Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội: Quyết tâm thực hiện ''nhiệm vụ kép''

Hà Phong - Thanh Hải| 22/02/2021 06:10

(HNM) - Trong những ngày đầu xuân mới Tân Sửu, các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã tích cực sớm bắt tay ngay vào sản xuất để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2021. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô quyết tâm thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Nippon Paint Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh). Ảnh: Quang Thái

Sớm bắt tay ngay vào công việc

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại Tổng công ty May 10 (quận Long Biên) cho thấy, 100% cán bộ, công nhân bước vào năm mới Tân Sửu với quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” ngay từ ngày sản xuất đầu tiên, vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa hoàn thành mục tiêu doanh thu đạt 3.636 tỷ đồng. Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt, các giải pháp được đơn vị triển khai là tổ chức lại hệ thống quản lý sản xuất; đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, lựa chọn dòng sản phẩm phù hợp với nguồn lực thiết bị, tay nghề công nhân; tăng năng suất lao động. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các bảng hiệu về thông điệp “5K” (khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn, không tụ tập, khai báo y tế) được đơn vị treo ở những nơi dễ nhận biết nhất để công nhân chủ động thực hiện, đồng thời thường xuyên vệ sinh mặt bàn làm việc, các dụng cụ lao động, tăng cường thông khí tại khu vực làm việc của người lao động...

Tương tự, tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), 98 doanh nghiệp, với khoảng 15.000 lao động cũng đã bắt tay ngay vào công việc từ ngày 17-2 (tức mùng 6 Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021). Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đồ chơi Chee Wah Việt Nam Trì Khải Mậu cho hay, gần 1.500 công nhân của công ty đã trở lại làm việc đầy đủ. Chị Nguyễn Thị Hợi, công nhân Công ty TNHH Đồ chơi Chee Wah Việt Nam chia sẻ: "Ngay ngày đầu sản xuất sau Tết, chúng tôi đã được Công đoàn công ty nhắc nhở về khai báo y tế, thực hiện các biện pháp phòng dịch, chống dịch Covid-19 khi đến làm việc". 

Trưởng ban Chính sách Pháp luật (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội) Tạ Văn Dưỡng cho biết, từ ngày 17-2, đã có hơn 90,6% doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô mở xưởng sản xuất, với 94,5% công nhân lao động trở lại làm việc. Song nhìn trên bình diện chung, tỷ lệ công nhân trở lại làm việc sau Tết năm nay thấp hơn so với Tết Canh Tý 2020. “Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và Hà Nội là địa phương đang có dịch, nên nhiều công nhân cân nhắc quyết định thời gian trở lại làm việc. Dự báo từ đầu tháng 3 tới, tình hình lao động sẽ dần ổn định”, ông Tạ Văn Dưỡng cho hay.

Cũng theo Liên đoàn Lao động thành phố, hiện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, ngành dệt may, doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn có tỷ lệ công nhân lao động trở lại làm việc cao nhất (đạt 98%).

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động thành phố kiểm tra việc thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng dịch, vừa sản xuất, kinh doanh tại Công ty cổ phần Đầu tư, xây lắp và vật liệu xây dựng Đông Anh.

Chủ động với mọi tình huống

Trực tiếp kiểm tra công vụ và nắm bắt tình hình công nhân, viên chức, lao động sau Tết tại một số công đoàn cấp trên cơ sở và công đoàn cơ sở trên địa bàn thành phố, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường đánh giá, các đơn vị đã và đang vào cuộc tích cực, hướng đến thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ kép” là phòng, chống dịch Covid-19 và ổn định sản xuất, kinh doanh. Trước tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã đề nghị các cấp Công đoàn cần tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch; tăng cường nắm bắt tình hình để khi có tình huống phát sinh kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương và thành phố để có phương án xử lý.

Về phía các doanh nghiệp cũng đã rút kinh nghiệm từ việc nhiều công nhân của Công ty TNHH POYUN (tỉnh Hải Dương) bị nhiễm Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nên đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Cụ thể, tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh), hầu hết các doanh nghiệp đều tăng cường kiểm tra, sàng lọc công nhân ngay từ cổng ra vào. Đơn cử, Công ty TNHH Nippon Paint Việt Nam đã yêu cầu toàn thể người lao động đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, khử khuẩn thường xuyên và đang lên kế hoạch chia 2 ca làm việc tách biệt để vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa từng bước thực hiện kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh...

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Karofi Việt Nam (quận Hoàng Mai) Nguyễn Văn Vượng cho biết: “Ngay khi tiếp nhận thông tin có ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng tại tỉnh Hải Dương, những ngày đi làm sau Tết, 100% công nhân viên đều đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, đo thân nhiệt khi ra vào văn phòng, nhà máy. Tất cả các cuộc họp chuyển sang chế độ trực tuyến. Tại các nhà máy, chúng tôi còn chuẩn bị thêm phòng ở, phòng trọ cho công nhân để thực hiện giãn cách; chia ca ăn ra làm nhiều khung giờ nhằm bảo đảm giữ khoảng cách an toàn phòng, chống dịch”.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường, dự đoán thời gian tới khó khăn sẽ càng "ngấm" hơn vào các doanh nghiệp, tác động lớn đến công ăn việc làm của người lao động và quan hệ lao động cũng sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn cần được thể hiện rõ nét hơn nữa. Các cấp Công đoàn cần xây dựng kịch bản, tính toán trước, tiếp tục duy trì và đề cao phương châm Công đoàn đồng hành cùng người lao động vượt qua khó khăn do Covid-19, đồng hành cùng doanh nghiệp lên phương án duy trì sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống việc làm trong mọi tình huống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội: Quyết tâm thực hiện ''nhiệm vụ kép''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.