Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công nghệ vũ trụ: Cần sự chuẩn bị lâu dài

Tuyết Hà| 08/01/2016 07:30

(HNM) - Trong những năm qua, việc ứng dụng lĩnh vực công nghệ vũ trụ đã có những tác động trực tiếp đến sự phát triển của nước nhà.


Làm chủ nhiều công nghệ mới

Công nghệ vũ trụ là một vấn đề rất mới ở Việt Nam. Những người làm KH&CN mới tiếp cận những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực này khoảng 15 năm gần đây. Tuy nhiên, lĩnh vực này đã có tốc độ tăng trưởng tương đối tốt, đặc biệt là từ sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020" vào năm 2006. Công nghệ vệ tinh của Việt Nam cũng đã có những bước tiến nổi bật. Có thể kể đến một số thành tựu như: Hai vệ tinh thông tin Vinasat-1, Vinasat-2 và vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 đang hoạt động theo đầy đủ thông số kỹ thuật. Ngoài ra, dự án xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đang được gấp rút thực hiện.

Mô hình Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ được hoàn thành trong tương lai.


Hiện nay, về vệ tinh, chúng ta đang nghiên cứu làm chủ công nghệ thiết kế. Việt Nam đã thiết kế thành công vệ tinh siêu nhỏ và tiến tới là vệ tinh nhỏ, đồng thời làm chủ công nghệ điều khiển trạm mặt đất đối với những vệ tinh viễn thông, viễn thám và đưa lên quỹ đạo theo hợp đồng với các tổ chức nước ngoài.

Các nhà khoa học Việt Nam hiện đã làm chủ được công nghệ phân tích ảnh vệ tinh phục vụ cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội như dự báo thiên tai, đánh giá tài nguyên thiên nhiên, khẳng định chủ quyền biển đảo cũng như biên giới của Việt Nam, xác định những thông số phát triển kinh tế - xã hội như là độ che phủ rừng, tốc độ đô thị hóa, mức độ xâm lấn của nước biển và ngập mặn xói lở các bờ biển ở phía Nam Việt Nam.

Trong lĩnh vực định vị vệ tinh, Việt Nam đã tham gia vào định vị các mạng lưới vệ tinh toàn cầu. Vừa qua, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cộng tác với Tổ chức Galileo của Châu Âu, đã đoạt giải cao nhất của Giải thưởng Nhân tài đất Việt cho một nghiên cứu về định vị và dẫn đường bằng vệ tinh.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh tham gia các công ước, điều ước quốc tế về công nghệ vũ trụ và hoàn thiện khung pháp lý tạo điều kiện hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực, phát triển ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và hội nhập quôc tế.

Cần có sự đầu tư

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, đây là lĩnh vực nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, nên ngoài chiến lược phát triển công nghệ vũ trụ đến năm 2020, chương trình KH&CN nghiên cứu về vũ trụ đã được thành lập, giao cho các nhà khoa học hàng đầu nghiên cứu và đảm nhiệm ứng dụng công nghệ vũ trụ.

Tuy nhiên, vấn đề nguồn lực vẫn đang là hạn chế lớn. Trong thời gian sắp tới, việc mở các chuyên ngành đào tạo về công nghệ vũ trụ ở các trường đại học cũng là một thách thức vì đội ngũ giảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu. Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: Chúng ta đang rất hy vọng vào một nền tảng đội ngũ cán bộ công nghệ có được từ một dự án rất lớn là Trung tâm Vũ trụ quốc gia đặt tại Hòa Lạc với nguồn vốn đầu tư ODA của Nhật Bản hơn 600 triệu USD. Ông Đào Văn Tuyết, Trung tâm Vệ tinh quốc gia, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, cũng cho rằng: Để chủ động nguồn lực, cần làm song song cả hai việc. Bên cạnh việc gửi cán bộ giỏi đi đào tạo ở nước ngoài và hợp tác đào tạo trong nước, chúng ta cần đào tạo nguồn nhân lực một cách bài bản và không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn. Đây là điều hết sức cần thiết với lĩnh vực mới mẻ như công nghệ vũ trụ.

Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định: Chắc chắn chúng ta sẽ phải mời các nhà khoa học quốc tế, các giáo sư từ các quốc gia phát triển về công nghệ vũ trụ tham gia vào công việc đào tạo ở Việt Nam, đồng thời thông qua các đề tài dự án nghiên cứu khoa học để đào tạo một số cán bộ ở trình độ trên đại học và sau đại học. Ngoài ra, hiện nay Việt Nam cũng đang nghiên cứu việc gia nhập 5 hiệp ước quốc tế về khoảng không vũ trụ.

Ngoài việc chúng ta đã ký các hiệp định này với Hoa Kỳ và với Liên bang Nga thì việc gia nhập 5 hiệp ước vũ trụ quốc tế sẽ tạo điều kiện cho các nhà khoa học Việt Nam có thể tham gia vào các chương trình nghiên cứu vũ trụ cũng như là có thể tận dụng được hỗ trợ của thế giới thông qua các hợp tác nghiên cứu về vũ trụ và huy động được nguồn kinh phí tài trợ từ các tổ chức quốc tế, quốc gia khác, như vậy tiềm lực về công nghệ vũ trụ của Việt Nam sẽ được tăng lên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ vũ trụ: Cần sự chuẩn bị lâu dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.