Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công nghiệp hỗ trợ: “Đi sau” nên tụt hậu (?)

Việt Nga| 18/11/2014 06:05

(HNM) - Đa số ĐB đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đều nêu rõ tình trạng đã có quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ cùng nhiều cơ chế, chính sách của Nhà nước được ban hành nhưng đến nay ngành này chưa phát triển.



Ngoài ra, có 14 đại biểu trực tiếp đặt câu hỏi chất vấn người đứng đầu ngành công thương, trong đó đa số dành sự quan tâm về CNHT cũng như các chính sách, công tác quản lý của Nhà nước… về lĩnh vực này.

Tỷ lệ nội địa hóa ở các doanh nghiệp lắp ráp xe hơi chưa đạt yêu cầu. Ảnh: Mạnh Hà


Xuất phát sau nên khó "len chân"

Đa số ĐB đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đều nêu rõ tình trạng đã có quy hoạch phát triển CNHT cùng nhiều cơ chế, chính sách của Nhà nước được ban hành nhưng đến nay ngành này chưa phát triển. Minh chứng sinh động được ĐB Nguyễn Thị Khá (Đoàn Trà Vinh) phản ánh khi nhắc lại câu chuyện Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) không tìm được nhà sản xuất tại Việt Nam làm ốc vít cho sản phẩm của họ. Các ĐB cũng đặt câu hỏi liên quan trách nhiệm của người đứng đầu ngành về quản lý CNHT.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, từ năm 2007, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành CNHT, đến năm 2011 có thêm quyết định về phát triển ngành này, đồng thời Bộ cũng ban hành các văn bản triển khai. Song Bộ trưởng thừa nhận các chính sách để thúc đẩy ngành phát triển còn chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân quan trọng khiến CNHT tại Việt Nam chưa thể phát triển là do quy mô sản xuất của chúng ta còn nhỏ bé hay nói cách khác là thị trường trong nước chưa đủ lớn để thu hút sản xuất. Cụ thể, nói đến sản xuất phụ tùng, linh kiện, để phát triển, đòi hỏi quy mô lớn, đủ sản xuất số lượng nhiều - giá thành mới cạnh tranh được. Ví dụ, với xe hơi, ước tính nước ta tiêu thụ mỗi năm khoảng 70.000 xe, song thị trường lại có nhiều hãng xe (khoảng 10 hãng) dẫn đến khó hãng nào có thể đứng ra đầu tư cung cấp phụ tùng cho 10 nhà sản xuất này. Đó cũng là nguyên nhân khiến ngành công nghiệp ô tô mới chỉ thực hiện nội địa hóa 10% ở xe con. Điều này khác hẳn với ngành dệt may, da giày. Do sản xuất quy mô lớn (để xuất khẩu) nên đến nay, ngành công nghiệp này đã thực hiện nội địa hóa được 50% với dệt may và 60% với da giày; xe máy được nội địa hóa trên 90% và thực hiện xuất khẩu. Thêm nữa, hiện nay xu thế của thế giới là sự phát triển, phân công lao động phụ thuộc vào các tập đoàn đa quốc gia nên sản phẩm được làm ra trong một chuỗi sản xuất hoàn chỉnh. Trong khi đó, chúng ta do xuất phát sau nên việc "len chân" vào chuỗi giá trị toàn cầu rất khó khăn, nhất là với nền sản xuất trong nước còn yếu, tay nghề lao động chưa cao.

Về vấn đề công nghiệp chế tạo cơ khí, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, ngành này có phát triển nhưng chỉ một số lĩnh vực như sản xuất phục vụ các nhà máy xi măng, sản xuất máy biến thế 500kV, giàn khoan thăm dò dầu khí… còn lại là yếu kém. Theo Bộ trưởng, nguyên nhân bắt nguồn từ việc thay đổi cơ chế, chính sách. Trước đây, Nhà nước thực hiện đầu tư, hiện nay theo quy định, không được sử dụng vốn ngân sách nữa. Trong khi đó, cơ khí là lĩnh vực đầu tư cần vốn lớn, thời gian thu hồi vốn chậm do vậy cả nhà đầu tư nước ngoài lẫn tư nhân đều không quan tâm. Tuy nhiên, vừa qua, chúng ta đã thống nhất nội dung phát triển công nghiệp ứng dụng, trong đó có sử dụng ngân sách nhà nước. Bộ trưởng hy vọng, ngành công nghiệp cơ khí chế tạo sẽ được quan tâm thích đáng, ít nhất là trong việc ưu đãi vốn.

Với tư cách là người đứng đầu ngành, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm của Bộ và cá nhân trong việc tham mưu còn hạn chế, đồng thời kiến nghị với QH, Chính phủ có cơ chế hỗ trợ phát triển CNHT trong Luật sửa đổi, bổ sung các loại thuế (có phần ưu đãi với DN sản xuất CNHT); ưu đãi DN CNHT vốn vay để mở rộng sản xuất hoặc nhập công nghệ dưới hình thức tín chấp bảo lãnh; thành lập một số trung tâm hỗ trợ DN hoạt động phi lợi nhuận…

Đội ngũ chống buôn lậu - Không loại trừ có tiêu cực

Các ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đoàn Đắc Nông), Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) cũng đã đặt câu hỏi liên quan sự gắn kết giữa ngành công thương (từ sản xuất hỗ trợ đến phân phối, tiêu thụ) với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Theo ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh, một số tỉnh khu vực Tây Nguyên trồng các cây công nghiệp lâu năm, nhưng sản xuất lại "chưa có gì", mạng lưới thu mua thì tự phát, bấp bênh… và cuối cùng, người nông dân chịu nhiều thiệt hại. Tương tự, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé cũng đặt vấn đề về công nghiệp sản xuất sau thu hoạch mặt hàng nông sản chưa phát triển…

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận đây là một thực trạng. Các DN nước ngoài và trong nước chưa quan tâm đầu tư vào khu vực nông thôn. Chính phủ cũng đã nhìn ra vấn đề này, tuy nhiên do các văn bản thúc đẩy xúc tiến đầu tư vào khu vực nông thôn mới ban hành nên còn hạn chế. Bộ trưởng cho rằng, vấn đề bây giờ là sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan làm tốt từ việc tuyên truyền, đến vận dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước với các DN đầu tư vào nông thôn, với bà con nông dân, tạo sự gắn kết hơn giữa DN chế biến và người sản xuất. Mặt khác, cũng cần tới sự tham gia tích cực của ngân hàng trong mối liên kết này để hỗ trợ nông dân đầu tư cho sản xuất nông sản; cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện giải pháp đã được một số địa phương áp dụng như vận động DN, người dân tiêu thụ vải thiều ở Bắc Giang. Theo Bộ trưởng, bản thân Bộ Công thương trong thời gian qua, khi làm việc với các tập đoàn, DN nước ngoài sang đầu tư, mở rộng sản xuất đều khuyến khích họ sử dụng nguyên liệu của Việt Nam phục vụ sản xuất.

Trả lời câu hỏi về vai trò quản lý thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, người đứng đầu ngành công thương khẳng định, lực lượng quản lý thị trường của bộ, các địa phương đã tích cực tham gia phòng chống, xử lý các vi phạm. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, không loại trừ trong đội ngũ có những cán bộ tiêu cực, chưa làm việc hết trách nhiệm, thậm chí bao che sai phạm, dẫn đến hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu chưa cao. Trước sự "truy" vấn của các ĐB về có hay không cam kết sẽ giảm số vụ buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: "Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn và chúng tôi không dám cam kết cụ thể, nhưng hứa với các ĐBQH là không thể không có chuyển biến được".

ĐB Đỗ Văn Đương (Đoàn TP Hồ Chí Minh):
Có sự dung túng, tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái

Hiện nay, tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng đang hiện diện ở ngay các chợ đầu mối, ngay trong nội địa, trong khi lực lượng quản lý thị trường rất đông. Phải làm rõ trách nhiệm của lực lượng này. Đặc biệt là sự khách quan trong thi hành công vụ chưa được làm rõ. Theo tôi, có sự dung túng, tiếp tay nhất định thì hàng nhái, hàng giả mới trôi nổi trên thị trường được. Tôi chưa thực sự hài lòng vì Bộ trưởng chưa làm rõ trách nhiệm, sắp tới có giải pháp gì, đặc biệt chưa thấy Bộ trưởng cam kết thực hiện với Quốc hội, với cử tri.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Đoàn Trà Vinh):
Tôi chưa thực sự hài lòng

Tôi hỏi Bộ trưởng Công thương hai vấn đề, thứ nhất là thực trạng CNHT chưa phát triển trong các lĩnh vực và liệu nước ta có bị biến thành bãi rác để DN nước ngoài chuyển công nghệ lạc hậu sang sản xuất để hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước; thứ hai về tình trạng có nhiều mặt hàng trong nước tiêu thụ không hết nhưng hàng lậu, hàng không có nguồn gốc vẫn tràn lan trên thị trường… Bộ trưởng đã trả lời nhưng tôi chưa hài lòng và đã bấm nút chất vấn lại về cả hai câu hỏi… nhưng trong phần trả lời tiếp thì Bộ trưởng cũng chưa làm rõ được câu hỏi của tôi.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghiệp hỗ trợ: “Đi sau” nên tụt hậu (?)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.