Việc cây vợt Nguyễn Tiến Minh xuất sắc lọt vào vòng bán kết thế giới và đoạt huy chương đồng gây xôn xao trên các mạng xã hội những ngày qua. Hàng vạn lời chúc mừng được gửi tới anh - niềm tự hào của thể thao Việt Nam.
Tuy nhiên, một tấm hình xuất hiện trên báo đã nhanh chóng được cộng đồng mạng chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Nội dung xoay quanh giải thưởng và cách trao thưởng cho Nguyễn Tiến Minh.
Chuyên gia Huỳnh Ngọc Liên trao phần thưởng của Liên đoàn Cầu lông Việt Nam và Liên đoàn Cầu lông TP HCM cho Nguyễn Tiến Minh. Ảnh: Người Lao Động |
Trên Facebook, nickname Tạ Biên Cương bình luận: "25 triệu - tương đương với hơn 3 tháng lương của Tiến Minh (hiện tại anh đang nhận 7 triệu/tháng). Nếu xét về tỷ lệ thưởng/lương thì số thưởng này không hề tệ, có chăng chỉ là mức lương hiện tại của Tiến Minh quá thấp và dường như không tương xứng với những đóng góp của anh".
"Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây không phải là số tiền mà chính là ở cái cách người ta trao thưởng cho anh. Ông bà ta thường có câu: "Của cho không bằng cách cho".
Phần thưởng của hai liên đoàn đến với Tiến Minh ngay khi anh vừa bước chân xuống sân bay có thể được coi là một sự động viên "kịp thời" và cũng rất "tranh thủ" của nhà chức trách vì ai cũng biết rằng các phóng viên cũng rất săn đón anh trong ngày trở về".
"Nhưng tệ một nỗi, người ta trao cho anh 2 tờ A4 với những dòng chữ sơ sài và một vài con số mà ai cũng có thể làm ra được. Vậy, việc trao thưởng này, liệu có phải chỉ là một việc làm "lấy lệ" trước ống kính? Cứ nhìn gương mặt của Tiến Minh, ắt hẳn mỗi người cũng tự có những suy nghĩ cho riêng mình về cái cách các nhân tài được đãi ngộ hiện nay".
"Xin được trích lại một đoạn trong bài phỏng vấn của anh sau khi kết thúc giải vô địch thế giới vừa qua: "Huấn luyện viên của đội tuyển Malaysia khi gặp tôi đã nói đùa rằng đoàn của họ đi dự giải thế giới tới 30 vận động viên và hàng chục chuyên gia, huấn luyện viên, nhân viên y tế, dinh dưỡng..., vậy mà chỉ có Lee Chong Wei vào được chung kết. Trong khi đó, Việt Nam chỉ có tôi, huấn luyện viên Nguyễn Anh Hoàng và chuyên gia Huỳnh Ngọc Liên, vậy mà giành được huy chương đồng. Ngay mấy nước khác như Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ đi hàng chục người còn trắng tay. Vì vậy, họ càng nể tôi".
Nickname Zeddy Nguyễn cũng bức xúc: "Thiếu tôn trọng nhân tài thì đừng hỏi tại sao nhiều người đi du học không bao giờ về hay phục vụ cho Tổ quốc".
Facebooker Hứa Gia Mẫn chua chát: "Vâng, giải 3 vô địch cầu lông thế giới chỉ bằng 2 tờ giấy A4, không bằng một trận thắng ở V-League hay đơn giản là không bằng lương của một cầu thủ tầm trung ở V-league. Cách trao thưởng rất thiếu tôn trọng. Kiếp sau anh nên chọn môn thể thao khác, ví dụ như bóng đá, hoặc có thể cầu lông nhưng không phải ở Việt Nam. Nhìn mà tủi thân, thưởng mà như bố thí".
Khi xem tấm hình này, Facebooker So Cold kể lại: "Cách đây 14 năm, mình từng là một cây vợt xuất sắc của thành phố và khu vực miền Bắc ở độ tuổi U15. Cầu lông là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình, ăn cầu lông, ngủ cầu lông, tập luyện hết sức".
"Đáp trả lại đam mê, cần cù nhiệt huyết của mình, một trường đại học thể thao đã đến tận nhà xin mình vào trường học, nhưng tiếc thay gia đình không muốn theo thể thao, muốn theo việc học. Nhất là cầu lông thì lại ít triển vọng hơn các môn thể thao khác".
"Hồi đó ấm ức lắm, nhưng nhìn lại quãng thời gian vừa rồi cùng sự phát triển cầu lông nước nhà và những thành tích mà vận động viên của chúng ta đạt được, thấy thật đáng buồn cho cách đối xử với những người tài nói chung và môn thể thao cầu lông nói riêng".
Nickname Won Lee phải thốt lên: "Quá thất vọng với cách làm ăn của thể thao Việt Nam, thần tượng của tôi bước xuống sân bay được người ta chào đón bằng 2 tờ giấy A4 với tổng giá trị là 25 triệu đồng".
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, nickname Juli Phạm nhìn nhận: "Đồng ý là Liên đoàn Cầu lông thưởng ít thật nhưng:
1 - Liên đoàn Cầu lông lấy tiền nhiều đâu mà thưởng?
2 - Bóng đá nam nhiều tiền là do các nhà tài trợ thưởng, bóng đá nữ vô địch như vậy mà chỉ uống nước mía ăn mừng.
3 - Thưởng như vậy so với mặt bằng chung cả nước là nhiều rồi, nhiều người đi làm cả đời cũng chưa được số tiền lớn như vậy, đất nước mình còn nghèo lắm".
Cùng chung quan điểm với Juli Phạm, Facebooker Lê Hữu Phước phân giải: "Cái này gọi là thưởng nóng, mọi người không thấy là ở sân bay à. Tuy không rầm rộ nhưng có tác dụng kích thích, tuyên dương hiệu quả và kịp thời hơn. Mấy bạn đừng có soi mói thế này thế nọ nữa".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.