(HNM) - Từ hơn nửa thế kỷ trước, những người Việt Nam đầu tiên đã có mặt ở Hungary theo chương trình hợp tác về văn hóa và giáo dục giữa hai nước. Vì thế, thế hệ những người Việt đầu tiên tại Hungary chủ yếu là sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh.
Tuy nhiên, đến đầu những năm 1990, sau khi Liên bang Xô Viết tan rã dẫn đến những thay đổi về đời sống chính trị, kinh tế xã hội Hungary, chỉ còn số ít người Việt tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại trường đại học và viện nghiên cứu, còn phần lớn chuyển sang kinh doanh, buôn bán ở các chợ và sau này tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Thế nhưng, vì đều từng là những sinh viên học tập tại đất nước này, nên đặc điểm nổi bật của cộng đồng người Việt tại Hungary là khả năng sử dụng thành thạo tiếng bản xứ, hiểu rõ nền văn hóa bản địa và nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống của người dân tại đây. Nhờ đó, họ đi đầu trong việc xây dựng phong cách sống của người Việt một cách lịch thiệp, văn minh, "đúng chuẩn" nghi lễ của dân tộc Hungary, vừa có thêm bản sắc riêng của người Việt, được người bản xứ đánh giá cao và trân trọng.
Bên cạnh việc tạo dựng hình ảnh đẹp về cách ứng xử, đã có không ít các doanh nghiệp do người Việt làm chủ đạt được thành công đáng nể ở Hungary, trong đó Trung tâm Thương mại Thăng Long là một ví dụ điển hình. Bên cạnh đó, nhiều công ty Việt Nam ở Hungary đã góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quá trình xuất khẩu hàng Việt Nam sang Hungary và ngược lại. Một số doanh nhân Việt Nam thành đạt còn đầu tư về nước, thành lập các nhà máy sản xuất hàng để xuất khẩu sang Hungary và Châu Âu, tiêu biểu là Tập đoàn VIMPEX chuyên kinh doanh bất động sản và xây dựng, Công ty Thịnh - Mai chuyên nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam và xây dựng được thương hiệu riêng cho hàng hóa Việt Nam ở Đông Âu... Ngoài ra, còn có những cái tên làm rạng danh cộng đồng người Việt ở nước ngoài như Tiến sĩ Phan Bích Thiện - bà chủ lâu đài Fired - một trong những khách sạn đẹp nhất của Hungary; ông Lê Thanh Bình, người đã và đang xây dựng thành công thương hiệu Tập đoàn phân phối mỹ phẩm Đại Đông Á (DDA) ở Hungary.
Để tạo sự gắn kết cộng đồng, từ năm 1994, Hội Người Việt Nam ở Hungary chính thức thành lập và luôn có những hoạt động tích cực khơi gợi tinh thần "tương thân, tương ái" của bà con trong cộng đồng. Nhờ vậy, dù cộng đồng người Việt Nam tại Hungary không lớn, hiện có khoảng trên 5.000 người, hầu hết sống và làm việc tại thủ đô Budapest, song bà con luôn đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau và luôn hướng về quê hương, đất nước bằng những suy nghĩ, tình cảm và hành động cụ thể. Từ những hoạt động tương trợ, giúp nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống, tới nay hội đã tạo được nền nếp sinh hoạt có tính truyền thống hằng năm như tổ chức các hoạt động truyền thống trong các dịp lễ tết, phát động phong trào đóng góp cứu trợ đồng bào nghèo, đồng bào vùng bị thiên tai trong nước và các nạn nhân chất độc da cam.
Hiện tại, trong xu thế hội nhập, việc sinh sống, làm việc, đặc biệt là hoạt động kinh doanh buôn bán của cộng đồng người Việt ở Hungary đang gặp nhiều khó khăn do bị cạnh tranh hàng hóa từ các quốc gia khác, cũng như do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đây là một thách thức lớn, đòi hỏi sự năng động và thích nghi trong điều kiện môi trường mới để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, đa số bà con trong cộng đồng người Việt tại Hungary đều cho rằng, đây cũng là thời điểm tạo ra thời cơ cho sự phát triển nhằm xây dựng một cộng đồng người Việt thành đạt hơn nữa tại đất nước Trung Âu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.