Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công nghiệp giải trí: Vẫn là chuyện “đang bàn”

Lâm Đại| 05/06/2010 08:24

(HNM) - Công nghiệp văn hóa (công nghiệp sáng tạo) đã trở thành một ngành sinh lợi nhuận khổng lồ ở nhiều nước. Trong khi đó, ở Việt Nam, xác định rõ ràng vai trò của ngành công nghiệp này trong nền kinh tế và đề ra chính sách phát triển cụ thể dường như vẫn là việc

“Những nụ hôn rực rỡ” - một trong những bộ phim đạt doanh thu cao của điện ảnh Việt Nam.


Hình bóng mờ nhạt
Nhật Bản là nước có ngành công nghiệp trò chơi điện tử hàng đầu, chiếm 32% thị phần thế giới trong năm 2002, phim hoạt hình của nước này cũng thuộc hạng dẫn đầu trên phạm vi toàn cầu. Giá trị sản phẩm của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc giữ vị trí hàng đầu trong số ngành công nghiệp cả nước.

Ở Việt Nam, các hoạt động văn hóa và thể thao chỉ chiếm 0,44% trong cơ cấu tổng sản phẩm trong nước (năm 2008). Điện ảnh Việt Nam mỗi năm sản xuất trên dưới 10 phim truyện nhựa và việc phim Việt ế ẩm tại các rạp chiếu đã là "chuyện thường ngày". Mới đây, bộ phim "Những nụ hôn rực rỡ" đạt doanh thu phòng vé tới 20 tỷ đồng, nhưng đó chỉ là trường hợp hy hữu. Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH,TT&DL trực tiếp quản lý 12 đơn vị, hằng năm đầu tư khoảng 100 tỷ đồng nhưng phần lớn số tiền này được dành để trả lương cán bộ, nhân viên, bảo trì cơ sở vật chất… khoản đầu tư cho sản xuất, dựng vở là không nhiều. Các nhà hát mỗi năm dựng khoảng 3 vở, rõ ràng là không đủ để có thể "đỏ đèn" quanh năm. Với năng lực sản xuất chương trình khá hạn chế như vậy, khả năng góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp giải trí của họ là khá khiêm tốn. Nhìn sang ngành giải trí khác, có thể thấy âm nhạc cũng có nhiều năm liên tiếp "mất mùa" và trong điều kiện sản phẩm ghi âm bị in lậu tràn lan, các nghệ sĩ làm chương trình riêng chỉ có một mục tiêu là mong hòa vốn.

Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa đã nhiều năm nay, song dường như công nghiệp giải trí vẫn còn là khái niệm mới mẻ, ngay cả với nhà hoạch định chính sách.

Cần có một "đầu tàu"
Ở các nước có ngành công nghiệp văn hóa phát triển, thường có thể nhận ra vài ngành mũi nhọn. Hàn Quốc, với những ban nhạc K-pop và vô số bộ phim truyền hình dài tập đã tạo nên hiện tượng Hallyu (làn sóng Hàn Quốc), kéo theo cả ngành thời trang phát triển. Ngành công nghiệp giải trí không đơn thuần cho số thu lợi nhuận, mà còn tạo ra hiệu ứng văn hóa có lợi cho sự phát triển và quảng bá thương hiệu giải trí của xứ Kim chi. Người ta nói rằng ở một xã miền núi của tỉnh Quảng Nam đã xuất hiện "phong trào" đặt tên con theo các nhân vật trong phim Hàn Quốc.

Tại Anh, ngành công nghiệp ghi âm của nước này tiêu thụ khoảng 20% số băng đĩa toàn cầu, chiếm 10-15% thị phần thế giới. Nước Mỹ, chỉ với Hollywood đã xứng danh nền điện ảnh dẫn đầu thế giới cả về số lượng phim và chất lượng nghệ thuật. Phim của Hollywood chiếm lĩnh các phòng chiếu phim trên toàn thế giới, thu nguồn lợi nhuận khổng lồ, kéo theo các lĩnh vực khác trong công nghiệp giải trí phát triển.

Trong các cuộc bàn thảo tìm khung chính sách phù hợp để phát triển ngành công nghiệp văn hóa nói chung và công nghiệp giải trí nói riêng, nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng Việt Nam nên xác định rõ "đầu tàu" để ưu tiên phát triển. PGS-TS Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam đưa ra kiến nghị về việc xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa với 5 hoạt động chủ yếu. Trong đó, ông Quang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định loại hình mũi nhọn của Việt Nam để có những chính sách khuyến khích phát triển phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghiệp giải trí: Vẫn là chuyện “đang bàn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.