(HNM) - Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, góp phần tăng sức cạnh tranh của ngành công nghiệp chính. Tuy nhiên, CNHT ở nước ta chưa phát triển, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu với những gánh nặng về ngoại tệ, đồng thời để ngỏ thị trường cho doanh nghiệp (DN) nước ngoài.
Việt Nam có khoảng 100 doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ ô tô đang hoạt động nhưng hầu hết chỉ được đầu tư manh mún, thiếu quy mô. Ảnh: Danh Lam |
Ngành sản xuất ô tô: Thiếu cơ sở để kỳ vọng
Kể từ khi xuất hiện các nhà sản xuất ô tô nước ngoài, đến nay Việt Nam vẫn chưa có được ngành công nghiệp ô tô hoàn thiện theo đúng nghĩa. Nguyên nhân chủ yếu là do không làm chủ được công nghệ, nhân sự yếu, nhất là chưa tạo được điều kiện tốt để phát triển sản xuất linh kiện. Công nghiệp phụ trợ ô tô, ở Việt Nam có khoảng 100 DN đang hoạt động, nhưng hầu hết chỉ được đầu tư manh mún, quy mô nhỏ. Sản phẩm chủ yếu là linh kiện giản đơn, giá trị thấp. Công nghệ sản xuất còn rất lạc hậu, hầu như không đáp ứng được yêu cầu của DN sản xuất ô tô có vốn đầu tư nước ngoài.
Thông thường, một chiếc xe ô tô cần tới hàng nghìn nhà cung cấp linh kiện. Nhưng, ở Việt Nam, số nhà cung cấp chỉ đếm trên đầu ngón tay và chưa có DN lắp ráp ô tô nào có được 20 nhà cung cấp linh kiện trong nước. Ngay cả những liên doanh ô tô lớn như Toyota, Ford… có hệ thống nhà cung cấp linh kiện cũng chưa lôi kéo được nhiều DN đầu tư CNHT vào Việt Nam. Công ty Honda hoạt động ở tỉnh Vĩnh Phúc, tỷ lệ nội địa hóa tăng khá nhanh, chỉ trong 5 năm (1998-2002) đã tăng từ 10% lên 66%, vượt yêu cầu quy định tỷ lệ nội địa hóa tăng từ 10% lên 60% trong vòng 6 năm của Chính phủ Việt Nam. Tuy vậy, vai trò của các DN Việt Nam lại rất nhỏ trong quá trình nội địa hóa của Honda, vì phần lớn linh kiện và nhiều sản phẩm CNHT khác đều do Honda sản xuất hoặc mua từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài khác. Honda đã điều tra hàng trăm DN nội địa (chủ yếu là DN nhà nước) trong ngành xe máy, nhưng chỉ chọn được hơn 10 DN có khả năng cung cấp CNHT đủ tiêu chuẩn về chất lượng.
Để có ngành công nghiệp ô tô, phải hình thành được 5 cấp bậc sản xuất với hàng nghìn DN tham gia. Trong đó, nhiều nhất là DN cung cấp nguyên liệu, DN cung cấp linh kiện và cuối cùng là nhà lắp ráp. Những tiền đề ấy ở Việt Nam đều thiếu và đang trong quá trình xây dựng. Các vật liệu như thép tấm, thép hình, thép đặc biệt… để làm phụ tùng trong nước chưa chế tạo được. Nhiều linh kiện khác cũng tương tự, đều không có nhà cung cấp. Bên cạnh đó là trang thiết bị, bí quyết công nghệ để sản xuất các linh kiện cũng rất thiếu dẫn đến ngành ô tô Việt Nam trong tình trạng chỉ lắp ráp đơn giản.
Nguyên nhân chính là chưa có các chính sách cụ thể để thu hút, khuyến khích DN trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất linh kiện ô tô. Theo định hướng chính sách, tỷ lệ nội địa hóa dù đã được các nhà đầu tư cam kết nhưng không thực hiện. Việt Nam lại thực hiện bảo hộ quá cao với các liên doanh ô tô, nhưng không đi kèm với những điều kiện ràng buộc cụ thể, đã tạo cơ hội cho họ trong việc tăng giá bán, thu lãi cao và không muốn đẩy mạnh nội địa hóa.
Điểm mạnh nhất lại là điểm yếu nhất
Dệt may, da giày vốn là những ngành kinh tế xuất khẩu mũi nhọn hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, đây lại là hai ngành đáng lo ngại nhất khi sản xuất nội địa phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài vì phải nhập khẩu gần như toàn bộ nguyên liệu. Việt Nam chỉ sản xuất được chỉ, túi nilon, thùng carton rẻ tiền và cồng kềnh. Vấn đề lớn nhất hiện nay trong ngành dệt may, da giày là thiếu một chiến lược đồng bộ và hiệu quả nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ để cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước. Chính điểm yếu này mà tới nay các DN vẫn chỉ dừng lại ở tình trạng gia công hoặc chỉ chú trọng đi làm thương mại. Một số hãng thời trang Việt 100% nhưng sẵn sàng bán một số mặt hàng "Made in China" dưới thương hiệu của mình. Sự thuận tiện và lợi nhuận đã khiến DN dễ dàng chuyển từ sản xuất sang làm thương mại. Nhận định chung của các DN dệt may là hàng vải trong nước có chất lượng kém, màu sắc xấu, chất liệu không đa dạng, không đồng nhất. Với hàng dệt, chất lượng bông trong nước quá yếu kém nên phải nhập khẩu hoàn toàn sợi bông từ Thái Lan, Nhật Bản và kéo sợi bằng công nghệ Trung Quốc. Do nguyên liệu nghèo nàn nên nhiều mặt hàng như quần áo nữ hoàn toàn bị mất vị thế trên thị trường nội địa. Đối với hàng thời trang thì nguyên liệu đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Ở Trung Quốc, Thái Lan… đều có các mặt hàng phụ trợ đa dạng từ máy dệt, máy may, chỉ, nút, ruy-băng, diềm đăng-ten… nhưng hàng Việt Nam đều không theo kịp về giá cả, mẫu mã và chất lượng.
Hiện nay, gần 80% đầu vào của ngành da giày lệ thuộc vào hàng nhập khẩu mà Trung Quốc là nguồn cung chính yếu. Ngoài lý do chăn nuôi kém phát triển nên nguồn cung da hạn chế, song nhiều chi tiết đơn giản từ kim loại, nhựa cũng phải nhập khẩu cho thấy CNHT thực sự yếu kém. Hệ quả là thị trường nội địa của dệt may và da giày từng bước rơi vào tay các nhà sản xuất ngoại, vì xét cho cùng, DN trong nước khó có thể cạnh tranh khi mà 80% đầu vào phải nhập khẩu từ chính đối thủ.
Rõ ràng, khi thiếu chiến lược phát triển CNHT, các nhà sản xuất trong nước khó thoát khỏi cảnh gia công làm thuê hoặc chạy đi làm thương mại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.