(HNM) - Tại buổi tọa đàm công tác dân vận trong thu hồi đất, GPMB, đền bù tái định cư (TĐC) do Thành ủy tổ chức hôm qua (22-9), kinh nghiệm dân vận của Hà Nội được đánh giá cao, đóng góp thiết thực cho đề tài cấp Nhà nước về
Mỗi năm, TP Hà Nội có hơn 1.000 dự án cần GPMB, tác động tới 30-40 vạn tổ chức, gia đình và cá nhân. Trong khi đó, cơ chế, chính sách của Nhà nước về lĩnh vực này còn bất cập, thiếu đồng bộ, đặc biệt sau khi mở rộng địa giới hành chính, chính sách của 4 địa phương Hà Nội, Hà Tây, Hòa Bình, Vĩnh Phúc có sự khác nhau. Chưa kể, những tồn tại trước đó cần phải giải quyết khiến cho công tác GPMB đã khó lại càng khó hơn.
Đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa sạch đẹp, nhờ giải quyết thành công công tác GPMB. Ảnh: Phương An
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái cho biết, cùng với củng cố, vận hành bộ máy mới sau hợp nhất, TP đã soát và thống nhất chế độ, chính sách liên quan đến đền bù, GPMB của bốn địa phương; mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách về GPMB cho người dân. Một quy trình GPMB ''mẫu'' hình thành và được triển khai đồng bộ ở các cấp theo nguyên tắc "Dân chủ - công khai - công bằng - đúng luật".
Trước tiên là công khai quy hoạch, dự án, chính sách đền bù; sau đó thông báo đối tượng, thời gian thu hồi; tổ chức đối thoại giải đáp thắc mắc của người dân; thông tin quá trình thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng và nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện... GPMB đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị, là tâm điểm của các giao ban chuyên đề giữa Thành ủy với các quận, huyện, sở, ngành nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những vướng mắc, phát sinh. Hà Nội còn mạnh dạn áp dụng khung đền bù cao nhất theo quy định của Chính phủ (1 triệu đồng/m2) nhằm bảo đảm lợi ích của người dân và đẩy mạnh phân cấp cho quận, huyện, tăng tính chủ động trong GPMB. Tuy nhiên, theo Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Phạm Sơn, một số cơ chế, chính sách về bồi thường, hỗ trợ, TĐC chưa thống nhất theo hiến pháp và pháp luật, nhất là quan điểm, cách hiểu về quyền sở hữu và quyền sử dụng đối với đất đai. Văn bản dưới luật hiện hành và cơ chế, chính sách về thu hồi đất GPMB chưa đầy đủ nên khi TP triển khai còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Vấn đề hậu GPMB đối với người dân cũng còn một số tồn tại. Khảo sát tại huyện Thanh Trì và nhiều huyện ngoại thành, hầu hết người dân sử dụng số tiền lớn được đền bù GPMB vào mục đích xây nhà, mua xe máy... Trong tương lai gần, số tiền cạn kiệt, không còn đất canh tác, cuộc sống người dân được tiên liệu là khó khăn. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho rằng, nên thành lập quỹ GPMB giúp người dân sử dụng hiệu quả số tiền này. Thay vì trả hết cho người dân, Nhà nước, TP nên giữ lại 2/3 số tiền chuyển vào quỹ, hằng tháng trả lãi cho người dân theo lãi suất ngân hàng. Từ năm 2009 đến nay, TP Hà Nội đã hoàn thành 1.056 dự án có GPMB, với diện thu hồi 5.416ha; bồi thường, hỗ trợ cho 108.794 hộ đã bàn giao mặt bằng là hơn 26.479 tỷ đồng; bố trí tái định cư cho 7.342 hộ. Riêng những tháng đầu năm 2011, TP đã hoàn thành GPMB 131/1.000 dự án, với diện tích 943ha đất, chi trả hơn 8.316 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ cho 19.587 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và bố trí tái định cư cho 650 hộ. 25 quận, huyện đã xây dựng kế hoạch cưỡng chế, nhưng trước đó, người dân đã tự nguyện tháo dỡ công trình để bàn giao mặt bằng, đơn cử như dự án cầu Phù Đổng, dự án Văn Cao - Hồ Tây...
Đánh giá cao kết quả GPMB của Hà Nội, Phó Trưởng ban Dân vận TƯ Nguyễn Duy Việt khẳng định, cách làm sáng tạo cũng như những kiến nghị của TP sẽ được Ban Dân vận TƯ tổng hợp, tham mưu cho TƯ Đảng để nhân rộng những cách làm hay, khắc phục hạn chế, yếu kém, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận nói chung, trong lĩnh vực GPMB nói riêng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.