(HNMO) – Chiều 3/8, Bộ Công thương đã tổ chức họp báo công bố Quyết định số 1208/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII).
Mục tiêu của Quy hoạch điện VII là sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, kết hợp với nhập khẩu năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện; cung cấp đầy đủ điện năng với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Theo đó sẽ cung cấp đầy đủ nhu cầu điện trong nước, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2015 khoảng 194-210 tỷ kWh; năm 2020 khoảng 330-362 tỷ kWh. Ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này từ mức 3,5% năm 2010 lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020. Giảm hệ số đàn hồi điện/GDP từ bình quân 2,0 hiện nay xuống còn bằng 1,5 vào năm 2015 và còn 1,0 vào năm 2020. Đẩy nhanh chương trình điện khí hóa nông thôn, miền núi đảm bảo đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.
Đáng chú ý, để thực hiện mục tiêu và khối lượng quy hoạch được duyệt, dự kiến tổng vốn đầu tư cho toàn ngành điện đến năm 2020 khoảng 929,7 nghìn tỷ đồng (tương đương với 48,8 tỷ USD, trung bình mỗi năm cần khoảng 4,88 tỷ USD). Trong đó: Đầu tư vào nguồn điện giai đoạn 2011-2020 là 619,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 66,6% tổng vốn đầu tư; đầu tư vào lưới điện giai đoạn 2011-2020 là 210,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,4% tổng vốn đầu tư.
Hơn nữa, để thực hiện được Quy hoạch điện VII, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt một số giải pháp đồng bộ bao gồm: các giải pháp bảo đảm an ninh cung cấp điện; giải pháp tạo nguồn vốn đầu tư phát triển ngành điện… Theo đó sẽ thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp ngành điện nhà nước không cần giữ 100% vốn. Tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào phát triển các dự án điện. Ưu tiên các dự án FDI có thể thanh toán bằng tiền trong nước, hoặc thanh toán bằng đổi hàng và không yêu cầu bảo lãnh của Chính phủ. Tăng cường thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài như vốn viện trợ phát triển chính thức ưu đãi, viện trợ phát triển chính thức không ưu đãi, vay thương mại nước ngoài...
Đặc biệt về giải pháp giá điện sẽ thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu chính trị-kinh tế-xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành điện. Giá bán điện cần kích thích phát triển điện, tạo môi trường thu hút đầu tư và khuyến khích cạnh tranh trong các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối và sử dụng điện. Giá bán điện phải bảo đảm thu hồi được chi phí và có mức lợi nhuận hợp lý (thành phần đầu tư tái sản xuất mở rộng) nhằm bảo đảm các doanh nghiệp ngành điện tự chủ được về tài chính. Sẽ cải tiến và hoàn thiện biểu giá điện hiện hành theo hướng: Thực hiện điều chỉnh giá bán điện theo thay của giá nhiên liệu, tỷ giá hối đoái và cơ cấu sản lượng điện phát; Giảm dần tiến tới bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các miền; nghiên cứu thực hiện biểu giá điện theo mùa và theo vùng.
Bổ sung biểu giá điện hai thành phần: Giá công suất và giá điện năng; trước tiên áp dụng cho các khách hàng sử dụng điện lớn. Giá bán điện cần phải xem xét tới các đặc thù vùng và cư dân các vùng: Biên giới, hải đảo, nông thôn, miền núi ,... với những điều tiết trợ giá, trợ thuế cần thiết để giảm bớt cách biệt về hưởng thụ năng lượng điện, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và đô thị hóa giữa các khu vực và bộ phân dân cư, giữa miền núi và miền xuôi, giữa nông thôn và thành thị....
Ngoài ra sẽ thực hiện tái cơ cấu ngành điện để từng bước hình thành thị trường điện cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở bảo đảm an ninh cung cấp điện; nhằm giảm chi phí nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện; đưa ra các tín hiệu giá một cách công khai, minh bạch để thu hút đầu tư, phát triển ngành điện bền vững.
Ngoài các giải pháp chính nêu trên, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quy định chi tiết về các giải pháp: môi trường, chính sách phát triển khoa học-công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, phát triển ngành cơ khí điện và nội địa hóa, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phân công chi tiết các nhiệm vụ của các Bộ, UBNN các Tỉnh/thành phố trực thuộc TƯ, các Tập đoàn nhà nước có liên quan, trong việc tổ chức và thực hiện quy hoạch được duyệt.
Quyết định 1208/QĐ-TTG của TTg CP cũng ban hành phụ lục chi tiết quy định danh mục các nhà máy điện và các công trình đường dây và trạm lưới điện truyền tải sẽ đầu tư xây dựng trong 10 năm tới để đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện theo dự báo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.