Là đơn vị của thành phố trong công tác chăm sóc, phục vụ người có công, Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội luôn được ghi nhận và đánh giá cao vì hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trong thành công ấy, có vai trò quan trọng của ông Chu Đình Điệp, Giám đốc Trung tâm, cựu quân y sĩ.
Không phải ngẫu nhiên Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội (168 phố Thanh Bình, phường Mộ Lao, quận Hà Đông) luôn được đánh giá là một trong các đơn vị hàng đầu của thành phố trong công tác chăm sóc, phục vụ người có công. Từng nhiều lần đến điều dưỡng tại trung tâm, ông Đặng Văn Đạo, sinh năm 1954 (Đông Hội, Đông Anh) chia sẻ: “Điều tôi ấn tượng nhất, đó là đi điều dưỡng ở trung tâm nhưng lại cảm nhận được tình cảm từ từng lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, không khác gì được con cháu ruột thịt chăm sóc. Từng việc nhỏ tôi đều cảm nhận được sự chân thành, chu đáo”.
Còn ông Hoàng Xuân Trường, sinh năm 1950 (Xuân Canh, Đông Anh) thì bày tỏ: “Sự chăm sóc nhiệt tình về cả vật chất và tinh thần của lãnh đạo trung tâm thực sự khiến các thương bệnh binh như chúng tôi cảm động. Lần nào đến điều dưỡng tại đây, chúng tôi cũng được thưởng thức chương trình văn nghệ ngoài trời đặc sắc, được chuẩn bị kỹ lưỡng từ sân khấu, âm nhạc, loa, đài, ánh sáng. Có những ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn như chuyên nghiệp, nhiều tiết mục do chính giám đốc đạo diễn. Đây là một trung tâm điều dưỡng thuộc diện tốt nhất, trong đó, không thể không nhắc đến vai trò của Giám đốc Chu Đình Điệp”.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội Chu Đình Điệp chia sẻ: "Với quy mô gần 8.000m2 ở trung tâm quận Hà Đông, công suất phục vụ 200 người có công mỗi đợt, chúng tôi phải tính toán kỹ lưỡng từng khâu trong công tác nuôi dưỡng, điều dưỡng, bảo đảm các điều kiện tốt nhất. Năm 2023, Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội được giao chỉ tiêu chăm sóc 3.700 lượt người có công. Công việc bận rộn, trong khi đó, định biên của đơn vị chỉ 62 người, thu nhập chỉ có lương theo ngạch bậc, thế nhưng tập thể lãnh đạo, nhân viên trung tâm luôn hoàn thành tốt nhờ lòng yêu nghề, kính trọng, tri ân người có công".
Ông Chu Đình Điệp đã có 44 năm công tác, trong đó có 7 năm vừa học, vừa công tác trong quân đội, là bộ đội quân y phục vụ chiến trường Tây Nam. Sau khi ra quân, ông về công tác tại Làng trẻ em Birla Hà Nội và có đến 30 năm gắn bó với trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nơi đây. Ông Chu Đình Điệp tâm sự: “Cuộc đời của tôi có được điều lớn nhất, ấy là 30 năm nuôi trẻ mồ côi đầy ắp kỷ niệm với hàng nghìn cháu nhỏ, cháu nào cũng có hoàn cảnh đặc biệt.
Trong đó, có những cháu giờ rất thành đạt, lại quay trở lại giúp đỡ các em nhỏ mồ côi ở làng. Tôi cũng có những mối thâm tình với nhiều tổ chức, cá nhân có tấm lòng thiện nguyện trong thời gian này, họ tin và trân trọng mình, nên khi tôi chuyển sang công tác chăm sóc người có công, họ sẵn sàng đồng hành cùng tôi trong việc hỗ trợ tặng quà cho các thương bệnh binh, giúp các cụ, các bác có thêm niềm vui khi đến với trung tâm”.
Sáu năm gần đây gắn bó với Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội, với phong cách sống giản dị, nghiêm túc trong công việc nhưng luôn gần gũi, chia sẻ với cán bộ, nhân viên, phần thưởng lớn với ông Chu Đình Điệp chính là sự tôn trọng, yêu mến của đồng nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Với mỗi thương bệnh binh, người có công đến với trung tâm, ông Chu Đình Điệp đều trực tiếp đón tiếp, quan tâm hỏi han để nắm rõ tình hình của từng người, từ ngày sinh nhật, cho đến đặc thù về tâm lý, tình trạng sức khỏe. Không chỉ bảo đảm trọn vẹn chế độ điều dưỡng đối với người có công, mọi thông tin chế độ chính sách công khai, rành mạch, ông còn huy động thêm nguồn lực xã hội hóa tặng quà sinh nhật, tạo thêm niềm vui cho các cụ. Có được người đứng đầu có tâm, có tầm, nên từng cán bộ, nhân viên trung tâm đều nỗ lực làm việc thật tốt, không nề hà khó khăn”.
Trong câu chuyện của mình, ông Chu Đình Điệp không nói nhiều về những khó khăn trải qua, cựu quân y sĩ, người lính Bộ đội Cụ Hồ chỉ chia sẻ giản dị: "Được nuôi trẻ mồ côi, chăm sóc thương bệnh binh, các cụ người có công, tôi thấy cuộc đời mình có nhiều ý nghĩa”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.