Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công nghệ sinh học: Giải pháp cho an ninh lương thực của VN

L.H| 16/10/2012 18:25

(HNMO) - Dân số Việt Nam dự kiến sẽ tiến tới mốc 100 triệu vào năm 2020 và chi tiêu trung bình dành cho thực phẩm ước tính chiếm tới hơn 50% chi tiêu hộ gia đình.

Theo đó, Việt Nam sẽ phải đối mặt với bài toán làm thế nào để có thể sản xuất đủ đáp ứng nhu cầu lương thực của hơn 100 triệu dân chỉ trong thập niên tới, một nhiệm vụ hết sức khó khăn trước thực trạng quỹ đất thu hẹp, biến đổi khí hậu, bùng nổ dân số, công nghiệp hoá và đô thị hoá tăng nhanh.

Nhằm hướng tới mục tiêu an ninh lương thực, một trong các biện pháp hiện đang được 29 nước trên thế giới áp dụng là công nghệ sinh học. Theo báo cáo của Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng về công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) từ năm 1996 đến 2010, diện tích cây trồng công nghệ sinh học đã góp phần tích cực vào quá trình tăng cường an ninh lương thực, phát triển bền vững và khắc phục biến đổi khí hậu thông qua việc nâng sản lượng cây trồng lên 78,4 tỉ đô la Mỹ, đóng góp vào quá trình cải thiện môi trường bằng cách giúp tiết kiệm 443 triệu cân thuốc trừ sâu, giảm tới 19 tỉ cân khí CO2 vào chỉ riêng trong năm 2010, tương ứng với lượng khí thải của gần 9 triệu xe ô tô vận hành trên đường, bảo tồn đa dạng sinh học bằng cách góp phần bảo tồn 91 triệu hecta rừng và giúp xoá đói giảm nghèo cho 15 triệu nông dân – những người thuộc thành phần nghèo nhất trên thế giới.


Theo Tiến sỹ Rashmi Nair, Giám đốc Chính sách và Pháp chế các thị trường đang phát triển, công ty Monsanto - nhà cung ứng về các giải pháp kỹ thuật và sản phẩm nông nghiệp hàng đầu thế giới: tất cả các cây trồng biến đổi gen đều đã được kiểm định an toàn để dùng cho thực phẩm và thức ăn chăn nuôi ở các nước phát triển và rất nhiều nước đã và đang nhập khẩu các loại thức ăn hoặc nguyên liệu sản xuất thức ăn có thành phần từ các sản phẩm biến đổi gen. “Hàng trăm triệu bữa ăn hàng ngày hiện có thành phần từ cây trồng biến đổi gen. Kể từ khi cây trồng công nghệ sinh học được thương mại hoá vào năm 1996, không có bất cứ một bằng chứng nào cho thấy các cây trồng biến đổi gen gây các loại bệnh tật hay nguy hại nào”.

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo đồng tổ chức bởi Trường Nông Lâm TP Hồ Chí Minh và công ty Monsanto. Hội thảo giúp hàng trăm nhà tạo giống tương lai của Việt Nam đã có cơ hội được cùng thảo luận với các chuyên gia nông nghiệp hàng đầu thế giới về tình hình an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững, những khái niệm chính về giám định an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của cây trồng công nghệ sinh học cũng như cơ hội học tập và nghiên cứu trên toàn cầu nhằm hướng tới đảm bảo an ninh lượng thực và tự sáng tạo ra giống lúa Made-in-Vietnam thông qua học bổng học giả toàn cầu Monsanto Beacheal- Bourlaug (MBBISP).

Monsanto, với vai trò một nhà sản xuất hàng đầu toàn cầu trong lĩnh vực nông nghiệp, cam kết làm việc cùng với nông dân và chính phủ trên toàn thế giới, bao gồm Việt Nam để đối phó với các thách thức đặt ra và cung cấp các giải pháp để người nông dân có thể tuỳ chọn nhằm sản xuất nhiều hơn, bảo tồn tốt hơn song song với việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho chính họ.

Theo bà Shakilla Shahjihan, Giám đốc Đối ngoại công ty Monsanto, mục tiêu quan trọng nhất trong cam kết của Monsanto là giúp nông dân có thể tăng gấp đôi sản lượng trong phạm vi các giống cây trồng mà Monsanto cung cấp trong đó sử dụng ít hơn một phần ba các nguồn tài nguyên thiết yếu trong quá trình sản xuất, như nước và năng lượng. Nhằm đạt được mục tiêu đó, Monsanto đạt mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống bằng cách giúp nông dân toàn cầu tăng năng suất cây trồng và hiệu suất trồng trọt.

“Là một phần của cam kết nói trên, Monsanto tài trợ 10 triệu đô la để đem đến các cơ hội học tập và nghiên cứu toàn cầu cho các cá nhân có nỗ lực vượt trội trong quá trình nghiên cứu ở cấp độ tiến sỹ về tạo giống lúa gạo và lúa mỳ thông qua học bổng học giả toàn cầu Monsanto Beachel-Borlaugh (MBBISP). Học bổng MBBISP được đặt tên theo hai giáo sư Henry Beachell và Norman Borlaug (những người nhận được giải Nobel năm 1970), những học giả đã có công đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu và tạo giống lúa gạo và lúa nước”, bà chia sẻ thêm.

Hồ sơ đăng ký cho chương trình năm 2013 bắt đầu từ ngày 1 tháng 11 năm 2013 cho đến ngày 1 tháng 2 năm 2013. Các sinh viên quan tâm đến chương trình có thể đăng nhập vào địa chỉ www.monsanto.com/mbbischolars.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ sinh học: Giải pháp cho an ninh lương thực của VN

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.