Cộng đồng quốc tế tiếp tục bày tỏ quan ngại và lên án những hành vi ngang ngược, hung hãn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel. (Ảnh: Vietnamnet) |
Trả lời các câu hỏi của báo chí liên quan đến vụ Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam ở Biển Đông, ngày 8/5, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã tái khẳng định quan điểm của Mỹ như người phát ngôn Nhà Trắng đã tuyên bố trước đó.
Theo đó, ông nhấn mạnh quan điểm rõ ràng của Mỹ đối với nguyên tắc tự do hàng hải, thương mại hợp pháp và điều vô cùng quan trọng là các bên liên quan phải kiềm chế. Nền kinh tế toàn cầu và khu vực quá quan trọng và mong manh để có thể đối phó với một cuộc khủng hoảng có thể gia tăng thành xung đột. “Vì vậy, tôi thúc giục các quốc gia trong khu vực kiềm chế các động thái có thể đe dọa hòa bình và gia tăng căng thẳng… Washington mạnh mẽ tin tưởng rằng, những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cần được giải quyết thông qua con đường ngoại giao và tuân thủ luật pháp quốc tế” – ông Daniel Russel nói.
Ông Russel khẳng định, Mỹ không thiên vị bất cứ bên nào trong tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, Mỹ rất quan ngại về bất cứ hành vi nguy hiểm nào trên biển, và phản đối bất cứ động thái hăm dọa nào của các tàu, đặc biệt là ở những vùng biển đang tranh chấp. “Đó là lý do chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh thông điệp phải sử dụng các biện pháp hòa bình, các kênh ngoại giao và cả các phương tiện truyền thông, cũng như mỗi bên cần cẩn trọng, kiềm chế”, quan chức ngoại giao trên khẳng định.
Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki tiếp tục mạnh mẽ lên án Trung Quốc vì có những hành vi làm gia tăng căng thẳng tại vùng biển đang xảy ra tranh chấp. Phản ứng trước những thông tin về các vụ va chạm gần đây giữa tàu Trung Quốc và tàu Việt Nam trên Biển Đông, bà Psaki cho rằng, Trung Quốc đang thực hiện các hành vi gây hấn, đơn phương và theo đuổi lối hành xử “nguy hiểm, mang tính chất đe dọa”. Qua đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi tất cả các bên liên quan cần hợp tác để giảm căng thẳng trong khu vực. “Việt Nam và Trung Quốc cần giải quyết mọi bất đồng thông qua đối thoại”, bà Psaki nhấn mạnh.
Ngày 8/5, tờ Manila Bullettin của Philippines có bài viết kêu gọi tinh thần đoàn kết của các nước ASEAN trước các hành vi nguy hiểm của Trung Quốc. Bài viết nêu rõ, trong những ngày gần đây, dư luận trong và ngoài khu vực đang lưu tâm đặc biệt tới việc Trung Quốc bất ngờ hạ đặt giàn khoan khổng lồ HD 981 tại khu vực thuộc Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bài viết dẫn nhận định của một số nhà quan sát cho rằng, đây rõ ràng là một hành vi “khiêu khích”, một sự vi phạm rõ ràng những lợi ích kinh tế, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam – dựa trên tinh thần của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Tờ báo trên cho rằng, những động thái gần đây của Trung Quốc cho thấy chính quyền Bắc Kinh đang “tăng cường” hiện thực hóa mưu đồ giành quyền kiểm soát toàn bộ Biển Đông và thiết lập “đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn” ở vùng biển này, bất chấp thái độ lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Những hành động mới nhất của Trung Quốc chỉ là một trong số những “hành vi gây hấn” nhằm leo thang căng thẳng tình hình trong khu vực trong một vài năm trở lại đây, điển hình như việc Trung Quốc đã triển khai hàng trăm tàu cá hoạt động trái phép ở Biển Đông, tăng cường các hoạt động tuần tra, mở rộng lực lượng giám sát biển, công khai tuyên bố mời thầu 9 lô dầu khí trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam…
Bài báo trên ghi nhận những phản ứng cương quyết, mềm dẻo nhằm giải quyết tranh chấp với Trung Quốc thông qua con đường ngoại giao, đồng thời khẳng định rằng Việt Nam hoàn toàn có đủ cơ sở để theo đuổi nỗ lực này bởi Vùng đặc quyền kinh tế của mỗi nước là vấn đề được luật pháp quốc tế thừa nhận.
Bên cạnh đó, bài báo cũng khẳng định tầm quan trọng của tinh thần đoàn kết trong khu vực sẽ góp phần tạo nên những yếu tố thuyết phục, khiến Trung Quốc phải từ bỏ tham vọng giành quyền kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Một khối ASEAN đoàn kết và một lập trường mạnh mẽ, cứng rắn, thống nhất từ phía cộng đồng quốc tế sẽ buộc Trung Quốc phải “suy nghĩ tới hai lần” trước khi thực hiện các hành động hay mưu đồ “nguy hiểm” – bài báo trên nêu rõ.
Tờ "Deutsche Welle" của Đức, ngày 8/5 dẫn lời chuyên gia Ernest Bauer thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ bày tỏ nghi ngờ trước việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức họp báo nhằm khẳng định rằng Bắc Kinh đặt giàn khoan trong vùng lãnh hải "nước họ" và do vậy, đó là điều "bình thường và hợp pháp." Ông Bauer cho rằng hành động đơn phương của Trung Quốc đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, đi ngược với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) mà Trung Quốc và các nước ASEAN ký năm 2002.
Cùng ngày, tờ "Tagesschau" (Đức) dẫn lời Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia) cho rằng, việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào Vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam là hành động gây hấn cao độ, đặc biệt khi có tới hơn 70 tàu các loại, từ tàu ngư chính nhỏ tới tàu hải quân, tham gia bảo vệ giàn khoan. Giáo sư Carl Thayer khẳng định đó là hành động bất hợp pháp và Trung Quốc không thể đơn giản đưa giàn khoan dầu xâm phạm và khai thác dầu mà không có sự cho phép của Việt Nam.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong (Trung Quốc) cũng cho rằng sự hung hăng của Trung Quốc là đáng báo động đối với nhiều nước trong khu vực.
Từ Singapore, Tiến sĩ Ian Storey thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á (ISEAS) cũng nhận định việc Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu vào vùng biển của Việt Nam đang tạo ra “kịch bản vô cùng nguy hiểm”. Tiến sĩ Storey cho rằng, Việt Nam cần có phản ứng mạnh mẽ trước những thách thức liên quan đến vấn đề chủ quyền, ngay cả khi Trung Quốc cũng sẽ có hành động sau các phản ứng của Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Storey cũng bày tỏ nghi ngờ Trung Quốc đang cố tình kéo dài tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Ông Storey cho rằng, hồi năm ngoái, Trung Quốc đã đồng ý tham gia vào tiến trình đàm phán COC…Tuy nhiên, xét về mặt thực tế, đây không phải là đàm phán thực sự mà chỉ là “tham vấn trong tiến trình đàm phán”. Qua đó, ông Storey hối thúc các nước trong khu vực cần gấp rút hoàn tất COC – vốn được coi là một tuyên ngôn về chính trị, nhằm đóng băng mọi hiện trạng và xây dựng quan hệ hợp tác trong khu vực.
Trong khi đó, Phó giáo sư Lý Minh Giang (Li Ming-jiang) từ Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế thuộc Đại học Công Nghệ Nanyang của Singapore cũng chia sẻ quan điểm với ông Storey và cho rằng, Trung Quốc đang cố tình và dùng chiến thuật để trì hoãn đàm phán COC. “Trước năm 2011, Trung Quốc không hề lưu tâm đến vấn đề hợp tác với các nước ASEAN để cùng nhau tiến hành thảo luận về COC…Chỉ đến khi căng thẳng và tranh chấp trong khu vực leo thang cũng như sau khi phải đối mặt với những sức ép từ Mỹ và ASEAN, Trung Quốc mới đồng ý hợp tác đối thoại”, ông Lý nói./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.