Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công bố quyết định thành lập Trường đại học Kiểm sát Hà Nội

Thành Tâm| 25/05/2013 11:11

(HNMO) – Ngày 25-5, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các đại biểu . Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN


Tại buổi Lễ, Chủ tịch nước nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Cải cách tư pháp là phải xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh, có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa... Tuy nhiên, tình trạng thiếu cán bộ có chức danh tư pháp nói chung và Kiểm sát viên nói riêng ở nhiều địa phương vẫn tồn tại. Trước tình hình đó, Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ Tư đã ra Nghị quyết số, trong đó yêu cầu: "Khắc phục tình trạng thiếu cán bộ có chức danh tư pháp, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản tuyển dụng đủ cán bộ tư pháp...". Đồng thời, Bộ Chính trị cũng đã có Thông báo số 116-TB/TƯ về việc đào tạo cán bộ của ngành Tòa án nhân dân và ngành Kiểm sát nhân dân… Việc tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội là thể hiện sự nghiêm túc và quyết tâm thực hiện Nghị quyết của Đảng và Quốc hội về những vấn đề nêu trên.

Để Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ được giao, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Ngành Kiểm sát cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác cán bộ, có chính sách phù hợp bảo đảm cho đội ngũ cán bộ của ngành Kiểm sát luôn có sự kế thừa và phát triển. Lãnh đạo Viện KSND tối cao cần tập trung xác định rõ mục tiêu, phạm vi đào tạo sao cho phù hợp với nhu cầu cán bộ của Ngành. Công tác tuyển sinh phải phù hợp với yêu cầu tuyển dụng cán bộ, đặc biệt là ở những địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa; có cơ chế thu hút tuyển chọn những người có tâm huyết, đủ đức, tài vào làm việc ở nhà trường, đáp ứng yêu cầu của một trường ĐH.

Chủ tịch nước cũng yêu cầu Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội cần chủ động xây dựng hệ thống giáo trình, giáo án và bài tập... phù hợp với đặc điểm của trường ĐH chuyên ngành kiểm sát; chú trọng đào tạo kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; vừa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, vừa là nơi nghiên cứu khoa học kiểm sát của ngành kiểm sát nhân dân. Các thầy, cô giáo, cán bộ, viên chức và học viên của nhà trường cần ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt; đổi mới chương trình nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, gắn lý luận với thực tiễn công tác của Ngành. Nhà trường cần phấn đấu bảo đảm học viên ra trường có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sạch, nắm vững khoa học pháp lý, có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Trước mắt cũng như lâu dài, Viện KSND tối cao cần phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành hữu quan, Đảng bộ, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện về nguồn lực cho Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội sớm ổn định đi vào hoạt động. Nhà trường phải chủ động hợp tác chặt chẽ với các trường trong nước và quốc tế, phấn đấu đưa Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội phát triển thành Trường trọng điểm quốc gia, từng bước vươn lên ngang tầm khu vực.

Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội tiền thân là Trường Bổ túc và đào tạo cán bộ kiểm sát. Từ khi thành lập, nhà trường đã đào tạo 1.366 học viên trình độ trung cấp; hơn 7.600 học viên trình độ CĐ… Hiện, nhà trường có 75 giảng viên, trong đó có 9 tiến sỹ, 42 thạc sỹ. Mục tiêu đến năm 2020, nhà trường sẽ có 120 giảng viên, trong đó ít nhất 15% có trình độ tiến sỹ, 60% có trình độ thạc sỹ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công bố quyết định thành lập Trường đại học Kiểm sát Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.