(HNMO) – Xếp thứ 43 trong số 63 tỉnh thành, bị thụt lùi 10 bậc so với 2009, Hà Nội trở thành một trong những địa phương rớt hạng mạnh nhất trên Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2010 vừa được công bố sáng nay 16/3, tại Hà Nội.
Đáng chú ý, theo kết quả xếp hạng, Hà Nội cũng là địa phương được đánh giá là yếu nhất trên cả nước về khả năng tiếp cận đất đai của doanh nghiệp. Trong khi đó, TP HCM cũng tụt đến 7 bậc, xếp hạng 23 trong năm 2010.
Chỉ số PCI là thành quả của sự hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Sáng kiến Cạnh tranh Việt Nam (USAID/VNCI).
Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2010 (PCI 2010) thể hiện quan điểm của 7.300 doanh nghiệp dân doanh Việt Nam tham gia khảo sát. Theo kết quả PCI 2010, doanh nghiệp đánh giá có sự cải thiện ở một số lĩnh vực như chất lượng đào tạo lao động và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng ở một số lĩnh vực khác như chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý, tính minh bạch và chi phí thời gian lại có xu hướng sụt giảm, cho thấy gánh nặng tuân thủ các thủ tục, quy định pháp luật ngày càng gia tăng đối với khu vực kinh tế tư nhân.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: “Chỉ số PCI là công cụ hữu ích đánh giá mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố ở Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Trong năm nay, có khá nhiều các điển hình về sáng kiến cải cách đáng để các tỉnh học tập lẫn nhau”.
Năm thứ 3 liên tiếp thành phố Đà Nẵng là địa phương đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2010, tiếp theo là Lào Cai và Đồng Tháp. Các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục có bước tiến ổn định trong cải thiện chất lượng điều hành kinh tế của mình. Nếu tính cả Cần Thơ và Long An, khu vực này có đến 9 tỉnh, thành phố trong tổng số 22 tỉnh thuộc nhóm có thành tích “Rất Tốt” và “Tốt” trong xếp hạng PCI 2010.
Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, địa phương đứng đầu PCI từ năm 2008 đánh giá: "Từ năm 2005 đến nay, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI là một căn cứ tham khảo quan trọng của chính quyền các tỉnh, thành phố, trong đó có thành phố Đà Nẵng, trong việc đánh giá năng lực điều hành kinh tế - xã hội ở địa phương, đặc biệt là trong việc hoạch định chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp. Chỉ số PCI cũng là một kênh thông tin hữu dụng giúp các doanh nghiệp lựa chọn địa điểm đầu tư hoặc cân nhắc khả năng mở rộng sản xuất và kinh doanh để đạt hiệu quả mong muốn. Do vậy, trong những năm gần đây chỉ số PCI đã góp phần quảng bá đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước".
Đáng chú ý, để phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách, lần đầu tiên VCCI và USAID/VNCI tiến hành điều tra 1.155 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 47 quốc gia và hoạt động trên khắp cả nước. Kết quả điều tra đã cung cấp những đánh giá sâu sắc về hiện trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam và những thách thức trong việc thu hút đầu tư giá trị gia tăng cao hơn để duy trì tăng trưởng kinh tế.
“Điều tra PCI 2010 cho thấy để tạo bước phát triển mới cho nền kinh tế, Việt Nam cần tìm cách thu hút đầu tư chất lượng cao để nâng cao năng suất và mang lại thịnh vượng quốc gia. Điều này đòi hỏi cải thiện chất lượng điều hành kinh tế và hệ thống quy định để giảm chi phí và rủi ro cho kinh doanh tại Việt Nam”, ông Francis Donovan, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) tại Việt Nam nhận định.
Điều tra PCI 2010 cũng cung cấp những phân tích về vấn đề chi phí không chính thức trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Những thông tin này có thể hỗ trợ Chính phủ và các cơ quan nhà nước trong việc định hướng các nỗ lực, xác định ưu tiên cho các lĩnh vực mà doanh nghiệp dễ có xu hướng chi trả chi phí không chính thức, cũng như trong việc áp dụng kết hợp các giải pháp quản lý và công nghệ nhằm giảm thiểu tham nhũng và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.
“Cải thiện chất lượng điều hành kinh tế đòi hỏi có sự lãnh đạo và cam kết liên tục từ các cấp lãnh đạo của Chính phủ ở cả Trung ương và địa phương trong việc đối phó với những thách thức, như cơ sở hạ tầng, quản lý hành chính, tham nhũng và phát triển nguồn nhân lực”, bà Virginia Palmer, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.