(HNMO) - Ngày 22-3 tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương đã tổ chức lễ công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2017. Báo cáo do Bộ Công Thương phát hành nhằm cung cấp tới các bộ, ngành, địa phương và độc giả quan tâm một bức tranh tổng thể về tình hình xuất nhập khẩu trong một năm.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá, 2017 là năm thành công của xuất khẩu với kim ngạch lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 tỷ USD, đạt 214 tỷ USD, tăng hơn 21% so với năm 2016. Bên cạnh tăng trưởng khả quan, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu năm 2017 tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, đảm bảo định hướng đề ra tại Chiến lược Xuất nhập khẩu thời kỳ 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu hàng xuất khẩu là nhóm hàng công nghiệp chế biến với tỷ trọng trên 81%, tiếp đến là nhóm hàng nông sản, thuỷ sản chiếm hơn 12% và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản chiếm khoảng 2%/cán cân thương mại năm 2017 đạt thặng dư 2,92 tỷ USD, là mức thặng dư cao nhất từ trước đến nay, đồng thời tốc độ tăng của nhập khẩu thấp hơn tốc độ tăng của xuất khẩu. Trong đó, Việt Nam đạt xuất siêu chủ yếu với các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe với hàng hoá nhập khẩu như Hoa Kỳ, EU.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu cho biết, Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2017 mô tả toàn cảnh, có hệ thống, chính xác, khách quan về xuất nhập khẩu, giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan để định hướng kinh doanh… Trong Báo cáo, các chỉ tiêu xuất nhập khẩu được đề cập chi tiết, rõ ràng, bố cục khoa học theo hướng dễ hiểu, dễ so sánh cho người đọc…
Ông Đặng Mạnh Trung, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hồ Chí Minh nhấn mạnh sự cần thiết của việc biên soạn và xuất bản Báo cáo bởi đây là tài liệu thiết yếu, không chỉ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các cán bộ quản lý, các Sở Công Thương mà còn rất quan trọng đối với các lĩnh vực liên quan, phụ trợ của lĩnh vực xuất nhập khẩu như ngân hàng, vận tải, bảo hiểm, logisstic…
Đại diện các doanh nghiệp, ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho biết, doanh nghiệp ngành này quan tâm thị trường Trung Quốc vì đây là thị trường lớn, tiềm năng nhưng thông tin rất ít. Hiện thị trường này tính ổn định còn thấp trong khi tính rủi ro còn cao, vì vậy trong Báo cáo Xuất nhập khẩu 2018 cần thông tin toàn diện và dự kiến những vấn đề có thể xảy ra với thị trường này.
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đánh giá, báo cáo rất bổ ích với doanh nghiệp bằng những con số “biết nói”. Qua báo cáo xuất nhập khẩu nhìn rõ hơn vị trí của doanh nghiệp xuất khẩu trong nước ở đâu, như thế nào so với doanh nghiệp nước ngoài; có bao nhiêu sản phẩm xuất khẩu đầu cuối, bao nhiêu sản phẩm gia công… Ông Trần Việt Anh cũng góp ý, báo cáo cần thống kê con số xuất khẩu của các tỉnh để biết về thế mạnh địa phương, về sản phẩm chiến lược của địa phương để phục vụ cho đầu tư… Bên cạnh đó, nên tham vấn cho doanh nghiệp định hướng xuất khẩu sản phẩm mục tiêu, không giẫm chân lên nhau, nhằm tăng hiệu quả xuất khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.