(HNM) - Giáo sư, Viện sĩ (GS-VS) Phạm Song, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực phòng chống bệnh truyền nhiễm của Việt Nam. Những công trình nghiên cứu khoa học của ông có giá trị rất lớn đối với nền y học nước nhà.
Cả cuộc đời ông đã sống và cống hiến hết mình vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trước khi ra đi (ngày 8-11 vừa qua) ông vẫn kịp đóng góp những ý kiến tâm huyết của mình tại Hội nghị tổng kết dự án nghiên cứu hệ thống y tế do Trường ĐH Y Hà Nội tổ chức.
GS-VS Phạm Song sinh năm 1931, tại xã Sơn Long, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Năm 1982, ông làm Giám đốc BV Hữu nghị Việt - Xô. Năm 1984, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Truyền nhiễm (Trường Đại học Y Hà Nội). Từ năm 1988 đến năm 1992, ông là Bộ trưởng Bộ Y tế. Trước khi mất, ông giữ chức Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam. Từ nhận thức rằng, khoa học trong ngành y tế không chỉ xây dựng trên lý thuyết mà đòi hỏi phải có thực tiễn bệnh học GS-VS Phạm Song đã tập trung triển khai thành công nhiều đề tài khoa học có tính ứng dụng cao. Năm 1988, trước việc Việt Nam cùng một số nước trên thế giới có nhiều người bị bệnh sốt rét Plasmodium falciparum kháng thuốc, ông đã cùng với các đồng nghiệp đưa cây thanh hao hoa vàng vào chiết xuất ra Artesiminin và các dẫn xuất có tác dụng ngăn ngừa sốt rét. 9 năm sau đó, Tổ chức Y tế thế giới đã công nhận và chọn Artesiminin là dược phẩm hàng đầu để điều trị sốt rét do Plasmodium falciparum kháng thuốc. Công trình này của ông và các đồng nghiệp đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ năm 2000.
Ngoài những công trình nghiên cứu khoa học ứng dụng thực tiễn, ông còn viết rất nhiều sách về các lĩnh vực như phòng chống HIV/AIDS, bệnh viêm gan virut, y tế cộng đồng, dân số kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản, nước sạch và vệ sinh môi trường… Ông đã cùng các nhà khoa học đầu ngành, các cán bộ cục, vụ, của Bộ Y tế biên soạn Từ điển Bách khoa y học, soạn thảo dự án Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân và soạn thảo Chiến lược bảo vệ sức khỏe nhân dân 1990-2000 dưới dạng Chương trình mục tiêu quốc gia cấp nhà nước. Đây là dấu son về đổi mới phương thức hành động theo khoa học y tế công cộng của nước ta.
Không chỉ là nhà khoa học tài năng, ông còn có tầm nhìn chiến lược trong việc phát triển hệ thống y tế thể hiện qua việc đề xuất thành lập Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới. Ông cho rằng Việt Nam là nước có khí hậu nóng, ẩm, nhiệt đới gió mùa nên dễ bùng phát các loại bệnh truyền nhiễm nhiệt đới. Sau ý kiến của ông, Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới được thành lập đã góp phần rất quan trọng vào việc phòng chống nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ngay từ khi Việt Nam chưa có ca nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, ông đã đề nghị thành lập Ủy ban Quốc gia phòng chống HIV/AIDS. Ông còn tham gia vận động thành lập nhiều đơn vị y tế quan trọng khác như Viện Tim mạch, Viện Tâm thần học, Khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Bạch Mai)…
Với những đóng góp tích cực trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, ông đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì. Ông còn được phong danh hiệu Thầy thuốc nhân dân đợt đầu tiên, được công nhận chức danh Giáo sư năm 1991, Viện sĩ y học Liên bang Nga về hệ thống và biện chứng năm 2000 và Viện Tiểu sử Hoa Kỳ tặng danh hiệu Nhà khoa học tiêu biểu 2006 do cống hiến trọn đời cho y học.
Hôm nay, ông về cõi vĩnh hằng nhưng những cống hiến của ông sẽ còn mãi với nền y học nước nhà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.