(HNM) - Số điện thoại, thậm chí nhiều thông tin cá nhân khác như tên, địa chỉ, nghề nghiệp được rao bán công khai.
Đây không phải là trường hợp hy hữu mà gần như ngày nào các thuê bao di động, nhất là thuê bao có số đẹp, đều nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn quảng cáo, nhiều nhất là mời mua bất động sản, tiếp đến là dịch vụ tài chính, mở thẻ tín dụng…
Một câu hỏi đặt ra là tại sao các doanh nghiệp lại có số điện thoại cá nhân để gọi, mời? Câu trả lời rất đơn giản: số điện thoại, thậm chí nhiều thông tin cá nhân khác như tên, địa chỉ, nghề nghiệp được rao bán công khai. Thực tế, bằng thao tác đơn giản trên máy tính, sẽ có hàng trăm địa chỉ rao bán danh sách điện thoại khách hàng tiềm năng, được phân thành từng nhóm: bảo hiểm, ngân hàng, khách hàng sở hữu xe tay ga, doanh nghiệp, giám đốc doanh nghiệp mới thành lập, chủ sở hữu căn hộ dự án bất động sản Hà Nội, khách hàng sở hữu thẻ VIP khách sạn, thậm chí cả danh sách các bà mẹ đang mua sữa cho con…
Theo quy định, thuê bao điện thoại nhận được tin nhắn không mong muốn, hay còn gọi là tin nhắn "rác", thì chủ thuê bao có quyền khiếu nại, yêu cầu bồi thường. Bên phát tán tin nhắn "rác" có thể bị phạt tiền lên tới hàng chục triệu đồng. Còn trường hợp mua bán thông tin cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật, bị nghiêm cấm. Quy định đã rõ ràng, nhưng vì sao những hành vi này không bị xử lý?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.