Bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng sẽ tập trung nhiều hơn trên các khu vực giữa và Nam Biển Đông và khu vực Trung Bộ - Nam Bộ. Mưa, bão, lũ sẽ xuất hiện nhiều hơn từ nay đến cuối năm (vẫn còn 6 - 8 cơn bão hoạt động trên biển Đông, trong đó có 3 - 4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta). Do đó công tác phòng chống bão phải được đặc biệt quan tâm./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác dự báo bão vừa qua chưa chính xác, gây bất ngờ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.