Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2013

Lan Hương| 08/04/2014 13:44

(HNMO) - Sáng 8/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ngân hàng Thế giới công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2013 với chủ đề “Phát triển doanh nghiệp và chất lượng tăng trưởng”.

Đó là tài liệu quan trọng, giúp các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ về tình hình phát triển của doanh nghiệp Việt Nam qua từng năm, trên cơ sở đó, xây dựng những hướng đi thích hợp phục vụ cho việc phát triển kinh doanh ở Việt Nam.

Theo báo cáo, các yếu tố tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh năm 2013 có xu thế cải thiện rõ rệt, đạt 17 điểm, trong khi chỉ số này của năm 2012 chỉ đạt 6 điểm. Đó là, các yếu tố về tiếp cận thị trường công nghệ, điều kiện hạ tầng giao thông và yếu tố về cấp đất, giải phóng mặt bằng mở rộng sản xuất. Đặc biệt, yếu tố về tiện ích cơ sở hạ tầng được cải thiện hơn nhiều mức doanh nghiệp dự cảm. Tuy nhiên có một số yếu tố được doanh nghiệp dự cảm sẽ tốt lên trong năm 2013 nhưng thực tế vẫn chưa được cải thiện như nhu cầu thị trường trong nước và tiếp cận vốn vay.

Mặt khác, về các vấn đề chính sách và điều hành vĩ mô trong năm 2013 được đánh giá cải thiện đáng kể so với năm 2012 (thể hiện ở chỉ số tổng thể môi trường pháp lý và kinh tế vĩ mô trong năm 2013). Các doanh nghiệp đánh giá, chất lượng của quy định pháp lý, hiệu lực thực thi chính sách, thủ tục hành chính liên quan tới doanh nghiệp, sự cải thiện trong thái độ và ý thức trách nhiệm của cán bộ công quyền, sự ổn định của môi trường pháp lý và điều hành kinh tế... đã có nhiều biến chuyển.



Riêng về chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, trong năm 2013, lãi suất ngân hàng đã giảm mạnh nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng không được cải thiện nhiều. Nguyên nhân chính được các tổ chức tín dụng đưa ra chủ yếu là do các doanh nghiệp không đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn theo quy định. Một trong những điều kiện đó là phải có tài sản thế chấp. Việc sử dụng bất động sản làm tài sản thế chấp trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng đã đẩy cả doanh nghiệp và ngân hàng vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Trong khi đó, ở năm 2013, điều tra cho thấy, có 65,2% doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn ngân hàng nhưng khó khăn trong việc tiếp cận.

Trong năm 2014, báo cáo cho thấy, 50,7% số doanh nghiệp khảo sát có kế hoạch giữ nguyên quy mô kinh doanh; 42,5% doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô kinh doanh và 6,7% có thể giảm quy mô kinh doanh, chỉ có 0,1% doanh nghiệp có thể sẽ phải tạm dừng hoạt động.

Với những doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh đánh giá triển vọng kinh tế đã tiốt hơn và Việt Nam vẫn có lợi thế trong việc cung cấp lao động có sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp cũng tập trung thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp để hoạt động hiệu quả hơn.

Đáng chú ý, trong lần công bố báo cáo này, VCCI cũng cho rằng để “Phát triển doanh nghiệp và chất lượng tăng trưởng”, Nhà nước cần thiết lập cơ cấu kinh tế ngành, vùng phù hợp, phục vụ mục tiêu hiệu quả kinh doanh và phát triển lợi thế cạnh tranh của từng địa phương và của quốc gia. Để làm được việc này, các trọng tâm về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng mà Chính phủ đang theo đuổi phải được thực hiện đồng bộ và nhất quán, với các định hướng như: Tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, xây dựng các thể chế để khuyến khích và định hướng đầu tư theo tín hiệu của thị trường, bằng cách đa dạng hóa xuất khẩu, mở rộng thị trường nội địa, hình thành chuỗi cung ứng, tạo lập thị trường cạnh tranh…

Riêng đối với các doanh nghiệp, VCCI khuyến nghị, cần thường xuyên cập nhật các chính sách của Chính phủ để tận dụng sự hỗ trợ, tiếp tục thực hiện mạnh mẽ quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, tăng cường năng lực hấp thụ vốn đầu tư bằng chiến lược kinh doanh, chú trọng việc cân đối dòng tiền, xây dựng, rà soát và có cơ chế giám sát chặt chẽ hệ thống các định mức chi phí trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Tăng cường liên kết trong kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp có cùng ngành nghề, nâng cao năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường…

Trong buổi công bố báo cáo sáng nay, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết: Phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước, đang được coi là động lực quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế những năm qua. Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp dân doanh trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp nhiều khó khăn về tiếp cận các nguồn lực phát triển như: vốn, thị trường, thiếu cơ chế hỗ trợ hữu hiệu từ phía nhà nước…

Dự kiến cuối tháng 4 này, VCCI sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức diễn đàn đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước. “Diễn đàn phát triển doanh nghiệp và chất lượng tăng trưởng”, được tổ chức sáng nay là một bước chuẩn bị cho cuộc đối thoại sắp tới. Thông qua diễn đàn này, cộng đồng doanh nghiệp sẽ hiến kế, đề xuất với Chính phủ các giải pháp mới, mang tính khả thi, nhằm tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp này phát triển năng động, hiệu quả hơn, đóng góp chung cho sự phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2013

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.