Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Cõng” đào lên đồi hoang…

Hồng Thùy Tâm| 24/10/2016 06:58

(HNM) - Sáu năm trước, khu đồi rừng Hố Cấm rộng 4ha thôn Trấn Sơn (xã Liên Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) là những vạt đồi trơ trọi. Vậy mà, giờ đây vùng đất này được ví như một “Đà Lạt thu nhỏ” với đủ các loại hoa thơm, cây lạ, đặc biệt là cây đào Nhật Tân, tưởng như chỉ là “đặc sản” của vùng đất Nhật Tân,


Là người con của đất đào Nhật Tân, Tây Hồ; Hồ Việt Hoa sớm “phải lòng” những vườn đào bạt ngàn hoa khoe sắc thắm. Năm 1982, sau khi xuất ngũ, anh xin làm công tác phát hành báo chí. Không lâu sau, anh bỏ việc, chuyển sang làm hoa để có thời gian chăm sóc mẹ. Hồ Việt Hoa trồng hoa rất tài. Những gốc đào Nhật Tân anh chăm bẵm cho hoa to, đều và thắm sắc. Ngoài trồng đào, anh còn làm trang trí hoa cưới, có những ngày “chạy sô” tới 20 đám. Bởi cần cù lại có duyên nghề nên trong lúc mọi người vẫn phải tất bật mưu sinh, anh đã có một cơ ngơi đàng hoàng giữa Thủ đô.

Một góc trang trại của Hồ Việt Hoa.



Bước ngoặt cuộc đời anh bắt đầu từ những năm 2000. Quá trình đô thị hóa đã dần khiến đào Nhật Tân không còn đất “an cư”. Những biệt thự sang trọng mọc lên ngày càng nhiều, người trồng đào dạt ra tận ngoài đê sông Hồng. Cuối năm 2010, sau khi đã đem tặng, thanh lý toàn bộ đồ đạc quý giá trong nhà, anh Hoa bất ngờ tuyên bố “ra đi tìm vùng đất mới cho đào Nhật Tân”. Những ngày sau đó, anh rong ruổi nhiều nơi, từ Đại Lải, Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Ba Vì (Hà Tây cũ), Hòa Bình, Hưng Yên đến Hải Dương… Đều là những nơi nổi tiếng là đất trồng hoa nhưng chưa nơi nào khiến anh hài lòng. Khi chân đã mỏi thì may thay, cơ duyên bất ngờ đã đưa anh tìm đến xã Liên Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. “Tôi đã gào lên sung sướng vì biết chắc đây là đất của đào” anh nhớ lại.

Rất nhanh chóng, anh Hoa tuyên bố mua lại toàn bộ khu đồi rừng Hố Cấm rộng gần 4ha ở thôn Trấn Sơn để xây trang trại, trồng đào với giá 600 triệu đồng. Người địa phương nghe vậy đều tròn mắt ngạc nhiên. Họ bàn tán khắp làng trên xóm dưới. Người nghĩ anh “nổ” cho oai, người lại bảo anh gàn dở, bởi chẳng ai dại gì ném một số tiền lớn vào nơi trơ sỏi đá, đến cây vải thiều còn chẳng sống nổi. Cũng có kẻ ác miệng lại suy diễn, rằng có khi gã lên đây để… rửa tiền? Ngay cả chính quyền địa phương bấy giờ cũng còn chín nghi, mười ngờ. Hôm anh Hoa ôm bọc tiền đến thuê đất, có ông cán bộ già nhìn anh, bảo thẳng: “Tôi đố chú trồng được hoa đất này!”. Anh Hoa nghe vậy thì cười, nghĩ bụng: “Để cây sống được mới khó, để nó ra hoa thì khó gì”. Mấy hôm sau, người ta thấy Hồ Việt Hoa đem về một cây mơ to đùng, trồng trước căn nhà mới dựng. Ban ngày, anh cùng công nhân vác cuốc lên đồi bạt cỏ, làm đất. Tối về, anh lại hì hục tưới nước, chăm cây. Đến khi những nụ mơ đầu tiên cựa mình khoe sắc, anh Hoa liền làm một mâm cơm rồi mời ông cán bộ kia đến. Bữa đấy, nhìn những chùm hoa mơ trắng muốt rung rinh trong gió, vị này chỉ biết gật gù thán phục.

Nói về khu đồi rừng Hố Cấm, trước đây nó là đồi vải bỏ hoang. Chỉ trong thời gian ngắn, anh và 4-5 công nhân đã bỏ công cải tạo toàn bộ 4ha đồi trồng rậm rạp, âm u, cỏ dại ngút đầu. Nhớ lại khoảng thời gian này, anh kể: “Tôi gầy đi gần 10kg chỉ trong vòng nửa năm, phần vì lo nghĩ nhiều, phần vì hoảng với rắn rết. Có hôm đang ngủ, nghe thấy tiếng sột soạt dưới gậm giường, ngó xuống xem thì giời ạ, một con rắn to bằng cổ tay…”.

Sau khi cải tạo đất, anh phân lô để trồng những loại đào khác nhau. Đủ các loại đào được anh mang về từ đào bích, đào phai, đào bạch, đào Mông Tự, đào Lòng Chai, đào Thất Thốn... ước chừng vài nghìn gốc. Đặc biệt, để bảo đảm nguồn nước tưới cho đào, anh đã cất công đào ao, nuôi thả rất nhiều loại cá như: chép, mè, vược… Dưới mỗi gốc đào, anh cũng trồng thêm kê, bí ngô và nhiều loại rau xanh để phục vụ sinh hoạt và làm thức ăn cho một số loài quý hiếm gồm: Gà chín cựa, gà rừng, gà lôi, sóc, nhím, chim họa mi, chim yến, chào mào... Và đất quả không phụ công người, sau bao tháng ngày cật lực lao động, những vạt đồi trơ sỏi đá dần biến thành những đồi hoa bạt ngàn thu về cho Hồ Việt Hoa hàng tỷ đồng mỗi năm. Mới đầu anh phải thuê xe chở đào về Hà Nội bán, sau khách hàng tới tấp về tận nơi mua. Nhìn những bông hoa đào thắm sắc, những người trồng đào Nhật Tân đã phải thốt lên: “Đây mới là đất của đào!”.

Tất cả từ tình yêu cây cỏ

Tiếp xúc với Hồ Việt Hoa lần đầu, dễ có cảm giác con người ấy có phần ngông... Nhưng trò chuyện lâu mới biết đằng sau vẻ ngông nghênh, bất cần ấy là một tình yêu hoa lá, cây cỏ mãnh liệt. “Cõng” đào lên rừng thành công, anh tiếp tục trồng thêm nhiều loại hoa khác như lan, huệ, cúc… Đặc biệt, anh Hoa mê và trồng rất nhiều hoa hồng ta. Một ngày nọ, anh chợt nghĩ: “Tại sao người ta làm được nước hoa hồng mà mình không làm thử rượu hoa hồng?”. Vậy là anh cho người hái hoa rồi đem vào thùng ngâm thử. Hơn tháng sau mang ra uống, anh cười như “được mùa” bởi rượu hoa hồng chẳng những ngon mà mùi vị cũng rất lạ.

Hết rượu hoa hồng đến lượt rượu đào và các loại nước siro “made by Hồ Việt Hoa” cũng lần lượt xuất hiện. Đặc biệt, hoa atiso đỏ sau khi ngâm để chế thành nước siro, cái hoa sẽ được tận dụng để làm mứt bán. Mỗi năm thu nhập từ rượu, nước atiso mang lại hàng trăm triệu đồng. Hiện, trang trại của anh đang tạo việc làm cho hàng chục nhân công trong vùng, đồng thời giúp cho họ có thêm kiến thức, kinh nghiệm để có thể tự lập với nghề trồng hoa, chăm sóc cây cảnh sau này. Thậm chí, những người làm công cho anh còn được vay vốn không lấy lãi để chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. “Ở đây có một loài hoa không tên nhưng lại là bông hoa đẹp nhất, rực rỡ nhất, đó là Hồ Việt Hoa. Mới đầu nhiều người bảo gã điên nhưng nhìn xem, có ai điên mà dựng xây được cơ ngơi như gã đâu”, anh Lợi, một công nhân trang trại chia sẻ.

Ai ghé thăm trang trại của anh Hoa cũng mê mẩn không gian nơi đây, nhiều người ví nó như “Đà Lạt thu nhỏ” với đủ loại hoa thơm, cây lạ, chim chóc líu lo ngày đêm. Thành công, có một cơ ngơi đáng mơ ước nhưng đến giờ anh Hoa vẫn ở một mình, không chịu lập gia đình “Tôi đang tính rao bán trang trại dù nó là tâm huyết cả cuộc đời tôi. Tôi muốn đi bộ dọc đất nước này để thỏa chí tang bồng, không xin ai, ai nghèo thì cho...”. Lại một ước nguyện làm không ít người khó hiểu của “gã gàn dở” Hồ Việt Hoa!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Cõng” đào lên đồi hoang…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.