Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công cụ quan trọng, minh bạch công tác quản lý

Gia Khánh| 07/04/2016 06:35

(HNM) - Như tin đã đưa, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP Hà Nội. Quy chế này được coi là công cụ quan trọng và cần thiết trong phát triển đô thị; góp phần minh bạch hóa việc quản lý, hạn chế tình trạng xin - cho với từng dự án.


Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, việc ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử là xu thế tất yếu trong phát triển đô thị. Quy chế này chỉ rõ những khu vực được xây dựng công trình cao tầng. Trong khu vực đó, quy chế lại phân từng đoạn và chỉ rõ công trình được xây cao tối đa bao nhiêu tầng, bao nhiêu mét. "Đây chính là công cụ quản lý phát triển đô thị quan trọng và cần thiết, để hạn chế tình trạng xin - cho đối với từng dự án"- ông Nghiêm nói.

Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng đã tháo nút thắt cho công tác cải tạo chung cư cũ. Ảnh: Thái Hiền


Có một thực tế là trước khi quy chế ban hành, mặc dù đã có các chỉ tiêu quy hoạch cho từng khu vực, từng giai đoạn, song người dân vẫn phải chứng kiến nhiều công trình cao tầng mọc lên tràn lan, mà không ít trong số đó bị giới chuyên môn đánh giá xấu về kiến trúc, "vô duyên", không ăn nhập, phá vỡ cảnh quan chung. Dư luận cũng băn khoăn, tại sao cùng tuyến phố, cùng khu vực, chỗ lại được xây cao mấy chục tầng, chỗ lại bị cấm. Còn đối với nhiều chủ đầu tư dự án, khu vực nội đô lịch sử vẫn là khu vực hạn chế phát triển. Trước khi quy chế ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản không cho phép xây dựng nhà cao tầng, nên doanh nghiệp "loay hoay", không biết thực hiện thế nào cho đúng khi quyết định đầu tư. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa, quy chế này "mở cửa" cho các công trình cao tầng trong nội đô, bởi ngoài "khuôn thước" về tầng cao, quy chế còn quy định rõ việc kiểm soát về cảnh quan, dân số, hạ tầng kỹ thuật. Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, phải nhìn nhận rằng, đây là công cụ kiểm soát sự phát triển đô thị, với nhiều chỉ tiêu quy hoạch, được cụ thể từng ô, từng đoạn phố, nhằm khắc phục những nhược điểm trong phát triển đô thị trước đây.

Điểm rất đáng chú ý trong quy chế là nội dung liên quan đến tái thiết các khu tập thể cũ, cũng là vấn đề Hà Nội gặp rất nhiều vướng mắc, quy chế nêu một số yêu cầu cụ thể, như phải lập quy hoạch chi tiết 1/500, mật độ xây dựng thấp, tạo không gian mở, dành đất cho công trình giáo dục, cây xanh... Đối với từng khu, quy chế ấn định chiều cao công trình tối đa từ 21 đến 24 tầng. Theo Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm, không riêng Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, khi xây dựng lại chung cư cũ đều phải tăng chiều cao để tăng lợi nhuận, bù đắp chi phí, cải thiện điều kiện sống cho các hộ dân đang ở đó. Vì vậy, việc quy chế đưa ra các chiều cao tối đa cụ thể cho từng khu tập thể cũ là rất đáng hoan nghênh. "Doanh nghiệp tự soi chiếu vào đó để quyết định đầu tư, tránh tình trạng mù mờ, "thầy bói xem voi" - ông Liêm nói.

Ông Nguyễn Mạnh Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 7 cho biết, quy chế ấn định chiều cao tối đa cho dự án tái thiết tập thể cũ là "mốc" quan trọng để doanh nghiệp biết khi nghiên cứu dự án. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, không nên hiểu như vậy có nghĩa, nhà đầu tư muốn xây bao nhiêu thì xây, bởi trình tự dự án vẫn phải tuân thủ các bước theo quy định, bảo đảm các chỉ tiêu quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đã được duyệt.

Đồng tình với việc phải lập quy hoạch chi tiết tổng thể toàn khu thay vì chỉ làm từng nhà riêng lẻ, ông Đào Ngọc Nghiêm nêu: "Chúng ta đã có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, đã phê duyệt quy hoạch chuyên ngành giao thông, chợ, hệ thống hạ tầng... Và bây giờ có quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng. Đây là điều kiện để xây dựng quy hoạch tổng thể cải tạo chung cư cũ".

Cùng quan điểm, ông Phạm Sỹ Liêm cũng cho rằng, phải có quy hoạch tổng thể toàn khu mới giải quyết được vướng mắc về hạ tầng, dân số, cải thiện chỗ ở cho người dân. Ngoài ra, cần đề cao vai trò của người dân, là những người đang sở hữu chung cư đó; coi họ như một phần của dự án "Cộng đồng chung cư làm chủ, chính quyền đô thị tạo điều kiện và giúp đỡ, doanh nghiệp bất động sản tham gia; xác định rõ vai trò, lợi ích của các bên" - ông Liêm đề xuất thêm.

Theo Điều 10 - Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng, đối với khu vực dự án tái thiết đô thị, việc nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng tại các dự án tái thiết đô thị là khu chung cư cũ, có quy mô từ 2ha trở lên, phải bảo đảm các điều kiện:

- Xác định ranh giới thực hiện dự án, lập quy hoạch chi tiết 1/500 làm cơ sở kiểm soát.

- Thực hiện theo hướng cao tầng, mật độ thấp, tạo nhiều không gian mở, hạn chế gia tăng dân số khu vực.

- Bố trí đất cho công trình giáo dục, tăng diện tích cây xanh, công cộng, chỗ để xe…

- Các điều kiện cụ thể khác: Khu Nguyễn Công Trứ chiều cao tối đa 25 tầng, 90m; khu Giảng Võ, Hào Nam, Ngọc Khánh cao tối đa 21 tầng, 76m; khu Thành Công, Quỳnh Mai, Thanh Nhàn, Khương Thượng, Phương Mai, Láng Hạ, Kim Liên, Nam Đồng, Vĩnh Hồ, Trung Tự cao tối đa 24 tầng, 86m; khu Văn Chương cao tối đa 18 tầng, 65m.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công cụ quan trọng, minh bạch công tác quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.