Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cộng đồng chăm sóc sức khỏe người dân

Minh Ngọc| 24/02/2023 06:19

(HNM) - Nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân từ cơ sở, dựa vào cộng đồng hiện rất lớn, nên các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội đang chú trọng triển khai nhiệm vụ này. Đây là hình thức trợ giúp thiết thực, mang lại hiệu quả cùng những giá trị bền vững cho người thụ hưởng, cho gia đình họ và xã hội.

Các y, bác sĩ khám bệnh miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Ba Vì.

Thiết thực trợ giúp

Đôi mắt của ông Nguyễn Trọng Đắc (73 tuổi, ở thôn Công Đình, xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm) đã nhìn thấy rõ sau khi được Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Lâm cùng các nhà hảo tâm hỗ trợ thay thủy tinh thể miễn phí vào giữa tháng 2-2023. “Nhờ có đôi mắt sáng, mọi sinh hoạt của tôi diễn ra thuận tiện. Cuộc sống vui vẻ hơn hẳn”, ông Đắc phấn khởi. Cùng ở huyện Gia Lâm, cùng được hỗ trợ thay thủy tinh thể, bà Nguyễn Thị Hoàn (68 tuổi, ở thôn Phú Thị, xã Phú Thị) không còn phải sống trong cảnh nhìn vào đâu cũng thấy “mờ mờ, lóa lóa”. Hiện nay, bà Hoàn dễ dàng nhận ra người thân quen.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Lâm Nguyễn Thị Thanh Yến cho biết: “Để chăm sóc sức khỏe cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, Hội Chữ thập đỏ huyện đã phối hợp với Bệnh viện Chuyên khoa mắt Alina tiến hành thay thủy tinh thể miễn phí cho 10 trường hợp tại các xã Đình Xuyên, Kim Sơn, Kiêu Kỵ và Phú Thị, với tổng kinh phí 80 triệu đồng. Trong thời gian tới, Hội tiếp tục trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn thay thủy tinh thể miễn phí”.

Công tác chăm sóc sức khỏe người dân dựa vào cộng đồng được Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Lâm cùng Hội Chữ thập đỏ các quận, huyện, thị xã khác trên địa bàn Hà Nội triển khai thông qua nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa. Nổi bật là Hội Chữ thập đỏ quận Đống Đa với mô hình “Thầy thuốc tình nguyện”, tập hợp 30 hội viên, tình nguyện viên là những thầy thuốc, y sĩ, bác sĩ giàu y đức, giỏi chuyên môn, sẵn sàng tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân 24/24 giờ. Với đặc thù là địa bàn “cửa ngõ” vào trung tâm Thủ đô, số lượng người tham gia giao thông đông đúc, nguy cơ tai nạn luôn tiềm ẩn, vì thế, Hội Chữ thập đỏ quận Hà Đông đã thiết lập hệ thống 20 trạm, điểm sơ cấp cứu cộng đồng, để kịp thời trợ giúp người dân nếu không may xảy ra tình huống không may.

Theo Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội, thông qua nhiều mô hình hỗ trợ thiết thực, những năm gần đây, tổng trị giá các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân dựa vào cộng đồng lên tới 50-70 tỷ đồng/năm.

Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội phối hợp với các cơ sở y tế kiểm tra mắt miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Gia Lâm.

Cộng đồng trách nhiệm

Những kết quả đạt được trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân dựa vào cộng đồng là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, hiện nguồn lực này chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, nhất là với người gặp khó khăn.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương thông tin, trên địa bàn thành phố hiện có 12,8% dân số là người cao tuổi (tương ứng gần 1,07 triệu người); trên 2% dân số (hơn 200.000 người) thuộc đối tượng bảo trợ xã hội... Dù đã được các cơ quan chức năng quan tâm, chăm sóc về nhiều mặt, nhưng các trường hợp yếu thế vẫn cần được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe từ cộng đồng thường xuyên hơn. 

Điều đáng quan tâm, do chủ quan, một bộ phận không nhỏ người dân ít đến các cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe định kỳ; chưa dành sự quan tâm đúng mức đến việc giữ gìn sức khỏe thông qua luyện tập, ăn uống, sinh hoạt khoa học. Điều này đồng nghĩa, nhiều người trong cộng đồng cần được trang bị kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho bản thân và người thân.

Để mỗi người dân được sống vui, sống khỏe, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu cho biết, Hội sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm mở rộng chương trình, hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Về phần mình, các cấp Hội Chữ thập đỏ chú trọng nâng cao chất lượng cuộc vận động người dân hiến máu tình nguyện, đăng ký hiến mô, tạng nhân đạo; chủ động huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người có hoàn cảnh khó khăn. Hệ thống phòng khám nhân đạo, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ cũng được tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động…

Thấy rõ cách làm, rõ mục đích trợ giúp, công tác chăm sóc sức khỏe người dân thông qua mạng lưới Chữ thập đỏ được các tổ chức, cá nhân ủng hộ, đồng hành. Trưởng phòng Kế hoạch chăm sóc sức khỏe cộng đồng (Bệnh viện Chuyên khoa mắt Alina) Cao Xuân Ngọc cho hay: “Từ nay đến cuối năm 2023, chúng tôi phối hợp với Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội tiến hành khảo sát các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi người có công cần thay thủy tinh thể để có phương án hỗ trợ”. Còn lương y Nguyễn Hoàng Anh (trú tại đường Trương Định, quận Hoàng Mai) bày tỏ: “Bất cứ lúc nào các cấp Hội Chữ thập đỏ cần, tôi đều sắp xếp thời gian, công việc để cùng làm việc nghĩa”.

Những dẫn chứng nêu trên cho thấy rõ, sự cộng đồng trách nhiệm từ nhiều phía mở ra cơ hội chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân Thủ đô nói chung, người có hoàn cảnh khó khăn nói riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cộng đồng chăm sóc sức khỏe người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.