(HNM) - Honna Tetsuji, một cái tên người Nhật nhưng đã rất gần gũi với người yêu nhạc Thủ đô bởi ông là Giám đốc âm nhạc và chỉ huy chính của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam (DNGHVN), đã dàn dựng và chỉ huy gần 100 chương trình với khoảng 200 đêm diễn. Ông đã có cuộc trò chuyện thân tình với Hànộimới.
- Thưa ông, cơ duyên nào đã khiến ông làm việc ở DNGHVN và gắn bó với Hà Nội lâu như vậy?
- Khi sang Việt Nam và có cuộc gặp gỡ với DNGHVN, dàn nhạc đã đề nghị tôi cố vấn âm nhạc và xây dựng lộ trình nâng cấp dàn nhạc. Với tình yêu nghề, tôi thấy mình có trách nhiệm phải đưa DNGHVN lên tầm cao mới. Vì thế, chúng tôi đã đặt ra mục tiêu phải đưa DNGHVN lên tầm khu vực vào năm 2005, lên tầm quốc tế vào năm 2010. Tất nhiên, một mình tôi không thể làm được, vậy nên tôi đã nhờ các bạn nghệ sỹ của tôi ở nhiều nước khác nhau cùng tới giúp.
Đến nay, DNGHVN tuy chưa đạt được trình độ quốc tế, nhưng đã có những bước tiến rất rõ rệt.
- Có thể thấy, DNGHVN ngày càng có nhiều chương trình biểu diễn giới thiệu một cách hệ thống các tác giả âm nhạc cổ điển, được công chúng nhiệt tình đón nhận. Vậy ông có thể cho biết, các chương trình đó được xây dựng theo tiêu chí nào?
- Trong nền âm nhạc giao hưởng thế giới, có rất nhiều tác giả tuyệt vời với những phong cách âm nhạc đại diện cho nhiều trường phái âm nhạc khác nhau, chẳng hạn như trường phái âm nhạc Baroque, Cổ điển, Lãng mạn, Hậu lãng mạn, Ấn tượng, Hiện đại, Đương đại... Với mục tiêu nâng cấp chất lượng biểu diễn của DNGHVN, chúng tôi đã xây dựng các chương trình biểu diễn theo cách mà các dàn nhạc giao hưởng chuyên nghiệp trên thế giới thường làm. Đó là lựa chọn ra các chùm âm nhạc giao hưởng (Cycles) với những tác phẩm của 3 nhà soạn nhạc lớn Wolfgang Amadeus Mozart, Luwig van Beethoven và Gustav Mahler. Đây là những tác giả có vai trò rất quan trọng trong nền âm nhạc giao hưởng thế giới, tác phẩm của họ đều là những tác phẩm đỉnh cao, đòi hỏi trình độ và kỹ năng biểu diễn rất chuyên nghiệp.
Về chùm âm nhạc Mozart, chúng tôi đã biểu diễn từ 2006 và biểu diễn liên tục trong vòng hai năm với các bản nhạc bất hủ như Concerto cho Piano, Violin, Flute, Horn, Oboe, Fagot...
Về chùm âm nhạc Beethoven, chúng tôi bắt đầu trình diễn từ năm 2009 và dự kiến sẽ trình diễn toàn bộ 9 bản giao hưởng của ông trong vòng 3 năm cùng với một số bản concerto cho Piano, Violin, Concert 3 đàn (Triple concerto)... theo thứ tự. Năm nay, Jonas Alber người Đức sẽ chỉ huy giao hưởng số 8, biểu diễn ngày 13 và 14-10, còn tôi sẽ chỉ huy giao hưởng số 9 vào ngày 8 và 9-12.
Chùm âm nhạc Mahler có 9 bản giao hưởng, trong đó, bản số 10 chỉ có 1 chương Adagio và một bản giao hưởng nữa không được đánh số có tiêu đề là Das Lied von der Erde. Chúng tôi bắt đầu chùm âm nhạc Mahler từ năm 2007. Việc trình diễn tác phẩm của Mahler không những làm cho các nhạc công trưởng thành, mà còn giúp cho những người tham gia khâu chuẩn bị, tổ chức cũng trưởng thành và hoàn thiện hơn.
- Xin ông cho biết, sắp tới DNGHVN sẽ biểu diễn những tác phẩm của những tác giả nào?
- Chúng tôi dự định sẽ biểu diễn các tác phẩm của Richard Strauss và Igor Stravinsky. DNGHVN đã biểu diễn hai tác phẩm của Stravinsky là Chim lửa và Petruska. Dự định năm 2013 sẽ chơi Le Sacre du printempo (Mùa xuân vĩnh cửu) và những chùm nhạc nhỏ của Joseph Haydn.
- Ông có tham gia giảng dạy cho sinh viên Việt Nam không?
- Năm 2004 tôi có tham gia một dự án Master Class, tôi đã hướng dẫn một lớp chỉ huy trẻ.
- Ông có khó khăn gì trong công việc ở đây không?
- Cơ bản nhất là có sự khác biệt về văn hóa. Thỉnh thoảng cũng có sự bất đồng ý kiến, nhưng chúng tôi cố gắng thảo luận để đi đến thống nhất. Cũng có đôi lúc chúng tôi không tìm ra tiếng nói chung, tôi biết như vậy thì cả tôi và các bạn Việt Nam đều mệt mỏi. Nhưng hơn tất thảy, chúng tôi đang cố gắng vì DNGHVN, đưa dàn nhạc phát triển ngang tầm khu vực và quốc tế, đó là điều khiến tôi hạnh phúc nhất.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.