(HNM) - Chưa bao giờ câu chuyện về đất hiếm lại được bàn tán sôi nổi như những ngày qua. Khắp thế giới, từ Đông sang Tây, tất cả dường như đang
Vấn đề bắt đầu được hâm nóng khi gần đây rộ lên thông tin Trung Quốc - nước gần như độc quyền về việc cung cấp nguyên liệu này sẽ giảm hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm từ tháng 7-2011. Ngay lập tức giá đất hiếm đã liên tục bị "thổi" lên cao đến chóng mặt. Thế nhưng, đến khi tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc - Nhật Bản trở nên căng thẳng, Bắc Kinh tuyên bố hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang xứ sở Mặt trời mọc, mặt hàng này mới thực sự trở thành "tiêu điểm của quốc tế". Thậm chí, chủ đề về đất hiếm sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển và các nước có nền kinh tế mới nổi (G20) sắp diễn ra tại Hàn Quốc.
Sở dĩ tiếng chuông báo động được cả thế giới gióng lên là vì từ lâu đất hiếm đã trở thành loại nguyên liệu tối cần thiết cho nhiều ngành công nghệ mũi nhọn tại các quốc gia phát triển, từ điện thoại di động, xe hơi động cơ hỗn hợp, tuabin gió, đến các loại thiết bị quốc phòng hiện đại như hệ thống radar quân sự, hệ thống điều khiển tên lửa. Hay nói một cách khác, không có loại đất này, nhiều nền kinh tế hiện đại sẽ không thể vận hành.
Đáng nói là, dù đất hiếm không phải là hiếm, song thời gian trước đây, do các phí tổn khai thác đất hiếm quá cao, lại lo sợ trước các tác hại đối với môi trường, nhiều nước phương Tây, mà cụ thể là Mỹ, đã đình chỉ sản xuất đất hiếm để dựa vào nguồn cung ứng dồi dào và giá rẻ đến từ Trung Quốc. Trong khi đó, từ lâu Bắc Kinh đã biết sử dụng nguồn tài nguyên này như một loại vũ khí chiến lược. Vì thế chỉ với 1/3 trữ lượng đất hiếm được khảo sát của thế giới, nhưng đến năm 2009, Trung Quốc đã sản xuất đến 97% sản lượng đất hiếm tiêu thụ trên toàn cầu. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng âm thầm thâu tóm các nguồn đất hiếm ở nước ngoài, đủ để các nền công nghiệp phát triển phải phụ thuộc vào mình. Do đó, nếu kế hoạch giảm lượng xuất khẩu đất hiếm của quốc gia đông dân nhất thế giới được triển khai, Nhật Bản sẽ là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất. Vì hiện nay Trung Quốc đang đáp ứng tới 60% nhu cầu mặt hàng này cho nước láng giềng ở phía Đông. Mỹ, Đức, Pháp cũng là đối tác lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Mặc dù ngày 29-9, Trung Quốc cam kết sẽ cung cấp đầy đủ đất hiếm cho Nhật Bản và các quốc gia khác trên thế giới, song những gì vừa diễn ra trên thị trường đất hiếm đủ để các nước nhận thấy cần phải hóa giải thế "độc quyền đất hiếm" của Bắc Kinh. Lẽ dĩ nhiên, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên nghĩ đến việc đa dạng hóa nguồn cung cấp đất kiếm. Hiện tại, Tokyo đang tìm cách mua thêm đất hiếm từ một số nhà sản xuất khác tại Mông Cổ và Việt Nam. Hàn Quốc cũng không ngồi yên. Seoul đã nghĩ đến khả năng hợp tác tay ba với Tokyo và Washington để tìm nguồn cung ứng khác. Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cũng đang cố gắng tìm giải pháp đối phó với nguồn cung đất hiếm hạn hẹp. Nhưng tất cả các mỏ kể trên chỉ có thể thực sự đi vào khai thác sau năm 2014. Từ nay đến đó, các quốc gia công nghiệp có lẽ sẽ phải đôi ba lần toát mồ hôi hột vì nhu cầu của thế giới về đất hiếm sẽ còn tăng gấp đôi trong 5 năm tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.