Tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa VIII (12-1997), đồng chí Lê Khả Phiêu được bầu làm Tổng Bí thư của Ðảng.
Hơn ba năm trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã cùng với Trung ương, Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ Chính trị và Chính phủ lãnh đạo đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập, chủ quyền của đất nước và an ninh quốc gia, với những thành tựu nổi bật.
Năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở khu vực Ðông Nam Á và châu Á đã tác động xấu đến nền kinh tế của nhiều nước. Cuộc khủng hoảng đó cũng ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Tổng Bí thư cùng Bộ Chính trị và Chính phủ đã đề ra những chủ trương và giải pháp mạnh mẽ, có hiệu quả để hạn chế những tác động tiêu cực từ bên ngoài trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, ngăn chặn sự suy thoái của nền kinh tế. Trong khi kinh tế nhiều nước suy giảm trầm trọng, Việt Nam vẫn giữ được ổn định kinh tế và năm 1998 mức tăng trưởng tuy có suy giảm vẫn đạt GDP 4,8%. Từ năm 1999, mức tăng trưởng tăng trở lại. Việt Nam đã thành công khi vượt qua khủng hoảng tài chính, tiền tệ và kinh tế của khu vực giai đoạn 1997 - 2000.
Sự nghiệp đổi mới có nhiều thành công nhưng cũng đã bộc lộ không ít khó khăn, bất cập. Năm 1997 đã xảy ra điểm nóng, sự bất ổn ở tỉnh Thái Bình. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Bộ Chính trị đã chỉ đạo kiên quyết và kịp thời, lập tổ công tác đặc biệt của Thường vụ Bộ Chính trị về Thái Bình trực tiếp giải quyết và đã ổn định được tình hình, củng cố sự lãnh đạo của Ðảng, tạo được sự đoàn kết, đồng thuận của nhân dân. Sự kiện Thái Bình để lại nhiều bài học, trong đó có bài học về xây dựng Ðảng, hệ thống chính trị và mối quan hệ giữa Ðảng và nhân dân. Tổng Bí thư thấy rõ sự cần thiết phải ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở (năm 1998).
Năm 2001, xảy ra bạo loạn ở Tây Nguyên. Tổng Bí thư cùng Bộ Chính trị đã kiên quyết và kịp thời chỉ đạo không để các thế lực thù địch, phản động thực hiện được ý đồ đen tối; vận động, giải thích cho nhân dân. Sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Ðảng và Tổng Bí thư đã nhanh chóng làm thất bại cuộc bạo loạn, ổn định tình hình và giữ vững, củng cố an ninh chính trị ở Tây Nguyên và cả nước.
Một cống hiến nổi bật của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Với tầm nhìn chiến lược, trách nhiệm đối với Ðảng, với dân, đồng chí đã nhiều lần nêu vấn đề trong Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ Chính trị và Trung ương và đã quyết định ban hành Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Ðảng hiện nay (tháng 2-1999). Ðó là nghị quyết rất quan trọng về xây dựng Ðảng với 10 nhiệm vụ được đề ra. Ðó là những vấn đề căn cốt nhất trong xây dựng Ðảng Cộng sản cầm quyền.
Ðồng chí Tổng Bí thư và Bộ Chính trị đã chỉ đạo chặt chẽ để thực hiện Nghị quyết, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) và đã mang lại kết quả bước đầu rất quan trọng. Ðiều nhấn mạnh trong Nghị quyết là tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, rèn luyện phẩm chất, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên. Xây dựng Ðảng gắn liền với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện Di chúc của Bác Hồ. Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh việc học và làm theo tấm gương của Bác Hồ là nhiệm vụ thường xuyên, thực hiện nghiêm túc, có nền nếp của từng tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên.
Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII đã được thực hiện nghiêm túc, nhất là tập trung chỉ đạo đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu có hiệu quả. Các cấp ủy Đảng và người đứng đầu các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở phải chịu trách nhiệm chống tham nhũng ở nơi mình phụ trách; không ngừng hoàn thiện các chính sách, pháp luật, trước hết là về quản lý ngân sách, quản lý tài sản doanh nghiệp, quản lý đất đai nhằm phát huy mặt tích cực, hạn chế tiêu cực.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn luôn nhắc nhở trách nhiệm của người đứng đầu trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát công việc và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ có chức vụ, quyền hạn. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chú trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, không để những phần tử cơ hội, hư hỏng, thoái hóa trong các cơ quan của Ðảng và Nhà nước ở tất cả các cấp. Coi trọng ngăn chặn bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII đã cảnh báo.
Nội dung Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII có ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với công tác xây dựng Ðảng và thực hiện vai trò lãnh đạo của Ðảng. Sau này, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã kế thừa và phát triển từ Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2). Quan điểm cơ bản vẫn là: Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, nhấn mạnh xây là nhiệm vụ cơ bản chiến lược lâu dài, bồi đắp lý tưởng cộng sản, mục tiêu của sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Ðảng, xây dựng phẩm chất, đạo đức của người cộng sản, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo cao cấp. Chống là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, nhất là hiện nay phải chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Phải tập trung chống tham nhũng có hiệu quả. Năm 1999 phải thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) do Tổng Bí thư trực tiếp chỉ đạo. Hiện nay có vai trò của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu. Ðiều đó cho thấy tính bức thiết trong xây dựng Ðảng là phải quyết tâm và cương quyết chống suy thoái, tiêu cực, tham nhũng trong Ðảng và bộ máy Nhà nước. Cần thiết phải nhắc lại nhận định trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là những khuyết điểm, tiêu cực trong xây dựng Ðảng, của một bộ phận cán bộ, đảng viên “làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Ðảng, làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Ðảng và chế độ”.
Trên mặt trận ngoại giao và hội nhập quốc tế, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có cống hiến rất quan trọng. Ðồng chí cùng Bộ Chính trị lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ chú trọng củng cố quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng có chung biên giới, đồng thời mở rộng quan hệ với các nước khác ở các châu lục với quan điểm Việt Nam là bạn của các nước trên thế giới.
Ngày 5-3-1998, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Ngày 25-2-1999 thăm chính thức Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Ngày 9-6-1999, thăm chính thức Vương quốc Campuchia. Ngày 7-7-1999 thăm Cuba. Ngày 21-5-2000, Tổng Bí thư thăm Pháp, Italia và Ủy ban châu Âu. Tổng Bí thư đã lãnh đạo đẩy mạnh đàm phán và đã đi đến sự kiện ngày 30-12-1999, Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp định biên giới trên bộ giữa hai nước.
Với cương vị Tổng Bí thư của Ðảng ở thời điểm những năm cuối cùng của thế kỷ XX, chuyển sang thế kỷ XXI và chuẩn bị Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Ðảng, đồng chí Lê Khả Phiêu đã cùng Bộ Chính trị lãnh đạo tổng kết 70 năm Ðảng lãnh đạo cách mạng (3/2/1930 - 3/2/2000), tổng kết cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX và trải qua 15 năm đổi mới. Những tổng kết rất quan trọng đó có ý nghĩa lý luận, thực tiễn khẳng định vị thế của đất nước, gắn liền với vai trò và sự chỉ đạo chặt chẽ, có bài bản của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Văn kiện Ðại hội IX của Ðảng (tháng 4-2001) đã thể hiện rõ sự tổng kết quan trọng đó.
Với bài viết ngắn ngủi này không thể nói hết được cống hiến của đồng chí Lê Khả Phiêu trên cương vị Tổng Bí thư của Ðảng (12/1997 - 4/2001), hy vọng hiểu thêm sự nghiệp lớn lao của đồng chí và cũng là bày tỏ sự biết ơn, tôn kính đối với một nhà lãnh đạo giản dị, khiêm nhường, bản lĩnh và quyết đoán, vì nước, vì dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.