(HNM) - Công tác DS-KHHGĐ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người dân, mỗi gia đình.
Sau gần 50 năm thực hiện công tác DS-KHHGĐ đã có những thành công lớn cùng bài học kinh nghiệm mang ý nghĩa sống còn, trong đó "sự lãnh đạo, cam kết của các cấp ủy Đảng và chính quyền là điều kiện tiên quyết", TS Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ đã nhấn mạnh điều này trong cuộc trò chuyện cùng phóng viên báo Hànộimới nhân dịp năm mới Canh Dần.
- Công tác DS-KHHGĐ năm 2009 được đánh giá là có nhiều khởi sắc, cụ thể là gì thưa ông?
- Năm 2009, chúng ta hoàn thành chỉ tiêu giảm sinh 0,2 phần nghìn do Quốc hội giao cho, sau mấy năm liền không đạt. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1-4-2009 đã minh chứng cho những thành tựu của công tác DS-KHHGĐ trong thời gian qua mà mục tiêu chủ yếu là thực hiện việc giảm sinh đã đạt kết quả tốt. Tỉ lệ gia tăng dân số (DS) hằng năm bình quân trong 10 năm vừa qua là 1,2%, mức thấp nhất trong suốt 50 năm qua. Mỗi năm DS nước ta tăng thêm 947 ngàn người, thấp hơn nhiều so với các thập kỷ trước đây trong khi số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ngày càng lớn. Từ năm 2006, chúng ta đã đạt mức sinh thay thế (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,1 con), đến nay là 2,03 con, về đích sớm hơn 10 năm so với mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa VII) đề ra.
Cán bộ y tế tư vấn, cung cấp dịch vụ KHHGĐ cho phụ nữ quận Thanh Xuân. Ảnh: TTXVN |
Những thành công này có sự đóng góp công sức của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là hệ thống làm DS-KHHGĐ các cấp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên DS ở khắp các thôn, xóm, bản, làng trong cả nước. Họ thực sự là những cánh chim không mỏi, vì sức khỏe của bà mẹ, vì hạnh phúc và hòa thuận của mỗi gia đình, vì tương lai, chất lượng nòi giống Việt.
- Thưa ông, bài học kinh nghiệm lớn được đúc kết từ những thành công đó là gì?
- Việt Nam là một trong những quốc gia sớm đi đầu thực hiện công tác DS-KHHGĐ. Năm 1957, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết về các vấn đề dân số. Năm 1961, khi dân số nước ta tròn 30 triệu người, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 216/CP ngày 26-12-1961 về sinh đẻ có hướng dẫn cho nhân dân. Quyết định 216/CP được coi là văn bản pháp quy đầu tiên của Nhà nước ta về công tác DS-KHHGĐ và mang đậm tính nhân văn "Vì sức khỏe của người mẹ, vì hạnh phúc và hòa thuận của gia đình và để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo, việc sinh đẻ của nhân dân cần được hướng dẫn một cách thích hợp". Đảng ta hết sức quan tâm lãnh đạo công tác DS-KHHGĐ và đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác này. Thực hiện chủ trương của Đảng, các tỉnh, thành ủy cho tới các cấp ủy cơ sở của các đơn vị, địa phương trong cả nước đều đã ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo về công tác DS-KHHGĐ. Có thể nói, công tác DS-KHHGĐ đã trở thành một trong những nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo của các chi bộ và của các cấp ủy, chính quyền cơ sở trong cả nước và đã được cả hệ thống chính trị cùng tham gia và cùng vào cuộc. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2008 và 2009, có tới 62/63 tỉnh, thành phố đã ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác DS-KHHGĐ. Có được sự lãnh đạo của Đảng, sự cam kết của chính quyền và sự vào cuộc của các lực lượng là bài học lớn nhất mà chúng tôi rút ra được trong quá trình làm công tác DS-KHHGĐ. Nơi nào, địa phương nào làm tốt được điều trên thì kết quả tốt và ngược lại.
- Thành công của năm vừa qua sẽ tạo đà cho ngành DS đi tới những mục tiêu gì cho năm 2010, thưa ông?
- Trước tiên phải kể đến cơ hội ngàn năm có một đối với bất cứ cộng đồng, dân tộc nào, vì DS trong độ tuổi lao động giai đoạn này đạt cao nhất, đó là cơ cấu "dân số vàng". Nếu như chúng ta nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực thông qua nâng cao sức khỏe, phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ thì chúng ta sẽ "cất cánh". Đồng thời, chỉ có 3 năm, Việt Nam sẽ chuyển từ cơ cấu DS trẻ sang cơ cấu DS già nên phải nhanh chóng thích ứng về mặt tư duy, chính sách, giải pháp để làm sao vừa phát huy được vai trò của người cao tuổi, vừa chăm sóc cả về mặt thể chất lẫn tinh thần cho người già một cách tốt nhất. Trong năm 2010, ngành sẽ từng bước chuyển hướng, đánh giá lại quá trình thực hiện Chiến lược dân số giai đoạn 2001-2010 và bắt đầu khởi động các vấn đề của giai đoạn 2011-2020.
Năm 2010, cùng với cả nước đón chào các ngày lễ lớn, ngành y tế cũng có một sự kiện quan trọng là kỷ niệm 55 năm học tập và làm theo lời dạy trong Thư của Bác Hồ gửi cán bộ, nhân viên y tế (27-2-1955), 5 năm thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TƯ ngày 23-2-2005 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về "Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới", Nghị quyết số 47-NQ/TƯ ngày 22-3-2005 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về "Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ". Đây là dịp để những người làm công tác DS nhìn nhận lại những thành tựu cũng như thấy được những thử thách, khó khăn phía trước. Trong không khí mùa xuân, với những kết quả đã đạt được trong năm qua, chúng tôi tin rằng công tác DS-KHHGĐ sẽ tiếp tục khởi sắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.