Chính phủ hoan nghênh tất cả doanh nghiệp, người dân cùng tham gia đóng góp, đồng hành để Việt Nam có vắc xin sớm nhất, tiêm được nhiều nhất cho người dân một cách an toàn nhất có thể, để có miễn dịch cộng đồng sớm, quay lại cuộc sống bình thường như cộng đồng quốc tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định như vậy tại cuộc họp với đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến và ủng hộ cho Quỹ vắc xin phòng Covid-19, sáng 4-6.
Thay mặt Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng gửi lời cảm ơn đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã cùng nhau vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra trong hơn 1 năm qua. Đến nay, Việt Nam cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh. Hệ lụy dịch bệnh tác động không nhỏ đến sản xuất kinh doanh, nhưng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam vẫn phát triển.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã phát huy tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều nguồn lực trực tiếp và gián tiếp vào cuộc chiến chống dịch Covid-19, như hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ đội ngũ y, bác sĩ, tích cực nghiên cứu các giải pháp phòng, chống dịch…
Luôn luôn đồng hành cùng Chính phủ
Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp ngành da giày, thủy sản, dệt may, điện tử đều khẳng định, vắc xin là giải pháp mà các doanh nghiệp đang rất trông chờ để duy trì hoạt động sản xuất liên tục, tránh đứt gãy các chuỗi cung ứng, đáp ứng được các đơn hàng, tận dụng được cơ hội để phát triển.
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam nhấn mạnh tinh thần không phải các doanh nghiệp trả tiền để được ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 hay muốn tự nhập khẩu vắc xin. Các doanh nghiệp vẫn tuân thủ theo các chính sách về tiêm phòng vắc xin của Chính phủ.
Trên cơ sở chính sách của Chính phủ, các doanh nghiệp thành viên Eurocham chấp nhận tự trả chi phí để tiêm cho người lao động, thành viên gia đình người lao động và cần sự minh bạch, cơ chế chia sẻ công bằng giữa các doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ vắc xin. Ngoài ra, một số thành viên của Eurocham cũng có sự chuẩn bị và sẵn sàng đóng góp vào quá trình vận chuyển, bảo quản vắc xin, tham gia quá trình tiêm chủng.
Nhu cầu chuyên gia của các doanh nghiệp nước ngoài rất lớn, nếu ngừng trệ thì gây gián đoạn, ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, nên Eurocham mong muốn Bộ Y tế sẽ sớm ban hành quy định cách ly phù hợp với những người đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Lãnh đạo Eurocham thông tin thêm, tất cả nhà sản xuất vắc xin trên thế giới đều đàm phán trực tiếp với các chính phủ hoặc tổ chức, cá nhân được chính phủ ủy quyền.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp khẳng định tuân thủ chính sách của Chính phủ về thứ tự nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm. Các doanh nghiệp rất mong Bộ Y tế sớm hướng dẫn các bước chuẩn bị để tiêm vắc xin cho người lao động như khai báo y tế, theo dõi sức khỏe…; cam kết thực hiện nghiêm mọi quy định phòng, chống dịch, cập nhật thông tin lên hệ thống an toàn Covid-19 (antoancovid.vn).
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã giải đáp những băn khoăn của doanh nghiệp để đồng hành cùng Chính phủ trong chương trình tiêm chủng vắc xin, chủ động tìm kiếm nguồn vắc xin, cơ chế ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động trong doanh nghiệp… Tất cả vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép dù nhà sản xuất chưa làm thủ tục xin cấp phép, cấp số đăng ký tại Việt Nam cũng vẫn được tiến hành nhập khẩu.
Đối với những vắc xin WHO chưa cấp phép nhưng đã được các nước cấp phép sử dụng thì khi có đơn vị nào tiếp cận được, Bộ Y tế cũng tiến hành cấp phép ngay theo thủ tục rút gọn, tối đa 5 ngày. Tất cả doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vắc xin nhập khẩu đều được hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa để có vắc xin sớm nhất.
Vắc xin được đặt ra ngay từ khi dịch bệnh xuất hiện
Khẳng định nguyên tắc của Chính phủ là huy động toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia chống dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, vắc xin là biện pháp rất căn cơ trong phòng, chống dịch. Chính phủ hoan nghênh tất cả doanh nghiệp, người dân cùng tham gia đóng góp, đồng hành để Việt Nam có vắc xin sớm nhất, tiêm được cho nhiều người dân một cách an toàn nhất có thể, để có miễn dịch cộng đồng sớm, quay lại cuộc sống bình thường như cộng đồng quốc tế.
Từ cuối năm 2019, Ban Chỉ đạo đã xác định nhiều khả năng vi rút SARS-CoV-2 còn tồn tại lâu, chỉ khi nào có vắc xin hoặc thuốc đặc trị thì mới ngăn chặn được dịch bệnh này. Vì vậy, chúng ta đã đặt ra quyết tâm phải có vắc xin sớm nhất.
Từ đầu năm 2020, Bộ Y tế được giao tiếp xúc với tất cả công ty có tiềm năng sản xuất vắc xin trên thế giới để đàm phán mua, nhập khẩu vắc xin hoặc nhận chuyển giao công nghệ. Từ tháng 8-2020, Bộ Y tế đã ký hợp đồng mua vắc xin của công ty AstraZeneca. Đồng thời, Bộ KH&CN cùng với Bộ Y tế được giao triển khai nghiên cứu, phát triển vắc xin trong nước.
Căn cứ vào đề nghị của Bộ Y tế, Chính phủ đã chỉ đạo tổng lực đàm phán, chuẩn bị nguồn kinh phí mua vắc xin.
Phó Thủ tướng khẳng định, vắc xin về Việt Nam chưa nhiều không phải vì chúng ta thiếu tiền, hay phải chờ xã hội hóa, mà bởi vì nguồn cung khan hiếm. Chính phủ mong muốn người dân, doanh nghiệp đóng góp công sức, trí tuệ, rồi mới đến tiền bạc vào phòng, chống dịch nói chung, việc tiếp cận nguồn vắc xin nói riêng. Chính phủ thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19 để bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Cần có càng sớm, càng nhiều càng tốt
Theo Phó Thủ tướng, trong lúc vắc xin là giải pháp chống dịch hữu hiệu nhưng đang khan hiếm, tâm lý chung của từng người, từng doanh nghiệp, ngành nghề… đều muốn được tiêm trước. Nhưng không thể vì doanh nghiệp đóng góp, ủng hộ kinh phí mua vắc xin mà lấy đi cơ hội của những người chịu rủi ro nhiều hơn, cần được ưu tiên tiêm trước theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ và nguyên tắc tiếp cận công bằng vắc xin của Liên hợp quốc.
Nghị quyết 21/NQ-CP đã quy định một số đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin là những người làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ thiết yếu như vận tải, hàng không, điện lực, du lịch.
Bộ Y tế cần sớm cập nhật thêm nhóm đối tượng rủi ro cao là công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, công trường, các địa điểm tiếp xúc với nhiều người hay phải làm việc trong môi trường kín… vào diện khai báo y tế bắt buộc (qua máy tính, điện thoại, khai hộ, bằng giấy, sử dụng tổng đài gọi điện tự động…), cập nhật tình trạng sức khỏe để đánh giá sàng lọc ban đầu, chuẩn bị cho công tác tiêm vắc xin.
Theo Phó Thủ tướng, các doanh nghiệp, cá nhân có thể đóng góp vào thực hiện chiến lược vắc xin không chỉ việc đóng góp vào Quỹ vắc xin phòng Covid-19 mà còn bằng nhiều phương thức khác nhau, bảo đảm sử dụng các nguồn đóng góp công khai, minh bạch. “Nhưng Chính phủ không yêu cầu doanh nghiệp phải trả kinh phí tiêm vắc xin cho người lao động”.
Dự kiến, Bộ Y tế đã đàm phán mua được khoảng 150-170 triệu liều vắc xin, tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý, điều quan trọng là tiến độ giao vắc xin cũng như khả năng điều phối để các nguồn vắc xin khác nhau không về cấp tập, dồn dập trong cùng một thời điểm. Đặc biệt, chúng ta phải có vắc xin càng sớm, càng nhiều càng tốt, nhất là trước thời điểm tháng 10-2021.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tạo mọi điều kiện để việc nhập khẩu vắc xin thuận lợi, không để bất kỳ doanh nghiệp nào, tổ chức nào thực sự có nguồn mua được vắc xin ngay mà lại không mua về được. Nếu vướng mắc, Bộ Y tế không tháo gỡ được thì cần trình ngay lên Chính phủ giải quyết. Những nguồn vắc xin thông qua các tổ chức môi giới thì phải kiểm tra kỹ trước khi đề xuất với Bộ Y tế.
Trước mắt, Phó Thủ tướng đề nghị tất cả doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm mọi quy định phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tự đánh giá định kỳ, cập nhật lên hệ thống an toàn Covid-19 (antoancovid.vn) để đánh giá được sự sẵn sàng và đánh giá được nguy cơ dịch bệnh.
Cảm ơn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dành thời gian lắng nghe, trao đổi với các doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong phòng, chống dịch Covid-19 cũng như duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ tích cực đóng góp tài chính tự nguyện cho Quỹ vắc xin phòng Covid-19. Mong muốn người lao động sớm được tiêm vắc xin là nguyện vọng chính đáng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện tiêm chủng và thứ tự ưu tiên cần dựa trên nguyên tắc tiếp cận công bằng vắc xin của Liên hợp quốc, căn cứ vào mức độ rủi ro cũng như yêu cầu duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để thực hiện mục tiêu kép.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.