Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công phu của dịch giả Dương Tường

Hiền Đỗ| 20/03/2012 06:16

(HNM) - "Lolita" - top 100 tác phẩm văn học xuất sắc nhất thế kỷ XX, một trong mười tác phẩm gây tranh luận nhiều nhất trên thế giới vừa ra mắt bản tiếng Việt vào giữa tháng 3. Miệt mài với từng câu chữ của nguyên bản tiếng Anh - Mỹ trong vòng 2 năm, dịch giả kỳ cựu Dương Tường đã mang tặng độc giả Việt Nam một món quà văn học đặc sắc.

Hiếm có một buổi ra mắt sách nào lại đông người dự như ở cuốn "Lolita". Ngoài phóng viên săn tin, còn rất nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả, học giả, nhiều bạn đọc tới đón chờ sự ra mắt bản tiếng Việt của một hiện tượng văn chương thế giới. Cha đẻ của "Lolita" là Vladimir Nabokov đã từng gõ cửa và đồng thời bị 4 nhà xuất bản từ chối. Chỉ đến khi Olympia Press (Pháp) - một nhà xuất bản với 3/4 số ấn phẩm là sách khiêu dâm rẻ tiền - đồng ý in thì cuốn sách mới được biết tới. Cho tới khi xuất bản tại Mỹ năm 1958, "Lolita" mới được đón nhận, trở thành hiện tượng, được xuất bản tại hơn 40 quốc gia và trở thành một tác phẩm văn chương kinh điển.

"Lolita" kể về Humbert Humbert đang ở tuổi trung niên bị ám ảnh tình dục với cô gái mười hai tuổi Lolita. Humbert quyết định cưới Charlotte - mẹ của Lolita để được ở gần cô bé. Charlotte đột ngột qua đời, để lại hai người trong mối quan hệ tình dục lén lút vì họ là cha dượng - con vợ. Cuối cùng, một nhà viết kịch thông minh, quyến rũ đã xuất hiện, Humbert Humbert đã mất người tình bé nhỏ của mình. Thế nhưng, qua cách viết của Nabokov, với ngôn từ và nghệ thuật tiểu thuyết của mình, ông đã biến một câu chuyện bình thường trở thành một tác phẩm kinh điển. Ông dùng điển tích văn học, chơi chữ, giễu nhại trong tác phẩm của mình. Người đọc như sống cùng tâm trạng với nhân vật chính: vừa si mê cuồng nhiệt vừa sắc sảo, lại như một nô lệ của tình yêu… Song song với việc người đàn ông trung niên bị cuốn hút vào tình yêu với "tiểu nữ thần" của mình, độc giả bị cuốn hút tự nhiên vào cuốn sách.

Dịch giả Dương Tường cho biết, khi nhận lời dịch "Lolita" ông vẫn nghĩ đó là cuộc phiêu lưu mạo hiểm. Bởi trước đó ông cũng mất hai năm để dịch một cuốn sách khó, nhưng dịch xong thì cuốn sách không được phép xuất bản. "Nhưng vì quá yêu cuốn sách, quá yêu Nabokov nên tôi vẫn làm. Phương châm của tôi là cố làm hơn sức mình một chút, cho thỏa lòng". Hơn 80 tuổi, dịch giả Dương Tường vẫn miệt mài chuyển ngữ với mong muốn mang một kiệt tác văn chương thế giới tới độc giả Việt Nam. Mắt kém, có lúc ông phải dùng kính lúp soi chữ, nhưng hơn 300 trang sách thì có tới 468 chú thích tỉ mỉ mà vị dịch giả phải nghiên cứu từ rất nhiều tài liệu. Sở dĩ ông làm công việc ấy bởi theo ông "Lolita là cuốn sách đầy sự chơi chữ tinh túy, vừa dân dã vừa bác học, vừa ý nhị vừa sâu sắc". Dịch giả Phạm Anh Tuấn, người cận kề với Dương Tường cho biết, khi dịch "Lolita", có những từ, những chữ khiến Dương Tường mất ăn mất ngủ.

Không chỉ giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, Dương Tường trước hết là một người giỏi tiếng Việt. Chính vì thế, đọc "Lolita", bên cạnh đọc một kiệt tác văn chương thế giới, độc giả có dịp thưởng thức ngôn ngữ Việt nhuần nhụy, ngôn ngữ văn chương thuần khiết qua vốn từ, sự uyên bác và cách làm việc công phu của Dương Tường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công phu của dịch giả Dương Tường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.