(HNM) - Trong khi ngành nông nghiệp rơi vào tình trạng tăng trưởng âm với nhiều nguy cơ rất đáng lo ngại thì khép lại 6 tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đạt mốc tăng trưởng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ. |
Đây là sự nỗ lực lớn của các cấp, các ngành thành phố trong việc ứng phó với hàng loạt vấn đề từ diễn biến bất thường của thời tiết đến những bất cập của thị trường tiêu thụ nông sản, thủy sản… Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ.
Nỗ lực vượt khó
- Ông đánh giá thế nào về những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp Hà Nội trong 6 tháng qua?
- Sáu tháng đầu năm nay là khoảng thời gian mà ngành nông nghiệp Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là về thiên tai, thị trường..., và nguồn lực hạn chế đã tác động mạnh đến kết quả hoạt động và thực hiện kế hoạch của toàn ngành. Sản xuất trồng trọt ở một số địa phương ngoại thành Hà Nội cũng bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của đợt mưa lũ cuối tháng 5.
Chưa kể quy mô ngành nông nghiệp Hà Nội vẫn manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm chưa có nhiều thương hiệu trên thị trường, việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế, khả năng cạnh tranh thấp, vấn đề an toàn thực phẩm còn là nỗi lo của người tiêu dùng… Đây là những hạn chế, cũng là thách thức đối với nền nông nghiệp Hà Nội trong thời kỳ hội nhập kinh tế ngày càng sâu, rộng và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Song với sự theo dõi sát sao và những chủ trương, giải pháp kịp thời của lãnh đạo thành phố, ngành nông nghiệp Hà Nội đã gặt hái được nhiều kết quả, mang dấu ấn đậm nét của nông nghiệp đô thị.
- Vậy ông có thể điểm qua những nét nổi bật của nông nghiệp Hà Nội 6 tháng qua?
- Ngành nông nghiệp đã đạt được những dấu ấn đáng ghi nhận. Một là sức bật ngoạn mục của ngành hàng sản xuất nông sản. Hà Nội đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn có giá trị kinh tế cao, thu nhập và đời sống của nông dân ngày càng được cải thiện. Hai là, sản lượng lương thực tăng thêm trong trồng trọt. Ngoài thu hoạch nhanh gọn cây trồng vụ đông, Hà Nội đã gieo cấy gần 92.600ha lúa và trồng hơn 17.090ha rau màu vụ xuân cho năng suất vượt trội. Ba là, Hà Nội thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Năm nay, ngành chăn nuôi đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến bất lợi của thời tiết, nhưng nhìn chung, không xảy ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lở mồm long móng gia súc, lợn tai xanh, cúm gia cầm… Hà Nội duy trì ổn định tổng đàn gia súc, gia cầm với đàn bò thịt là 138.250 con, bò sữa 14.420 con (sản lượng sữa đạt 16.200 tấn), trâu 23.620 con, lợn gần 1.433.000 con... Có thể nói, đó là sự nhạy bén của Hà Nội khi phát huy ngành sản xuất có nhiều lợi thế, thế mạnh này. Bốn là, đã hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng, đáp ứng cơ bản nhu cầu của nhân dân Thủ đô.
- Như ông nói, nông thôn Hà Nội cũng có nhiều khởi sắc?
- Đúng vậy, chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt rất nhiều kết quả tích cực và trở thành phong trào sâu rộng, làm thay đổi bộ mặt nông thôn Hà Nội và cải thiện điều kiện sống của hàng triệu hộ dân.
Hình thành nhiều vùng chuyên canh
- Cùng với sự phát triển chung của Thủ đô, ngành nông nghiệp Hà Nội đã dần được cả nước biết đến với những thành tựu mới khi áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ông có thể cho biết về những chuyển dịch tích cực này?
- Nền nông nghiệp Hà Nội đã có những bước chuyển biến tích cực. Sản xuất nông nghiệp thời gian qua không chỉ chuyển động theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả, mà còn được ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Dựa trên cơ sở ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và phương thức sản xuất tiên tiến, sản xuất nông nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, từng bước khẳng định vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp, theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.
Đến nay, đã có hàng trăm đề tài, dự án nghiên cứu trực tiếp phục vụ phát triển “tam nông”. Kết quả nghiên cứu khoa học đã được áp dụng vào quy trình sản xuất một số giống cây ăn quả đặc sản, giống lúa lai năng suất cao cho vùng ngoại thành. Hà Nội đã triển khai thực hiện mô hình đồng bộ: Sản xuất rau an toàn, phòng chống dịch bệnh tổng hợp trong chăn nuôi bò thịt, bò sữa chất lượng hiệu quả, an toàn dịch bệnh. Nhiều cơ chế, chính sách được đề xuất đưa vào áp dụng cùng các giải pháp kỹ thuật, biện pháp quản lý cho hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân, doanh nghiệp phát huy tiềm năng.
- Ông có thể cho biết một số chương trình, đề án, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp đã đem lại hiệu quả?
- Ví dụ như, Hà Nội đã hình thành vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn ngoài khu dân cư. Đến nay đã phát triển được 76 xã chăn nuôi trọng điểm, bao gồm 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn, 29 xã chăn nuôi gia cầm và 3.232 trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Hà Nội đã lập 31 dự án xây dựng vùng rau an toàn tập trung với diện tích hơn 2.080ha, trong đó 10 dự án đã được phê duyệt đầu tư; giá trị sản xuất rau đạt 300-500 triệu đồng/ha/năm, trong đó có 1.200ha đạt 1 tỷ đồng/ha/năm.
Hà Nội trồng mới gần 600ha cây ăn quả gồm bưởi Diễn, nhãn chín muộn, chuối tiêu hồng, cam Canh tại các xã vùng đồi gò, ven Sông Đáy, Sông Hồng, Sông Đuống… Đặc biệt, năm nay, nhãn chín muộn Hà Nội đã được cấp mã vùng và sẽ thực hành chiếu xạ để xuất khẩu sang Nhật Bản, Malaysia. Đây là tín hiệu vui của ngành nông nghiệp Hà Nội trong năm nay. Chương trình phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao cũng thu nhiều kết quả đáng ghi nhận, đã xây dựng được 157 mô hình cánh đồng mẫu lớn tại 14 huyện với quy mô gần 24.500ha; chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản với diện tích 16.000ha, sản lượng cả năm ước đạt 75.000 tấn… Một dấu ấn trong bức tranh nông nghiệp của Hà Nội là hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa với diện tích hơn 76.890ha. Thông qua công tác dồn điền, đổi thửa, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đều được quy hoạch lại, cùng với đó là đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng. Cơ giới hóa đã và đang được các xã, HTX nông nghiệp và cá nhân đầu tư ở một số khâu như làm đất, gieo cấy và thu hoạch…
Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh, sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội, nhờ có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách, sản xuất nông nghiệp, hạ tầng nông thôn và đời sống nhân dân ngoại thành đã có những bước phát triển mới. Cụ thể về phát triển nông nghiệp, giá trị sản xuất tăng bình quân 2,4%/năm, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra.
Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2015 đạt 30.000 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm trước đó; cơ cấu sản xuất trồng trọt, lâm nghiệp chiếm 41,14%, chăn nuôi và thủy sản 55,89%, dịch vụ 2,97%. Giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp đạt 233 triệu đồng, tăng 44,6 triệu đồng so với năm 2011.
- Nông nghiệp Hà Nội vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài, điều này ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu tăng trưởng 3,5% - 4% của năm nay?
- Như tôi đã trao đổi ở trên, khó khăn, thách thức lớn nhất đặt ra cho nông nghiệp Hà Nội là cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch chậm, trồng trọt và sản xuất lương thực còn chiếm tỷ trọng lớn, chăn nuôi trong năm nay đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến, chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại còn ít; một số cây trồng không ổn định, thiếu tính bền vững... Những khó khăn này sẽ tác động trực tiếp tới tốc độ tăng trưởng chung toàn ngành, và Sở NN& PTNT đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cụ thể triển khai thực hiện trong 6 tháng cuối năm.
Đổi mới mô hình tăng trưởng
- Hà Nội xác định xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững, đâu là nhiệm vụ then chốt?
- Ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất, tạo được chuyển biến rõ rệt hơn trên thực tiễn. Để có thể cạnh tranh hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp. Lấy tổ chức lại sản xuất làm cơ sở, ứng dụng khoa học công nghệ làm đột phá, lấy thị trường làm tiền đề và mục tiêu, nông nghiệp Thủ đô sẽ tập trung tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết, làm cơ sở để thúc đẩy việc ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất và biến khoa học, công nghệ trở thành “chìa khóa vàng” cho sự phát triển bền vững.
Mặt khác, có thể nói, nông nghiệp Hà Nội có đặc thù rất riêng, nông nghiệp phát triển trong lòng Thủ đô. Do đó, nền nông nghiệp phải có tầm thế khác, phải là nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Phát triển nông nghiệp gắn với các khu đô thị sinh thái, hình thành các vùng chuyên canh tập trung. Nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên nhiều sản phẩm; khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nông nghiệp; phát triển mạnh công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao.
- Vậy đâu là khâu đột phá, thưa ông?
- Nông nghiệp có vai trò là nền tảng, thúc đẩy kinh tế phát triển ổn định. Để tạo hướng đi mới phát triển nông nghiệp Hà Nội, thành phố vừa phê duyệt chương trình “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP Hà Nội, giai đoạn 2016-2020” và kế hoạch “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp TP Hà Nội theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2016-2020”. Theo đó, Sở NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch số 24/SNN-KH về “Phát triển nông nghiệp, nông thôn 5 năm 2016-2020”, trong đó định hướng: Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại và theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái, góp phần tạo cảnh quan môi trường, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, hài hòa và bền vững môi trường, từng bước thích nghi với biến đổi khí hậu. Đồng thời hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh, các vành đai xanh, các tuyến nông nghiệp sinh thái và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
- Ông có thể khái quát những nhiệm vụ trước mắt?
- Để sản xuất nông nghiệp tập trung cần thành lập các HTX kiểu mới, nông dân có đất là các xã viên, cùng liên kết tạo thành vùng sản xuất. Đặc biệt, muốn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi vào thực tế, phải có sự tham gia của doanh nghiệp. Bài toán nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội là phải khâu nối được hai thành phần, nông dân tham gia cổ phần bằng cách góp đất, doanh nghiệp đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ đầu ra... Lợi nhuận được chia theo tỷ lệ đóng góp và sức lao động của các cổ đông.
Từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn đi khảo sát, chọn điểm, chọn vùng để triển khai các mô hình điểm về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ góp phần rất lớn trong việc kiểm soát tận gốc vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.