(HNMO) - Ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, trong số 5 bộ bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 do Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa vừa thẩm định, có 4 bộ bản mẫu sách giáo khoa do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn.
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam với nhiệm vụ đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông” do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 8-11 tại Hà Nội.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia trong nước, quốc tế về chương trình, sách giáo khoa; một số tổng chủ biên, chủ biên đại diện cho các bộ sách giáo khoa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam; đại diện giáo viên, các nhà quản lý giáo dục, cơ quan quản lý nhà nước tại 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra).
Tại hội thảo, các chuyên gia, cán bộ quản lý, giáo viên của các nhà trường đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về những kinh nghiệm trong việc biên soạn sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực; về định hướng, mục tiêu và phương pháp biên soạn một số sách giáo khoa lớp 1…
Trong khuôn khổ của hội thảo, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã giới thiệu 4 bản mẫu sách giáo khoa do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn, gồm: Bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống; bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo; bộ sách giáo khoa Cùng học để phát triển năng lực; bộ sách giáo khoa Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Những bản mẫu sách giáo khoa này đã cụ thể hóa những mục tiêu giáo dục toàn diện, chuyển từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực.
Hiện tại, các bộ bản mẫu đã được thẩm định xong vòng 2, đang trong thời gian chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả thẩm định để có thể đưa vào triển khai chính thức từ năm học 2020-2021.
Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, Hà Nội đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021. Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu UBND thành phố Hà Nội thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa; xây dựng tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa; cung cấp sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt cho cơ sở giáo dục phổ thông và hội đồng lựa chọn sách giáo khoa để nghiên cứu lựa chọn.
Sở cũng sẽ chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến, đề xuất việc lựa chọn sách giáo khoa; thông báo danh mục sách giáo khoa được lựa chọn đến giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh, đồng thời hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông mua sách để sử dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.