(HNM) - Ngay khi kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc, nhiều sĩ tử đã lục tục kéo về các trung tâm luyện thi ĐH cấp tốc. Những ngày này, các lớp luyện thi như vậy đang đồng loạt khai giảng.
Một lò luyện thi ĐH trên phố Tạ Quang Bửu. Ảnh: Khánh Nguyên |
Lò vẫn nóng
Có mặt tại một số điểm đăng ký luyện thi cấp tốc ĐH vào thời điểm này mới thấy rằng dự đoán từ cách đây vài năm về sự biến mất của các lò luyện thi có lẽ còn khá lâu nữa mới ứng nghiệm, mặc dù sức nóng của các lò không còn hừng hực như trước kia. Khác hẳn với không khí đìu hiu của các lớp luyện thi dài hạn cho thí sinh "lớp 13" vẫn mở, phố Tạ Quang Bửu (gần ĐH Bách khoa), phố Trần Quốc Hoàn, ngõ 175 Cầu Giấy (gần Trường ĐH Sư phạm), khu vực quanh Trường ĐH KHXHNV đường Nguyễn Trãi... chiều 7-6 nhộn nhịp sĩ tử tới đăng ký, tìm hiểu về các lớp luyện thi. Phần lớn trong số đó là học sinh ngoại tỉnh. Em Nguyễn Thanh Phương đến từ Thái Bình, được anh trai đang là SV Trường ĐH Kinh tế quốc dân tháp tùng cho biết: "Anh trai em năm ngoái cũng luyện thi với các thầy ở trung tâm phố Tạ Quang Bửu, có kết quả khá tốt nên năm nay em cũng muốn học tại đây". Anh trai của Phương thì cho biết: "Học phí năm nay có vẻ cao hơn so với năm ngoái từ 2.000 đến 4.000 đồng/buổi (khối A trung bình là 20.000-22.000 đồng/buổi). Sĩ số của mỗi lớp rất đông, 200 học sinh/lớp. Người học lúc đầu có thể thấy choáng nhưng học quen rồi thì thấy với cách dạy chủ yếu là giải đề mẫu và hệ thống kiến thức thì ít hay nhiều người cũng như nhau thôi".
Em Lê Hoàng Thu thì từ Thái Nguyên tới trọ ở phố Trần Quốc Hoàn từ vài ngày trước cho biết: Vì thí sinh thi khối C ít nên hôm nay (7-6) trung tâm vẫn chưa xếp được đủ một lớp. Nhưng cô nhân viên bảo đảm là chỉ cần đợi thêm 1-2 hôm nữa là sẽ đông. Học phí cho khối C cũng cao hơn khối A chút ít. Em đã trả hơn 900.000 đồng để học cả khóa với 3 môn học.
Cũng có những thí sinh không tới các lò để học mà chỉ muốn... thi thử. Nguyễn Thành Công, một học sinh đang tìm chỗ thi thử ở trung tâm ĐH Sư phạm giải thích: Em khá tự tin về kiến thức của mình nhưng lại lo về tâm lý khi thi không vững, đồng thời cũng muốn có thêm kinh nghiệm làm bài nên muốn thi thử một vài lần cho "chai" đi. Công tìm hiểu thì thấy phí thi thử mỗi môn là 35.000 đồng.
Nóng - lạnh tùy nơi
Dễ nhận thấy rằng các lò luyện thi còn lâu mới biến mất, song xu hướng chung vẫn là giảm dần trong nhiều năm gần đây. Lý do quan trọng nhất của sự giảm nhiệt này được cho là đề thi có xu hướng bám sát chương trình, sách giáo khoa, rồi đến những khó khăn về chi phí ăn ở, đi lại. Hơn nữa, sự phát triển của các website luyện thi khiến thí sinh không phải đi xa vẫn có thể tiếp thu kiến thức. Chính một giáo viên chuyên luyện thi cũng cho biết: Số học sinh giảm đi nhiều bởi ở các địa phương ngày càng có nhiều giáo viên giỏi có thể giúp các em tự tin vượt qua kỳ thi.
Tuy nhiên, bên cạnh sự đìu hiu của nhiều trung tâm luyện thi vài năm trở lại đây, người ta vẫn thấy một số trung tâm lại phát triển với quy mô còn lớn hơn trước kia. Xác nhận thực tế này, một giáo viên nhiều năm luyện thi tại các trung tâm khu vực Trường ĐH Bách khoa cho biết: "Những năm trước, khi các lò luyện nở rộ, mỗi lớp học có khoảng 200 học sinh đã là rất đông. Nay, khi các điểm luyện thi rơi rụng đi nhiều, thì tại các trung tâm còn trụ lại, các lớp lại có quy mô lớn hơn rất nhiều. Giờ đây mỗi lớp tôi dạy có tới 400-500 học sinh là chuyện bình thường". Thực tế này được giải thích do sức ép cạnh tranh ngày càng tăng của "ngành công nghiệp luyện thi cấp tốc".
Từ đó, các trung tâm đã chú trọng hơn tới việc giữ gìn uy tín và thương hiệu đi kèm với việc thu hút và giữ chân các thầy, cô giỏi, vốn được coi là những thỏi nam châm hút thí sinh. Nếu như trước kia, nhiều trung tâm rầm rộ trưng tên tuổi các thầy, cô giáo như một hình thức quảng cáo để rồi khiến người học thất vọng vì không hề có họ đứng lớp thì nay hiện tượng này đã giảm rất nhiều. Thí sinh cũng ngày càng có thêm nhiều thông tin nên không dễ trở thành "gà" cho các lò luyện. Họ đã tham khảo rất nhiều từ các phương tiện thông tin, từ bạn bè, các anh chị đi trước để tìm được một lớp có các thầy, cô nhiều kinh nghiệm. Đó là lý do khiến các trung tâm có uy tín thu hút đông học sinh.
Về chất lượng của các thí sinh năm nay, cũng thầy giáo nói trên cho biết không có nhiều thay đổi so với các năm trước. Trình độ của các em rất đa dạng, có những em gần như hổng kiến thức hoàn toàn trong khi lại có những em rất giỏi. "Các em giỏi chủ yếu đi luyện thi cấp tốc là để hệ thống hóa lại kiến thức, để học cách trình bày chuẩn hay đơn giản là muốn có cảm giác yên tâm trước kỳ thi lớn", người thầy này cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.