(HNM) - Thông tin cơ quan chức năng ngày 24-3 đã phát hiện cơ sở kinh doanh Minh Ngọc
Vì vậy, thông tin cơ quan chức năng ngày 24-3 đã phát hiện cơ sở kinh doanh Minh Ngọc "phù phép" gia cầm trôi nổi thành gia cầm sạch tung ra thị trường đã gây chấn động dư luận về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cơ sở Minh Ngọc, nơi phù phép gia cầm “sạch” bằng “triện củ khoai” đã bị đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện, xử lý. |
"Sạch" nhờ... "triện củ khoai"
Ngày 24-3, khi kiểm tra cơ sở kinh doanh gia cầm sạch Minh Ngọc (địa chỉ tại số 11A, ngõ 312, đường Bạch Đằng, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Cục Cảnh sát môi trường (C49 - Bộ Công an), Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Chi cục QLTT Hà Nội) đã phát hiện nhân viên của cơ sở kinh doanh gia cầm này đang sử dụng con dấu kiểm dịch thú y để đóng lên các con gia cầm vừa mới được chở đến từ nhiều lò mổ khác nhau trên địa bàn Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn đã phát hiện 29 con ngan chưa được đóng dấu kiểm dịch, 29 con gia cầm khác đã được đóng dấu kiểm dịch mang ký hiệu "Chi cục Thú y HN KSGM MS-01", tổng trọng lượng hơn 130kg. Trả lời câu hỏi của cơ quan chức năng, chủ cơ sở này là ông Nguyễn Huy Dũng (SN 1964) thừa nhận là tự ý khắc con dấu để đóng lên các sản phẩm gia cầm "lậu", sau đó cho nhân viên chở số gia cầm đã được "phù phép" này đi phân phối tại nhiều chợ đầu mối, siêu thị có tiếng, khách sạn, nhà hàng lớn trên địa bàn Hà Nội. Ngay trong chiều 24-3, toàn bộ gia cầm bị thu giữ đã được cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy tại bãi Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội).
Một ngày sau khi cơ quan chức năng phát hiện hành vi gian dối của cơ sở Minh Ngọc, trong vai những người cần nhập số lượng lớn gà về làm đám cưới, nhóm PV Báo Hànộimới đã thâm nhập vào Siêu thị Big C. Tại đây, trên sản phẩm gia cầm bày bán đều có đóng dấu màu tím của cơ quan thú y, thế nhưng không thể đọc được nội dung của phần kiểm định. Khách hàng chỉ có thể căn cứ vào nguồn gốc nhờ những nhãn mác dán bên ngoài bao bì nilon. Tuy nhiên, tại thời điểm chúng tôi khảo sát, trên một số sản phẩm gia cầm còn không có cả nhãn mác của các cơ sở sản xuất. Khi chúng tôi yêu cầu mua số lượng lớn và phải có đủ tem bảo đảm, nhân viên siêu thị chạy ra sau quầy cầm theo một tệp tem chứng nhận của cơ sở Minh Ngọc dán lên vỏ bao bì sản phẩm gà trong khoang đông lạnh. Thậm chí những nhân viên này còn hào phóng tặng cho phóng viên cả những con tem chưa dán để "mang về đưa cho người nhà xem cho yên tâm". Trên những con tem này có ghi rõ: "Gia cầm sạch Minh Ngọc - đóng gói tại Big C Thăng Long", kèm theo đó là phần hướng dẫn bảo quản thực phẩm.
Cơ quan quản lý nói gì?
Sáng 26-3, PV Báo Hànộimới đã có buổi làm việc với bà Trần Thị Thu Hằng, Trạm trưởng Trạm thú y quận Hoàn Kiếm. Bà Hằng cho biết, cơ sở kinh doanh gia cầm sạch Minh Ngọc được UBND quận Hoàn Kiếm cấp phép kinh doanh gia cầm từ tháng 11-2008. Cơ sở này đã được Chi cục Thú y (Sở NN&PTNT Hà Nội) cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm động vật. Giấy chứng nhận có hiệu lực đến ngày 25-6-2014. Đồng thời, Minh Ngọc cũng được Chi cục Thú y cấp Chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y (có giá trị đến ngày 9-4-2014). Trả lời câu hỏi của PV về quy trình kiểm tra cơ sở kinh doanh gia cầm này, bà Hằng cho biết: Trung bình mỗi ngày, theo kiểm soát của cơ quan thú y, cơ sở này nhập và xuất khoảng 200kg gia cầm (Đó là lượng gia cầm đã được đóng dấu kiểm dịch thú y từ cơ sở giết mổ). Khi đơn vị nhập gia cầm đã giết mổ từ các vùng ngoại thành về sẽ điện thoại cho cán bộ thú y xuống kiểm tra. Việc kiểm tra được tiến hành chỉ dựa trên các giấy tờ liên quan đến kiểm dịch động vật, kiểm định dấu thú y, số lượng có khớp với biên lai, hóa đơn hay không… Từ thông tin của bà Hằng, không khó để nhận thấy chính quy trình kiểm tra… trên giấy kiểu này đã tạo ra kẽ hở để doanh nghiệp "hô biến" gia cầm "bẩn", không rõ nguồn gốc, thành gia cầm "sạch" tung ra thị trường, gây nguy hại cho người tiêu dùng.
"Vụ việc lần đầu tiên phát hiện này đã gây chấn động với ngành thú y" - Bà Hằng cho hay. Cũng theo lãnh đạo cơ quan quản lý thú y của quận Hoàn Kiếm, việc cơ sở kinh doanh gia cầm này tự ý đóng dấu kiểm dịch thú y là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về thú y vì chỉ có cán bộ thú y mới được giao nhiệm vụ đóng dấu kiểm soát giết mổ lên sản phẩm động vật. Hơn nữa việc đóng dấu này phải được cán bộ thú y thực hiện ngay tại các lò mổ đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y, trong khi cơ sở Minh Ngọc không phải là điểm giết mổ mà chỉ là cơ sở kinh doanh gia cầm.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về trách nhiệm của Trạm thú y Hoàn Kiếm đến đâu khi để cơ sở này tồn tại từ năm 2008 đến nay mới bị phát hiện việc đóng dấu kiểm dịch trái pháp luật, bà Hằng phân trần: Cả trạm thú y có 12 người, mỗi người phải chịu trách nhiệm kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y đối với tất cả các hộ kinh doanh trên địa bàn một phường (quận Hoàn Kiếm hiện có 18 phường), đồng thời kiêm luôn vệ sinh thú y ở các chợ, siêu thị trong phường, với hàng nghìn hộ kinh doanh gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn. Nhân lực rất hạn chế nên cán bộ của trạm không thể bao quát việc nhập - xuất 24/24h đối với một cơ sở kinh doanh cũng như các đơn vị khác đóng trên địa bàn. Hơn nữa, khi "phù phép" cho gia cầm lậu, cơ sở Minh Ngọc luôn đóng kín cửa nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra (!?).
Nhiều câu hỏi đặt ra
Cơ sở gia cầm "sạch" Minh Ngọc bị đưa ra ánh sáng chỉ là một ví dụ cho nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm được gắn cái mác rất ăn khách hiện nay: "Thực phẩm sạch". Cách đây không lâu, các cơ quan truyền thông đã nêu nhiều vụ việc mang tính cảnh báo về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm như rau nguồn gốc trôi nổi được đóng mác "rau an toàn Vân Nội", nấm cao cấp Lưu Mai Hương bán trong Siêu thị Big C thực chất lại là hàng nhập lậu từ Trung Quốc, nhiều sản phẩm bán trong siêu thị Citimart 241 Xuân Thủy cũng không rõ nguồn gốc xuất xứ… Tất cả những vụ việc này đã đặt ra dấu hỏi lớn về công tác kiểm soát, nâng cao năng lực quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay.
Mới đây, ngày 25-3, tại hội nghị triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2014, tổ chức tại Hà Nội, nhiều đại biểu cũng đã nêu vấn đề việc thanh tra, kiểm tra thực phẩm "bẩn" trên thị trường cũng chỉ như… "bắt cóc bỏ đĩa". Đơn cử như vụ việc Minh Ngọc, nếu nhìn bề ngoài thì cơ sở này hoàn toàn đủ điều kiện cho kinh doanh "sạch" như Giấy đăng ký kinh doanh chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, Cơ sở đủ điều kiện vệ sinh thú y, hồ sơ hành chính có đủ hóa đơn chứng từ mua bán, giấy kiểm dịch động vật... thế nhưng mấy ai biết rằng quy trình bảo đảm thực phẩm sạch, từ khâu sản xuất, vận chuyển, lưu trữ, bảo quản, cho đến khi đưa đến tay người tiêu dùng có được tuân thủ đầy đủ theo yêu cầu? Đó là chưa bàn đến việc cơ sở vật chất, hiện trạng sản xuất của những nơi kinh doanh, giết mổ có đúng như thực tế mà những tờ giấy chứng nhận kia đã công nhận. Đáng lo ngại là, tình trạng "bỏ lọt địa bàn" chắc chắn không chỉ xảy ra ở riêng quận Hoàn Kiếm.
Lâu nay, người tiêu dùng chấp nhận bỏ ra chi phí cao hơn khi chuyển hướng mua thực phẩm tại siêu thị vì bảo đảm được các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, có kiểm dịch, đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Thế nhưng, người dân biết tin vào đâu khi ngay cả thực phẩm sạch bày bán tại siêu thị và các nhà hàng sang trọng kia thực chất đã được phù phép bằng "triện củ khoai"!?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.