(HNM) - Đảng bộ TP Hà Nội đã đặc biệt coi trọng việc chăm lo, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh để thực hiện sự nghiệp phát triển Thủ đô xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính của quốc gia, là
Chăm lo, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh và bồi dưỡng cán bộ trẻ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để Thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện và bền vững.
Ảnh: Bá Hoạt
Bắt đầu từ "cái gốc" của công việc
Với gần 34 vạn đảng viên (bằng gần 1/10 số đảng viên của cả nước) và 125.000 công chức, viên chức - Hà Nội thực sự là địa phương dẫn đầu cả nước về lực lượng cán bộ, đảng viên.
Những năm qua, chú trọng đổi mới đồng bộ công tác cán bộ, nhất là đổi mới tư duy, cách làm trong từng khâu, từng phần việc, Hà Nội đã từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có trình độ, năng lực để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tế tình hình. Đặc biệt, Đảng bộ TP Hà Nội đã xác định việc quy hoạch, luân chuyển cán bộ là khâu đột phá, từ đó thực hiện một cách nghiêm túc, khoa học, bài bản, gắn với đánh giá, đào tạo, bố trí và sử dụng cán bộ. Nhiều cấp ủy, cơ quan, đơn vị đã lựa chọn, phát hiện những cán bộ trẻ có triển vọng để đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, tạo nguồn cán bộ có chất lượng cao. Chỉ tính từ sau khi điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô (ngày 1-8-2008) đến nay, toàn Đảng bộ TP đã thực hiện quy hoạch 1.653 lượt cán bộ diện BTV Thành ủy quản lý, trong đó có 10,4% là nữ, 7,32% cán bộ trẻ; quy hoạch 1.229 cán bộ vào các chức danh diện BTV quận, huyện, thị ủy quản lý.
Cùng với công tác quy hoạch, Hà Nội đã đẩy mạnh việc luân chuyển, nhằm tạo điều kiện cho cán bộ trong diện quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn, đồng thời tạo nguồn cán bộ trước mắt và lâu dài, tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực địa bàn cần thiết, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong từng ngành, địa phương, đơn vị. Từ tháng 8-2008 đến nay, TP đã thực hiện được 3 đợt luân chuyển, điều động 66 cán bộ diện BTV Thành ủy quản lý đến nhận công tác tại 29 quận, huyện, thị xã và 6 đơn vị thuộc TP, cơ quan TƯ… Hầu hết, số cán bộ này đều phát huy được năng lực, sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ ở địa phương, đơn vị mới.
Bên cạnh việc đề bạt, bổ nhiệm những cán bộ có uy tín, có phẩm chất, năng lực, Đảng bộ TP Hà Nội đã kiên quyết thay thế, sắp xếp lại những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ. Đây là công việc đầy khó khăn, phức tạp nhưng thực hiện được không chỉ giúp cho tình hình cơ sở có những chuyển biến rõ nét mà còn tác động đến sự tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện của đội ngũ cán bộ toàn thành phố.
Tận dụng tối đa lợi thế là địa phương tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, có các trung tâm, viện nghiên cứu với nhiều chuyên gia, nhà khoa học giỏi… Hà Nội đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Giai đoạn 2006-2011, toàn thành phố có 218 cán bộ, công chức, viên chức được cấp bằng tốt nghiệp sau đại học (gồm 21 tiến sĩ, 197 thạc sĩ), trong đó 189 người tốt nghiệp trong nước, 29 người tốt nghiệp ở nước ngoài. Số cán bộ này đã đáp ứng tốt yêu cầu của công việc tham mưu hoặc nghiên cứu chuyên sâu đối với các ngành, lĩnh vực được phân công. Cùng với đó, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút người tài, tuyển dụng các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học và những người có trình độ cao được khẳng định qua thực tiễn công tác. Cụ thể từ năm 2006 tới nay đã có gần 200 người thuộc diện này được nhận vào làm việc tại các cơ quan của thành phố.
Có thể khẳng định, bằng sự quan tâm đúng mức, với nhiều chính sách đúng đắn cùng sự đầu tư mạnh tay cho công tác đào tạo, bồi dưỡng… Hà Nội đã xây dựng đội ngũ cán bộ vừa giỏi chuyên môn nghiệp vụ, vừa giàu kinh nghiệm, bản lĩnh chính trị, tinh thần đoàn kết, quyết tâm, để tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị. Nhờ có đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, thành phố đã nhanh chóng cụ thể hóa Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa VIII) thành các nghị quyết, chương trình, đề án công tác, lựa chọn trúng và đúng các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá để triển khai thực hiện, tạo chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực.
Cần tiếp tục "đột phá" mạnh mẽ ở cơ sở
Vấn đề của Hà Nội hiện nay chính là chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở. Khảo sát tại 401 xã, trong 6.133 cán bộ mới có 76,44% đạt chuẩn về trình độ, trong đó huyện Đan Phượng đạt tỷ lệ thấp nhất với 52,12%, huyện Thanh Oai là 52,88%... Như vậy, ở các địa phương này, bình quân hai cán bộ thì mới có một người được đào tạo. Toàn thành phố còn tới 683 cán bộ cấp xã chưa qua đào tạo về chuyên môn và 1.712 người chưa qua đào tạo về lý luận chính trị. Sự bất cập về trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, chính trị là nguyên nhân khiến cho năng lực điều hành, quản lý của bộ máy chính quyền cơ sở còn hạn chế, lúng túng, nhất là trong công tác quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng cơ bản... Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể còn yếu và thiếu, công tác quản lý cán bộ chưa sâu sát dẫn đến một số địa phương còn để xảy ra tình trạng lãnh đạo chủ chốt vi phạm pháp luật. Không ít cấp ủy thiếu chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, còn để xảy ra mất đoàn kết nội bộ, xuất hiện tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, chậm xem xét, giải quyết dứt điểm một số vụ việc phức tạp, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận…
Trong báo cáo đánh giá
10 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa VIII) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2001-2010 của Thành ủy chỉ rõ, kinh tế Thủ đô phát triển chưa toàn diện; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nhìn chung còn thấp. Các nguồn lực về vốn, nhân lực và công nghệ trên địa bàn chưa được khai thác tốt. Kinh tế tri thức, hàm lượng chất xám làm nên giá trị gia tăng cao của các ngành kinh tế chủ lực chưa thể hiện rõ nét. Sức lan tỏa của một "trung tâm kinh tế lớn", một "động lực kinh tế" trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước còn hạn chế…
Có thể thấy, một trong những nguyên nhân căn bản của các tồn tại nêu trên bắt nguồn từ hạn chế của công tác cán bộ thể hiện trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành. Điều đó khiến Hà Nội chưa tạo được sự bứt phá, để xứng đáng với vai trò "đầu tàu" trên mọi lĩnh vực.
Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI) về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020" đặt ra mục tiêu 10 năm tới phải huy động tối đa sức mạnh tổng hợp cả về vật chất và tinh thần của Thủ đô và cả nước, xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; có kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh…
Để thực hiện được mục tiêu đó, yếu tố tiên quyết là phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ vững mạnh từ thành phố tới cơ sở. Vì vậy, công tác cán bộ tiếp tục được Đảng bộ TP Hà Nội xác định là khâu quan trọng cần tạo sự đột phá mới, tạo tiền đề quan trọng để triển khai có hiệu quả nghị quyết. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, Hà Nội đã xây dựng đề án đào tạo 1.000 cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô trong tình hình mới. Trong năm 2012, cùng với việc thực hiện đồng bộ các khâu của công tác cán bộ, Thành ủy Hà Nội quyết tâm đổi mới công tác đánh giá cán bộ; thường xuyên tổng kết kinh nghiệm, nhân rộng cách làm hay trong tuyển dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.