Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công bằng cho dân

Vân Anh| 09/05/2010 06:13

(HNM) - Lâu nay ở nước ta có những công trình giao thông mới triển khai mà riêng tiền đền bù giải phóng mặt bằng đã đến 70-80% tổng số tiền đầu tư. Người ta dễ nghĩ rằng các hộ dân trong diện phải di dời được đền bù lớn. Song đơn giá đền bù chỉ trong “khuôn khổ”, nhiều nhà không đủ để mua nổi một căn hộ chung cư ở khu nhà tái định cư.

Cái sự không công bằng như thế này đã diễn ra bao năm rồi, ở nhiều dự án, nên có nói, người ta lại bảo: "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!". Và chắc chắn rằng trong tương lai khi mà đất nước còn xây dựng và phát triển thì việc di dời giải phóng mặt bằng như thế này sẽ còn tiếp diễn. Một câu hỏi đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách là tại sao không tìm ra một giải pháp để có lợi cho cả các bên? Ví dụ: Khi giải phóng mặt bằng để làm một con đường, tại sao không giải phóng rộng hẳn ra gấp đôi, gấp ba chiều ngang con đường để rồi bán đấu giá lô đất đẹp hai bên mặt phố lấy tiền hỗ trợ xứng đáng cho dân phải di dời? Lấy thu bù chi, có khi lại giảm được giá thành của con đường không đến mức phải chi nhiều như hiện tại. Khi người dân cảm nhận được sự công bằng, họ sẽ vui vẻ di dời. Các công trình sẽ không còn cái tiến độ rùa bò mà ta thường thấy do dân không thuận khi giải phóng mặt bằng.

Trong lĩnh vực bất động sản từ trước tới nay ở ta thường thiếu sự minh bạch. Quy hoạch làm đường, làm dự án thường chỉ đến khi sắp động thổ dân mới được biết chi tiết. Còn các quy hoạch trình làng thì đại tổng quát, công chúng chỉ biết đại thể và chủ yếu cho các nhà chuyên môn tranh cãi. Còn người dân làm sao biết được liệu cái quy hoạch treo sẽ thành sự thực? Liệu nhà mình có bị bốc dỡ đi hay không?. Muốn đầu tư xây lại ngôi nhà nhưng lại thấp thỏm lo liệu có an cư? Nếu ở các nước tiên tiến thì chỉ việc đến Sở Quy hoạch hỏi là biết ngay. Còn ở ta, biết hỏi ai? Cho nên cái sự mù mờ ấy đã làm giàu cho khối người "nắm" được thông tin. Họ biết đâu là nơi con đường sẽ đi qua, đâu sẽ là rẻo đất vàng mặt con đường mới trong tương lai. Họ tìm mua ngay khi nó vẫn còn là bùn, là đất hoang, đất hẻm để rồi một vốn lãi gấp bốn trăm lần.

Thế nên nếu làm theo cái lẽ công bằng như giải pháp kia thì họ làm sao còn lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công bằng cho dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.