Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công khai, minh bạch thông tin

Ánh Minh| 15/05/2021 21:59

(HNNN) - Phải làm gì để góp phần ngăn chặn việc đẩy giá đất, gây “sốt ảo” ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội địa phương? Đó luôn là câu hỏi được lãnh đạo các huyện ngoại thành đặc biệt quan tâm. Hà Nội Ngày nay giới thiệu ý kiến một số lãnh đạo địa phương về vấn đề này.

Một khu đấu giá đất ở huyện Đông Anh. Ảnh: Đức Nguyễn

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh:
Công tác quy hoạch được công khai, minh bạch

Là đầu mối giao thông thuận lợi nối liền Hà Nội với các vùng công nghiệp, các khu trung tâm kinh tế, dịch vụ lớn phía Bắc và Đông Bắc của nước ta bởi QL2, QL3, QL18 cùng tuyến đường sắt đi các tỉnh phía Bắc và đường thủy, Đông Anh có nhiều ưu thế về vị trí, tiềm năng và thế mạnh để phát triển kinh tế. Đặc biệt, với định hướng phát triển thành quận và những dự án lớn được triển khai trên địa bàn, Đông Anh càng có lợi thế trong việc thu hút đầu tư từ các nguồn lực trong và ngoài nước. Vì thế, đã có khoảng ít nhà đầu tư có tâm lý mua gom đất ven sông, ruộng vườn, đón chờ quy hoạch. Các nhà đầu tư, các trung tâm môi giới tận dụng thông tin quy hoạch để nâng giá bán.

Trước tình hình đó, UBND huyện đã triển khai lập các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu dân cư các thôn trên địa bàn các xã và công khai tại trụ sở các thôn để xin ý kiến góp ý cộng đồng khu dân cư đồng thời để công tác quy hoạch đều được công khai, minh bạch. Huyện cũng đã chỉ đạo các phòng, ban tuyên truyền đến người dân, tránh để nhà môi giới “đẩy” giá đất, gây bất ổn cho thị trường bất động sản. Chính vì thế, người dân cần chắt lọc thông tin, nắm chắc thông tin để đi đến quyết định cuối cùng trước khi giao dịch.

Ông Đỗ Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì:
Người dân cần tiếp cận thông tin chính thống

Trước tình trạng mua, bán, nhận chuyển nhượng đất đai chưa đúng quy định, giá đất tại một số khu vực tăng đột biến, nguy cơ tạo ra các cơn sốt ảo về thị trường bất động sản, gây khó khăn cho công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, làm ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực kêu gọi đầu tư, UBND huyện Ba Vì đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn khẩn trương đẩy nhanh tiến độ rà soát, thực hiện lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích... Các ngành chức năng liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, có văn bản hướng dẫn về chuyên môn, cung cấp thông tin về quy hoạch, dự án đầu tư... cho UBND xã, thị trấn theo dõi, nắm bắt tình hình để xử lý kịp thời các vướng mắc, bất cập.

UBND huyện cũng chỉ đạo các ngành chức năng liên quan kịp thời phát hiện và xử lý hoạt động tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến thị trường, đặc biệt là những tin tức dẫn đến “sốt” đất, gây bất ổn ở địa phương; kiểm soát tình trạng giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản; quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về đất đai; xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật... Huyện công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch để người dân tiếp cận thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính; có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Ông Phạm Quang Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai:
Triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh

Tại thời điểm diễn ra hiện tượng sốt đất vừa qua, một số nhà đầu tư, người môi giới bất động sản lợi dụng thông tin về quy hoạch, nâng cấp hệ thống hạ tầng và việc triển khai các dự án tại địa phương... để tung tin đồn thổi, mua đi bán lại bất động sản, lôi kéo người dân tham gia vào các giao dịch bất động sản mờ ám, gây nhiễu loạn nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để trục lợi.

Chính vì thế, UBND huyện Quốc Oai đã sớm yêu cầu các cơ quan có liên quan, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 11/CT - TTg ngày 23-4-2019 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Cụ thể, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến trên cổng thông tin điện tử của huyện cũng như qua đài phát thanh các xã, thị trấn để các tổ chức, cá nhân nắm được tình hình thị trường bất động sản tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn, đầu cơ nhằm nâng giá để trục lợi.

Phòng Quản lý đô thị của huyện cũng chủ trì, phối hợp với UBND các xã tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng... tại địa phương để minh bạch hóa thông tin. Phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện phối hợp với các đơn vị có liên quan, UBND các xã, thị trấn rà soát quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội; tăng cường công tác kiểm tra kế hoạch sử dụng đất, việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Cùng với đó, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị của huyện còn phối hợp với các đơn vị có liên quan, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra, có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, xu hướng đầu tư theo tâm lý đám đông..., qua đó gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh - trật tự xã hội tại địa phương và đời sống người dân. Cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản trái phép cũng như hiện tượng buông lỏng công tác quản lý...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công khai, minh bạch thông tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.