(HNM) - Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội và LĐLĐ TP Hồ Chí Minh là hai đơn vị làm điểm của cả nước về việc Công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) theo Luật BHXH (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016), nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Mặc dù đây là nhiệm vụ khó, nhưng các cấp Công đoàn TP Hà Nội đang nỗ lực triển khai với quyết tâm cao.
Việc doanh nghiệp nợ đọng, chây ỳ đóng bảo hiểm xã hội xâm hại nghiêm trọng quyền lợi người lao động.Ảnh: Như Ý |
Nhiệm vụ khó
Sau gần 3 năm không có việc, không được chốt sổ BHXH để xin đi làm ở nơi khác (do Chi nhánh Xây dựng và Nội thất thuộc Công ty Xây lắp hóa chất, Tổng công ty Công nghiệp Việt Nam nợ BHXH), chị Phạm Thị Thuật đành chấp nhận nghỉ trước tuổi. Chị Thuật chỉ là một trong số hàng chục nghìn người lao động rơi vào tình cảnh bị doanh nghiệp chiếm dụng BHXH, bởi theo cơ quan BHXH TP Hà Nội, hiện toàn thành phố có hơn 10.000 đơn vị, doanh nghiệp chây ỳ nợ đọng BHXH với số tiền hơn 2.000 tỷ đồng. Theo Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016), với những trường hợp doanh nghiệp nợ BHXH, tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động theo quy định tại Khoản 8, Điều 10 của Luật Công đoàn.
Khởi kiện được xem là biện pháp mạnh và hữu hiệu để xử lý các doanh nghiệp nợ BHXH. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp sẽ tự truy nộp vì không muốn ảnh hưởng đến hình ảnh của công ty. Tuy nhiên, theo nguyên Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đặng Minh Thuần, đây là nhiệm vụ mới và rất khó. Bằng chứng là, năm 2015 Ngành BHXH Việt Nam đã khởi kiện 7.111 đơn vị với số tiền nợ BHXH là 3.029 tỷ đồng. Nhưng số tiền thu được chỉ là 817 tỷ đồng, gồm 632 tỷ đồng từ các đơn vị xin hòa giải và chủ động tự nộp, 185 tỷ đồng từ công tác thi hành án.
Khoảng 3.300 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH bị khởi kiện không có khả năng trả nợ… Việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH sẽ giúp tổ chức Công đoàn nâng cao vị thế trong các doanh nghiệp, có thêm cơ sở để bảo đảm thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động. Nhưng thực tế, lực lượng cán bộ công đoàn chưa quen với khởi kiện lĩnh vực này nên chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp, đơn vị nợ BHXH rất nhiều; thời gian theo đuổi các vụ kiện thường dài và tốn kém. Đây là thách thức không nhỏ của tổ chức Công đoàn vì điều kiện nhân lực, tài lực có hạn. Không những thế, tổ chức Công đoàn kiện doanh nghiệp nợ BHXH cần phải được người lao động ủy quyền...
Ưu tiên phòng ngừa
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, bảo đảm quyền lợi của người lao động, cùng với việc nỗ lực nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn; LĐLĐ thành phố ký kết chương trình phối hợp với BHXH, Sở LĐ-TB&XH, TAND thành phố, xúc tiến các bước chuẩn bị cho công tác khởi kiện. LĐLĐ tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn tham gia các khóa tập huấn về pháp luật tố tụng dân sự, giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể, trình tự và thủ tục khởi kiện... Chủ tịch LĐLĐ thành phố Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, LĐLĐ và BHXH thành phố phải phối hợp thật chặt chẽ, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục khởi kiện.
Công đoàn có trách nhiệm đứng đơn khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, cơ quan BHXH hoàn thiện hồ sơ pháp lý, cung cấp đầy đủ thông tin cho Công đoàn. Hai bên đã xây dựng và ký kết quy chế phối hợp, tập trung vào tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT; thanh tra, kiểm tra, giám sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo về BHXH, bảo hiểm y tế… TAND thành phố sẽ hỗ trợ cán bộ công đoàn nâng cao kiến thức về quy định pháp luật tố tụng. Sắp tới, LĐLĐ sẽ làm việc với BHXH thành phố, rà soát các doanh nghiệp nợ BHXH, lựa chọn đơn vị tiêu biểu để tiến hành khởi kiện điểm, từ đó rút kinh nghiệm trên toàn thành phố.
Dù khởi kiện là biện pháp hiệu quả bảo vệ quyền lợi người lao động, công tác phòng ngừa vẫn cần được ưu tiên. Để làm tốt công tác này, LĐLĐ phối hợp với BHXH thành phố, Sở LĐ-TB&XH, Thanh tra, Cục Thuế Hà Nội; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn tại các đơn vị, doanh nghiệp nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời chú trọng tổ chức đối thoại trực tiếp với người lao động, người sử dụng lao động về nội dung của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH để giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động.
Quyết tâm cao bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, các cấp Công đoàn Thủ đô đang nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH. Đây cũng chính là cơ hội để các cấp Công đoàn Thủ đô tự khẳng định trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.