Người Kinh Tam Đảo, cộng đồng người Kinh chủ yếu và có lẽ còn mang nhiều bản sắc văn hóa Việt Nam nhất tại Trung Quốc.
1. 8h sáng. Miếu thờ Bạch Long Trấn Hải Đại Vương của thôn Vũ Đầu, một trong 3 thôn người dân tộc Kinh tại Kinh Đảo, thị trấn Giang Bình, huyện Đông Hưng, thị xã Phòng Thành, Trung Quốc… đã trang trọng khói hương nghi ngút.
Chỉ chút nữa thôi, đoàn rước kiệu đông đảo, đại diện cho người dân của 3 thôn Vũ Đầu, Sơn Tâm, Vạn Vỹ và quan khách đến từ khắp nơi, kể cả từ Việt Nam sang… sẽ long trọng đi vòng quanh làng, rồi đến làm lễ ở miếu.
Trước ngày khai hội chừng một tuần, mỗi gia đình phải đăng ký một suất đinh tham dự việc chuẩn bị cỗ bàn cho làng. Từ đêm trước hôm chính hội, họ phải tất bật nấu nướng để chuẩn bị cho 130 mâm cỗ, tương ứng với 1.300 khách đến dự hội.
Trong hàng trăm trung niên và người cao tuổi được trọng vọng trong làng, 24 người sẽ được lựa chọn làm thành viên cho Ban khánh tiết. Ban khánh tiết sẽ bầu ra Ban tế, với đầy đủ các chức danh như Chủ tế, Bồi tế, Đông xướng, Tây xướng, Nội tán, Chấp sự, Đồng văn… giống như các hội làng Việt.
Chủ tế năm nay là cụ Lưu Thượng Tân, 82 tuổi, được vinh dự chọn trong các đại diện cho hội làng thôn Vũ Đầu. Theo phong tục vẫn được bảo tồn nguyên vẹn như cách đây hơn 500 năm ở đất Đồ Sơn, Hải Phòng, chủ tế chủ trì nghi lễ là người cao niên có phẩm hàm hay đỗ đạt cao nhất làng, hoặc là ông tiên chỉ, hay là một nhân sỹ có uy tín.
Hơn 500 năm trước,, vào thời Lê sơ (1511) theo những phả hệ được viết bằng chữ Nôm vẫn được lưu giữ trong đình làng, tổ tiên của cụ Lưu Thượng Tân đã từ vùng Đồ Sơn (Hải Phòng, Việt Nam) đến định cư tại vùng đất tam đảo này. 100 người đầu tiên, thuộc 12 dòng họ, đã đến định cư tại đây, để rồi sau này trở thành 3 làng lớn: Vạn Vỹ, Vũ Đầu và Sơn Tâm.
Cây “Tương tư Nam Quốc” như một lời tổ huấn đối với các thế hệ con cháu không được quên đi nguồn cội Việt. |
Cuộc di cư xa xưa đó, cùng với huyền sử, Bạch Long Trấn Hải Đại Vương chính là người có công giúp Kinh tộc giết chết con rết thần vẫn thường nổi sóng gió bắt ngư dân trên biển. Sau khi chết, con rết thần hoá thành 3 hòn đảo, nay là 3 thôn Vũ Đầu, Sơn Tâm và Vạn Vỹ… đã tạo nên một dân tộc thiểu số mới, đầy đặn các nét văn hoá đặc trưng riêng biệt, trên đất Trung Hoa.
Và cái tên Kinh tộc Tam Đảo cũng có tên từ điển cố đó.
2. Hội làng người Việt tại Kinh Đảo năm nào cũng đón những vị khách đặc biệt: bà con bạn bè từ Trà Cổ, Móng Cái sang chơi. Bà Bùi Thị Chiên, đến từ Trà Cổ, nổi bật trong lễ hội với trang phục khăn mỏ quạ, nón quai thao và áo tứ thân.
Bà Chiên cho biết, năm nào bà và bạn bè cũng sang hội làng bên này. Mấy năm trước, nhóm của bà Chiên còn biểu diễn hát giao duyên, hát quan họ liền anh liền chị trong hội làng. Còn bên Trà Cổ, nếu có hội thì 3 làng bên này cũng cử người sang tham dự, như không hề bị phân cách bởi ranh giới quốc gia.
Thì cũng phải thôi, đứng ở bãi biển Vạn Vỹ, ngó về hướng Nam, sẽ thấy một vệt mờ mờ xanh xanh, đó là Trà Cổ. Đứng ở mũi Trà Cổ, ngó về phương bắc, sẽ thấy một vụng biển hõm sâu vào đất liền, ấy là đất Tam Đảo Kinh tộc.
Cây đàn bầu khổng lồ này đem nét văn hóa Việt của người Kinh Tam Đảo truyền khắp Trung Quốc. |
Nhiều năm nay, hội làng của người Kinh trên đất Tam Đảo cũng trở thành một địa chỉ văn hoá cho khách du lịch. Đặc biệt, kể từ thời điểm “đại sứ” của văn hoá người Kinh là cây đàn bầu bắt đầu vượt khỏi ranh giới địa lý vùng.
Đầu những năm 1950, nghệ nhân người Kinh Tô Thiện Huy đã đưa đàn bầu lên sân khấu biểu diễn. Những bản phổ ký âm đầu tiên bằng nhạc số cho đàn bầu cũng ra đời. Kể từ thời điểm đó, cây đàn bầu có nguồn cội Việt ngày càng được nâng cao về kỹ thuật cũng như phong cách biểu diễn.
Đàn bầu của người Kinh được chế tác bằng gỗ lim, được gắn các thiết bị âm thanh bằng điện. Thậm chí, cây đàn bầu khổng lồ đang được trưng bày trong đình làng Vạn Vỹ còn được đưa đi lưu diễn khắp đất Trung Quốc. Cô gái gốc Việt xuất thân từ làng Vạn Vỹ có tên Tô Hải Trân, đã được vinh danh gắn liền với cây đàn bầu, khi biên tập và phát hành tập nhạc chuyên về đàn bầu hàng đầu Trung Quốc mang tên “Hải vận ma ảnh”, gồm 11 bài.
Không chỉ nổi tiếng về cây đàn bầu, hội làng Việt tại Kinh đảo còn thu hút khách du lịch bởi bề dày văn hoá đặc trưng khác biệt. Tà áo dài và chiếc nón lá mà các cô gái gốc Việt mang trong lễ hội là hình ảnh cực kỳ ấn tượng.
Cái nếp sinh hoạt tôn vinh sự đoàn kết, sự gắn kết các giá trị cộng đồng của cả 3 làng có lẽ đã tạo được một cộng đồng người Kinh mạnh mẽ trong rất nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số tại Trung Quốc. Cứ hễ làng nào có việc, là người làng khác sang “chi viện”. Hình ảnh hàng chục cô gái duyên dáng vận áo dài, nón lá đi trong lễ hội, đều là những cô gái đẹp nhất của cả 3 làng người Việt.
Cảnh trong lễ hội của Kinh tộc Tam Đảo. |
3. Văn hoá đầy đặn. Nhưng một sức mạnh không thể thiếu để cộng đồng người Kinh gốc Việt tại Trung Quốc được vinh danh, đó là kinh tế. Được vinh danh là cộng đồng dân tộc thiểu số có nền kinh tế phát triển nhất ở Trung Quốc, người Kinh Tam Đảo có lợi thế bắt nguồn từ việc là cầu nối giữa thị trường Việt Nam và Trung Quốc.
Không khó để bắt gặp những chiếc xe hạng sang trên đất 3 làng. Đưa chúng tôi đi về hội làng Vũ Đầu trên chiếc Lexus NX 200t, Cường không khỏi nhận được ánh mắt ái mộ của nhiều du khách đến từ các vùng khác. Đây là chiếc xe hạng sang đời mới nhất, và đặc biệt, nó được cầm lái bởi một gương mặt còn rất trẻ.
Với vị trí chiến lược là chiếc cầu nối giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc, cộng thêm khả năng giữ gìn ngôn ngữ tiếng Việt mạnh mẽ trong nội tại cộng đồng, đã khiến cho người dân 3 làng có một lợi thế không thể sánh nổi khi các thương nhân Việt Nam và Trung Quốc tiến hành mở mang kinh doanh biên mậu.
Hơn 20 năm mở cửa biên mậu đã giúp cho 3 làng, đặc biệt là làng Vạn Vỹ, tạo nên nhiều đại gia trên đất Đông Hưng, thậm chí ở tầm cả trấn Phòng Thành. Nhiều khách sạn cao tầng, nhiều khu chợ, nhiều xưởng đóng tàu đi biển lớn, nhiều toà nhà lớn trên địa bàn Đông Hưng thuộc về sở hữu của người 3 làng Việt.
Tư duy kinh tế năng động, cộng thêm khoản tư bản tích luỹ được từ hoạt động kinh doanh biên mậu… đã khiến cho vùng đất 3 làng trở thành một khu dân cư sầm uất. Đường vào 3 làng, đặc biệt là vào Vạn Vỹ đã được đổ bê tông 4 làn xe rộng thênh thang. Những mảnh đất ven biển vốn xưa nay chủ yếu làm nghề nước mắm, nuôi vịt… đã dần được thay thế bằng các dự án khách sạn, resort du lịch. Bãi biển Vạn Vỹ đã được kè bê tông gần chục cây số, cứ mỗi cuối tuần đón hàng vạn khách du lịch từ các huyện sâu trong nội địa…
Giới trẻ của 3 làng Sơn Tâm, Vạn Vỹ, Vũ Đầu cũng năng động không kém. Để nâng cao khả năng ngôn ngữ, nhiều người đã tình nguyện đăng ký học Đại học tại Việt Nam, sau đó đều trở thành những cánh tay đắc lực cho các ông chủ lớn từ sâu trong Đại lục muốn khai phá thông thương thị trường Việt Nam.
Bản thân Cường, đại diện cho một lớp trẻ năng động, sau khi tốt nghiệp cấp 3, đã sang Đại học Văn hoá tại Hà Nội để học chuyên ngành tiếng Việt. Hiện tại, Cường đang làm thuê cho một ông chủ đến từ Sơn Đông, chuyên buôn bán xe vận tải hạng nặng sang thị trường Việt Nam.
Với lợi thế gần như tuyệt đối, Cường hiện tại liên tục chu du khắp các tỉnh thành của Việt Nam để tìm kiếm đại lý. Không những thế, chàng thanh niên gốc Việt này còn đảm nhậm vai trò phiên dịch trong những thương vụ lớn. Có nhà riêng, có xe con hạng sang, Cường là đại diện cho một lớp thanh niên mới của đất 3 làng.
Những tà áo dài Việt là nét đẹp đặc trưng của Kinh tộc Tam Đảo. |
4. Ấn tượng nhất, cảm động nhất, có lẽ là cảm giác sải từng bước dưới bóng rợp của cây đa cổ thụ 200 năm tuổi trước đình làng Vạn Vỹ. Trước mặt cây đa là một tấm biển đá, khắc 5 chữ lớn “Cây tương tư Nam Quốc”. Phía dưới 5 chữ lớn, là bài thơ, với nội dung như lời tổ huấn răn dạy các thế hệ sau không được quên nguồi cội dân tộc.
Đình làng Việt tại 3 thôn Vũ Đầu, Sơn Tâm, Vạn Vỹ vẫn giữ được những nét đặc trưng của đình làng Việt: trong những ngày bình thường, đây là nơi sinh hoạt cộng đồng của trẻ em và người già của cả thôn.
Có lẽ, những tập tục làng xã nghiêm cẩn, được những người lớn tuổi nghiêm khắc thực thi, đã giúp cho 3 làng, qua đằng đẵng hơn 5 thế kỷ, vẫn giữ được những nét truyền thống Việt, mà e rằng, nhiều làng trên đất Việt hiện nay liệu có còn.
Xin đơn cử, phong tục góp đinh. Theo lệ làng, cứ luân phiên từng năm, dù sinh sống ở bất cứ nơi nào, nhưng làng có hội là phải cử một “đinh” để khiêng kiệu.
Tôi giật mình khi bắt gặp Lưu Văn Minh trong hội làng Vũ Đầu. Minh tốt nghiệp Đại học dân tộc Quảng Tây và học 1 năm đại học ở Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Việt Nam, đang sinh sống và làm việc ở thị trấn Đông Hưng… Thấy khách, Minh cười gãi đầu thanh minh: làng có hội, dù ở đâu cũng phải về từ đêm hôm trước, để có mặt ở đình làng từ sáng sớm khiêng kiệu.
Và còn phải kể đến những người thầm lặng như ông Nguyễn Thành Hào, thầy cúng gia truyền 3 đời ở thôn Sơn Tâm. Ông Hào đã dành thời gian gần 20 năm để du khảo khắp Việt Nam và Trung Quốc, để sưu tầm những bài cúng, những điển tích Hán Nôm… đối chiếu, so sánh, tu chỉnh để những bài văn cúng ở Sơn Tâm vẫn giữ gìn được những nét nguyên thuỷ như ở quê nhà.
Nhìn vị thương gia gốc Việt trong tương lai đang đỏ mặt tía tai gò lưng khiêng kiệu, chợt thấy thầm cảm ơn những bậc tiền nhân, đã nhìn xa trông rộng, đã trồng cây si, đã khắc lời tổ huấn đặt tên “Cây tương tư Nam Quốc”, như một bài học nhẹ nhàng thấm đẫm qua năm tháng, mà không thể nào quên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.